1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Lên Bà Nà gặp người “đặc biệt”

(Dân trí) - Bà Nà Hills có một hướng dẫn viên đặc biệt, một “ông già” - như ông vẫn thường nhận, nhỏ thó và nhanh nhẹn, say sưa nói với từng đoàn khách tham quan về Bà Nà, về những điều đặc biệt nơi đây, lần nào cũng nhiệt huyết như thể ông làm công việc này lần đầu tiên vậy.

Hướng dẫn viên đặc biệt của Bà Nà Hills ấy, là ông Hoàng Xuân Tỵ, năm nay đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, và ông được các “đồng nghiệp” ưu ái gọi là: “tài sản” quý giá của Bà Nà Hills.

Về sự hiểu biết của ông Tỵ, chả cần bàn tới nữa. Hơn nửa đời người gắn bó với những cánh rừng già Hoà Vang bạt ngàn và với Bà Nà, có lẽ nói không ngoa, rằng  ông thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ, từng mảnh tường của các khu biệt thự Pháp hoang phế nằm sâu trong rừng Bà Nà hoang sơ và quyến rũ. Ông đem đến cho du khách những câu chuyện sinh động về lịch sử của từng địa danh nổi tiếng tại Bà Nà: Hầm rượu có hàng trăm năm tuổi, khách sạn Debay mang tên một người Pháp có công phát hiện Bà Nà, vì sao ngọn núi này lại có tên gọi Bà Nà, những điều thú vị về loài hoa đào chuông nổi tiếng… Du khách nghe thích thú, và cảm nhận được rất rõ một điều rằng, ông đang nói về Bà Nà với tất cả tình yêu của mình, với niềm tự hào ngày ngày được khoe với du khách vốn quý của quê hương Đà nẵng, và với một chút hóm hỉnh, rằng, ai bảo người già như ông không khiến cho bao người trẻ kinh ngạc bởi sự hiểu biết và nhiệt tình trong công việc hàng ngày?

Ông Hoàng Xuân Tỵ còn có biệt tài làm hướng dẫn viên du lịch bằng thơ. Nhiều du khách đến Bà Nà, nghe ông đọc thơ, mê quá, xin chép thơ của ông về cho con cháu, bạn bè đọc, coi như truyền tải đến họ những điều về Bà Nà một cách sinh động nhất, qua góc nhìn của một người hiểu biết và gắn bó với Bà Nà, như thể núi rừng này là của ông vậy.
“Chưa đi chưa biết Bà Nà


“Chưa đi chưa biết Bà Nà

Lo làm ăn mãi, ở nhà biết chi

Mời lên nghỉ mát đây đi

Sẽ quên vất vả, thị phi ở nhà

Đến đây mới biết Bà Nà

Tham quan cảnh trí thật là đẹp ghê

Khí trời mát mẻ, đê mê

Đi trong sương khói như về cõi Tiên

Ngày đêm có 4 mùa liền

Sáng: Xuân hoa nở, chim chuyền cành bay

Trưa: Hè nắng gắt hây hây

Chiều: Thu êm dịu mây bay la đà

Đêm: Đông lạnh mát làn da

Ở đâu bằng được Bà Nà chúng tôi !...”

Chứng kiến sự hoang phế đến xót lòng của Bà Nà những năm sau kháng chiến, rồi hồ hởi với chiến dịch làm sống lại Bà Nà của thành phố những năm 90, không tránh khỏi những day dứt về những dịch vụ chưa xứng tầm với Bà Nà – một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng… từng ấy cung bậc tình cảm đã đi qua cuộc đời của người đàn ông gắn bó với Bà Nà và mê đắm vẻ đẹp như “đường lên tiên cảnh”. Chính vì vậy, sự hồi sinh của Bà Nà vào những năm 2008 trở lại đây khiến những người như ông Tỵ ngay lập tức nhận lời lên với Bà Nà để cống hiến công sức mình cho việc giúp du khách cảm nhận được hết sự mới mẻ và hấp dẫn trên ngọn núi này.
Ông viết bằng tất cả sự mừng vui và tự hào của mình:

 
Ông viết bằng tất cả sự mừng vui và tự hào của mình:

“Bà Nà Cáp, Bà Nà Hills

Khơi dậy sức sống, tình yêu Bà Nà

Cáp treo vượt núi chạy qua

An toàn lên xuống – đường xa hoá gần

Bồng bềnh cảm giác lâng lâng

Ta theo đường Cáp ngắm tầng mây cao

……………

Xây dựng hiện đại tầm xa

Công trình tưởng ở trong mơ thành hình

Bà Nà nghỉ dưỡng yên lành

Ta xin gởi trọn chân thành tin yêu”

Cứ thế, ngày lại ngày, những vần thơ về Bà Nà, những lời hướng dẫn gói trong đó tất cả sự hiểu biết, tấm lòng, sự tâm huyết của ông Hoàng Xuân Tỵ đã đem đến cho du khách tới Bà Nà tình yêu với công trình mang tầm vóc lớn này.

Không phải không có bạn trẻ lên làm việc tại Bà Nà rồi ngại ngần thời tiết thay đổi thất thường và sự di chuyển ở đây, và lúc ấy, những người quản lý chỉ nói ngắn gọn thế này: đến gặp bác Tỵ hơn 70 tuổi đi, để hỏi vì sao bác có thể cười mỗi ngày, với công việc của mình tại Bà Nà này.
Minh Khang