Lý Nhã Kỳ: “Luôn có một người đàn ông phía sau tôi”
“Đằng sau những gì tôi có được hôm nay là một người đàn ông cho tôi nghị lực, cho tôi quyết tâm. Người tôi ngưỡng mộ nhất trên đời. Đó là ba tôi”, “kiều nữ” Lý Nhã Kỳ chia sẻ.
Nhà 5 người, duy chỉ có ba tôi là đàn ông, nhưng ông bệnh, nằm liệt trên giường. Ngày tôi 14 tuổi, gia đình quyết định để tôi qua bên Đức du học. Lúc tôi đi, ba tôi không khóc như mẹ. Ba nói giọng nghèn nghẹn: Con đi đi. Nước mắt ba như nuốt vào bên trong. Tôi không dám bước vô phòng chào ba, vì sợ mình không đi nổi... Những ngày tháng đơn độc giữa đất nước xa lạ, đêm nào tôi cũng mơ về Việt Nam. Ở đây không có sức mạnh che chở của ba tôi. Sau 7 ngày, tôi gọi về cho ba, tôi khóc. Người đàn ông mạnh mẽ của tôi lại một lần nữa để nước mắt chảy xuôi.
Tôi cảm nhận được trong lòng ba khóc còn nhiều hơn lúc tôi đi: "Ba xin lỗi con, có lẽ ba không nên để cho con đi quá sớm như vậy!". Tự dưng nghe ba nói, tôi không khóc được nữa. Tôi phải đứng dậy, không thể để ba phải xin lỗi như thế... Lúc đó, tôi đã nghĩ mình phải tự lập, phải theo ngành kinh tế và quyết tâm sẽ làm được điều ba mong muốn và cho ba thấy tôi thành đạt trước tuổi 23…
Tuổi 18, tôi lao vào học và làm thêm. Tất cả công việc từ bán hàng siêu thị, lễ tân khách sạn, làm vỏ xe hơi, kế toán, phụ việc trong bệnh viện nhân đạo... tôi không ngại gì. Ở một công ty tôi làm kế toán, bao giờ cũng kèm theo một cuốn sổ ghi chép. Tôi ghi lại những lời của ông chủ ngoại quốc, một doanh nhân cực thành đạt mà tôi nể phục. Chính ông chủ cũng không biết đã dạy tôi những triết lý cuộc sống từ những việc vô cùng đơn giản. Và năm 23 tuổi, tôi về Việt Nam, mở trung tâm giải trí Heaven ở Vũng Tàu. Một tay tôi lo toàn bộ từ thiết kế, đặt nội thất, tuyển nhân viên, training...
Khi tôi về VN cũng là lúc ba tôi ốm rất nặng. Tôi làm mọi việc với một sức mạnh khủng khiếp vì tôi muốn chạy đua thời gian với bệnh tật của ba. Tôi bị hạt dây thanh quản, mất tiếng. Ngày tôi phải mổ, ba nằm trong viện Chợ Rẫy, tôi nằm ở Pháp Việt. Hai cha con đã hứa sẽ cùng nhau cố gắng.
Vậy mà tôi cố, nhưng ba tôi thì không được. Một tuần xuất viện, dù chưa được phép nói chuyện nhưng tôi lại lao vào việc, điều hành mọi thứ bằng cách viết ra giấy. Ngày làm cật lực, đêm chạy từ Vũng Tàu về với ba tôi. Chỉ ngồi nhìn ba, nắm tay ba cũng đủ thấy ấm áp. Ngày mọi người báo tin, tôi đang họp, vội chạy về, ở bên cạnh ba 1 đêm, sáng hôm sau thì đưa ba tôi đi.
Ba đi rồi, tôi như người mất phương hướng. Tôi không biết mình làm để làm gì, vì từ trước tới giờ, tôi chỉ làm để ba thấy tôi thành đạt. Tôi bỏ tất cả, lúc đó tôi nhận ra trong cuộc sống có những điều đã mất là vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được. Nửa năm đó tôi buông xuôi tất cả. Cả khu vui chơi bao công dựng lên, tôi cũng nhượng lại cho người khác...
Rồi như một cơ duyên, tôi lao vào điện ảnh để thoát khỏi cảm giác hụt hẫng. Một kẻ "tay ngang" như tôi không biết những từ trong nghề, nói tiếng Việt còn lơ lớ, một số câu thoại dài không hiểu được đã phải cố gắng gấp nhiều lần mọi người để có thể thích nghi được. Tôi vào vai cô gái trẻ trung, dám yêu dám hận, nhiệt huyết và muốn bứt phá. Tiếp đó là nữ doanh nhân thành đạt mải mê công việc, quên lãng gia đình và bị chồng phản bội. Rồi đến vai kiều nữ cặp với đại gia... Thời gian đó tôi sợ ở một mình, vì một mình tôi lại nhớ ba.
Trong một năm, tôi đóng được 7 phim. Những phim tôi đóng, may mắn thay rất được lòng chị em phụ nữ. Họ nói, Lý Nhã Kỳ đóng vai kiều nữ ăn chơi, móc tiền đại gia mà không hiểu sao người ta không thấy ghét, lại thấy thương... Có những bài báo viết về tôi, tôi đều mang ra mộ đọc cho ba nghe, thậm chí là mang cả đĩa DVD ra bật cho ba xem, để ba tôi thấy tôi có thể thực hiện được cả những đam mê mà trước đây ba tôi thường gạt đi, nghĩ rằng tôi không thể.
Tôi muốn ba dù không còn nữa, nhưng vẫn luôn đứng sau tôi như động lực để tôi làm việc. Để bà con họ hàng tự hào về tôi, và mọi người sẽ nói rằng ba tôi thật có phước khi sinh được một đứa con gái giỏi giang...
Lý Nhã Kỳ sinh năm 1982 tại Việt Nam, bố là người Nga. Cô sang Đức sống năm 14 tuổi, trở về Việt Nam từ năm 2006 và tham gia đóng 7 bộ phim (Tình yêu còn mãi; Chuyện tình yêu; Ghen; Giá mua một thượng đế; Thám tử tư; Mười; Kiều nữ và đại gia) trong tổng số gần 30 bộ phim được mời tham gia. |
Theo Sinh Viên VN/Netlife