Lê Thanh Hải với cuộc chơi “… đêm của sự phi thường”

(Dân trí) - Tại đêm tiệc của Samsung “Đêm Ultra, đêm của sự phi thường”, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những bức ảnh siêu thực, một thể nghiệm mới mà Lê Thanh Hải đang rất tâm đắc và kỳ vọng được nhiều tâm hồn đồng cảm cùng mình.

Anh có tiếng trong giới nghệ thuật là một tay chơi hi-end chuyên nghiệp với những đĩa nhạc, đĩa phim cũ khó tìm?

 

Tôi bắt đầu sưu tầm đĩa nhạc cổ từ năm 1976 và nghe nhạc với hệ thống âm thanh theo kiểu của tôi đến nay, có nghĩa là không giống với mọi người, ví dụ, người ta hay mua ampli Denon để đánh với loa Boss hay ampli Carver đánh với Jbl… để có loại nhạc với chất lượng âm thanh sắc sảo vừa tai số đông. Tôi thì khác, tôi luôn có những sáng tạo cho riêng tôi thưởng thức, có thể nhiều người không thấy thích với kiểu phối của tôi nhưng quan trọng là tôi cảm thấy hài lòng với mình.

10 năm trước tôi còn chơi máy điện tử còn 4 năm trở đây tôi chơi máy cổ tự thiết kế lấy. Tôi quan niệm hi-end không phải là điều gì ghê gớm hay phải bỏ ra thật nhiều tiền để mua cái đầu đĩa, cái loa xịn mới là hi-end. Hi-end của tôi chỉ đơn giản là cách chơi, cách mình sáng tạo, đầu tư vào món đồ “hand made” tự tạo của mình sao cho nó đạt được những giai tầng như chính mình muốn.

 

Anh có thể bật mí một chút về cuộc trưng bày sắp tới tại đêm tiệc của Samsung “Đêm Ultra, đêm của sự phi thường”, liệu có công nghệ cao như những bộ sưu tập máy nghe nhạc, đĩa nhạc của anh?

 

Tôi mang một chút thể nghiệm mới của tôi trong nhiếp ảnh và hy vọng mọi người sẽ chấp nhận và thấy thích. Đó là những bức ảnh siêu thực với những motif mới, theo cách nghĩ của Lê Thanh Hải.

 

Lê Thanh Hải với cuộc chơi “… đêm của sự phi thường” - 1
 

Nôm na là thế này: Chúng ta có những giấc mơ và không thể chụp hình giấc mơ ấy được mà phải cấu tạo nên một biểu tượng nào đó, tư duy để người xem có thể hiểu được nhanh nhất hoặc có thể nghĩ ra được đúng ý muốn tôi truyền tải, tương tự với những chủ đề ánh trăng chiếu hoặc đất mẹ hoặc suy nghĩ… nói chung là những đề tài không cụ thể, không thể cầm máy bấm tanh tách được mà phải nghĩ ra biểu tượng để truyền đến thông tin cho người xem cảm nhận được cái hồn mình muốn hướng đến.

 

Người đến xem chương trình chắc cũng phải là dân thích công nghệ cao, thích khám phá những điều mới mẻ về công nghệ mới, kỹ thuật mới. Có thể họ sẽ thích những bức ảnh của tôi hoặc cũng có thể không, như tôi đã bảo, tôi trình làng thể nghiệm mới...

 

Anh vừa đi Mỹ về vì một dự án công việc, những chuyến đi như thế ngoài “cat-xê” còn mang lại điều gì khác?

 

Bản thân những chuyến đi đã là sự hay ho lắm rồi. Bởi không phải ai cũng có điều kiện xê dịch, đi gần hay đi xa cũng đều là đi cả. Sự di chuyển luôn mang đến cho người ta những khám phá mới về cuộc sống về con người. Nhất là với những tay máy như tôi.

 

Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, mà sự sáng tạo đó sẽ bị đè bẹp hoặc mất luôn nếu không được đầu tư, với nhiếp ảnh gia như tôi thì những chuyến đi triền miên không chỉ mang đến cho mình nhuận bút hay các khoản tiền từ công việc mà còn mang đến cho mình những quan niệm mới về sáng tạo qua những quan sát, những trải nghiệm.

 

Ở mỗi vùng đất khác nhau chúng ta có cái nhìn khác về con người văn hóa, người chụp ảnh giỏi không phải chỉ cho ra lò bức ảnh đẹp mà còn là cái hồn truyền tải đến người xem.  

Lê Thủy