Lê Vân: Trở về đúng nghĩa đàn bà
"Tôi không nghĩ nó to chuyện đến thế. Tự truyện nó là những dòng nhật ký thầm kín, tự mình trò chuyện với mình như là một sự giải tỏa. Và một khi tôi trò chuyện với tôi, tôi không cần phải nói dối. Chẳng lẽ tôi phải trả giá cho lòng thành thật?", Lê Vân vẫn còn đầy chua chát khi nói về ký ức của mình.
Nhiều người đọc, ngay cả người trong nghệ thuật đều có chung một thắc mắc: Lý do nào thúc đẩy chị viết tự truyện?
Mười năm qua tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của khán giả qua báo chí muốn biết tôi đang làm gì, đang ở đâu. Sao bỗng im hơi lặng tiếng, sao lại xuống tóc bỏ nghề. Rồi người thân, bạn bè gần xa cũng tỏ lòng tiếc cho Vân sao giã từ màn bạc, sân khấu một cách đột ngột trong khi tôi còn có thể làm được nhiều hơn thế.
Cuốn tự truyện này ra đời, ngoài ý nghĩa tự thú, còn như là một sự trả lời cho câu hỏi tôi đang làm gì. Vâng, mười năm qua tôi đã kịp làm mẹ của hai cậu con trai nghịch ngợm, như lời khuyên của một chị bạn: "Bé ơi, phải có một đứa con cho mình. Công danh, tiền bạc, nhà cửa sẽ thật là vô nghĩa nếu là đàn bà mà lại không sinh con đẻ cái". Và tôi đã làm xuất sắc vai trò một người mẹ. Không những thế tôi lại còn cùng Bùi Mai Hạnh làm nên cuốn tự truyện này. Đâu có phải tôi đã lãng phí thời gian?
Người Việt Nam mình thường thích dĩ hòa vi quý. Với đa số người Việt, chuyện riêng của gia đình, những uẩn khúc của cha mẹ... là điều khó nói, càng không phải là điều để công khai. Hình như chị không thuộc trong số đó?
Không dễ gì để nói ra những điều đó, chỉ là những dòng hồi ức chảy vì tuổi thơ cay đắng không biết thổ lộ cùng ai. Từ khi làm mẹ, tôi mới hiểu rằng không có lòng người bố người mẹ nào lại không thương con, những đứa con do mình dứt ruột sinh ra. Nhưng vì nghèo quá, khắc nghiệt quá, mà bố mẹ chỉ yêu con đến chừng ấy thôi.
Đã có người nói rằng, sau khi đọc những hồi ức ấy, họ thương lắm một nghệ sĩ tài hoa Trần Tiến, thương Lê Vân và trên hết là lòng xót thương cho người mẹ Lê Mai. Những kiếp đời nghệ sĩ long đong lận đận.
Sáng nay, trong căn phòng tĩnh lặng, mở nghe bản nhạc Ave Maria, tôi thấy mình như con thú bị thương, và nốt nhạc thánh thiện ấy như dòng suối mát lành lau rửa vết thương tôi, ôm tôi vào lòng vỗ về dỗ dành tôi. Nước mắt tôi lại chảy dài trên má. Những giọt nước mắt của xót xa và thương cảm.
Lại như một ngoại lệ, nhiều người có thể cũng đã sống trong một hoàn cảnh gia đình, xã hội như chị, thậm chí lại không có nhiều may mắn bằng chị, nhưng họ không cảm thấy đau, thấy đắng. Còn với chị, cảm giác ấy cứ cuộn lên, có lúc cứ như muối xát... Nhiều người cho rằng chị nhạy cảm quá, chị nghĩ sao?
Đã là con người đồng cảnh ngộ trong một giai đoạn khắc nghiệt của hoàn cảnh lịch sử, của cuộc sống mưu sinh, đôi khi khốc liệt bởi chữ tiền lớn hơn chữ tâm. Có ai là người không biết đau, biết đắng? Chẳng qua cái đau đó được thể hiện ở nhiều cách khác nhau mà thôi. Người thì câm lặng, giả đui, người thì nhẫn nhịn, người nói ra những câu vè đầy ai oán như "nhân phẩm rẻ hơn thực phẩm"...
Với tôi, có lẽ ông trời đã bắt phải mang một trái tim quá nhạy cảm, khiến tôi tự làm khổ mình hơn cái tôi đang bị khổ. "Trời sinh ra vậy biết tại ai?". Nhớ hồi còn học ở trường Múa, cô giáo dạy văn khi phân tích Truyện Kiều nói rằng Thúy Kiều vì đa đoan nên tự chuốc khổ vào thân, còn Thúy Vân ngu ngơ được hưởng an lành. Ngẫm ra nghĩ lắm khổ nhiều. Giá được vô tư như Thúy Vân lại hay.
Thành danh từ những vai diễn sáng giá của Điện ảnh Việt Nam một thời, nhưng rồi chính chị lại đoạn tuyệt với nghề, lại phủ nhận nó, phủ nhận chính mình. Chị có nghĩ mình là người cầu toàn quá?
Thực ra với điện ảnh, tôi là dân ngoại đạo. Khi mới đóng phim, tôi chủ yếu diễn bằng bản năng. Rồi vừa làm vừa học. Bản năng cộng với cái gen nghệ thuật thừa hưởng từ cha mẹ, lại thêm sự nhạy cảm và tinh tế trong nghề mà tiến bộ dần. Phải nói rằng, thời tôi cùng các diễn viên điện ảnh khóa II gặp may, bởi thời đó ngoài đói ăn thiếu mặc, dân chúng còn đói cả văn hóa đọc - nghe - nhìn. Cho nên phim ảnh được đón nhận nồng nhiệt. Diễn viên điện ảnh nổi như cồn, báo chí ca ngợi không tiếc lời cho một ngôi sao điện ảnh mới xuất hiện. Rất dễ dàng để chiếm được sự cảm phục cũng như tình cảm của công chúng. Tôi cũng từng là một trong những ngôi sao của điện ảnh Việt Nam thời đó. Được ưu ái, được nuông chiều mà nổi lên thôi.
Đến thời điểm sau này, mọi người có nhiều cơ hội được xem những tác phẩm điện ảnh đích thực của thế giới. Băng hình, đĩa hình nhan nhản khắp nơi, có những phim vừa đoạt giải Oscar đã thấy chiếu ở trong nước. Được tiếp cận những tác phẩm điện ảnh mới nhất, xuất sắc nhất của thế giới, khán giả không thể không so sánh với những thành tựu của điện ảnh nước nhà. Và điều gì phải đến sẽ đến: khán giả quay lưng lại điện ảnh trong nước.
Nếu là người thông minh và tự trọng thì nên dừng lại thôi. Tôi nghĩ, dừng lại đúng lúc để còn kịp giữ lại những gì cần giữ. Ít nhất còn thấy không ngượng với lương tâm mình.
Đọc tự truyện của chị, có vài đoạn thấy chưa thuyết phục, thấy chưa nên và không nên. Chị có sợ mình cũng có những cực đoan khi nhìn một người, một việc nào đó?
Tôi không nhận biết đó là những đoạn nào. Chỉ biết rằng những dòng hồi ức ấy cứ ào ạt chảy về, cuốn đi đời tôi cùng với bao người làm nên số phận tôi. Muốn hay không họ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời tôi. Đó là những cảm nhận có thật, rất thật trong tôi, của riêng tôi.
"Vân ơi, Vân là ai?", chị vẫn luôn day dứt với câu hỏi đó. Bây giờ chị đã có câu trả lời như thế nào?
Người đàn ông - bố của hai cậu con trai tôi - đã mang lại cho tôi câu trả lời thật giản dị: Tôi đã được là đàn bà, một người đàn bà Việt. Các con tôi mang lại cho tôi câu trả lời rằng: Tôi là mẹ, là mẹ Vân. Vâng, cuối cùng thì tôi đã được trở về đúng nghĩa: Đàn bà.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị