1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà văn Bảo Ninh:

Lan man cùng định mệnh

(Dân trí) - Một lần lang thang qua các hiệu sách trên con phố Đinh Lễ, tôi “chộp” ngay cuốn sách có tựa đề “Lan man trong lúc kẹt xe” của nhà văn Bảo Ninh. Một lối viết lạ - một loạt truyện ngắn gây sự chú ý đã thôi thúc trong tôi cái ý muốn được “diện kiến” ông...

Trước khi tìm gặp ông, một tiền bối  đã cẩn thận... dọa: “Cái “ tầm” của cô chưa thể chuyện trò ngang hàng với “ông ấy” được đâu...”.

 

“Cái lão đánh nhau với mình...”

 

Vừa trở về sau chuyến đi Mỹ, tác giả cuốn tiểu thuyết Thân phận tình yêu nổi tiếng – nhà văn cựu chiến binh Bảo Ninh đem theo chuyện buồn vui bên xứ người. Tại Mỹ, ông có gặp những người Mỹ từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Họ ở độ tuổi từ 40 đến 60 và đều có ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Ông có đến chơi nhà một ông Giám đốc Ngân hàng ở Texas. Trước, ông ta là đại uý thuộc sư đoàn 4 bộ binh, tham chiến chủ yếu ở Tây Nguyên. Cảm giác ban đầu khi gặp tay cựu đại uý cũng đem lại cho ông sự thích thú vì: “Cái lão này đánh nhau với mình ở Tây Nguyên”.

 

Lẽ ra, tay đại uý chỉ tham chiến tại Việt Nam 18 tháng nhưng hết hạn ông ta xin ở lại. Bảo Ninh hỏi đùa: “Ông cũng hiếu chiến gớm”. Ông ta bảo: “Tuổi trẻ mà. Nhưng tôi xin ở lại vì... tôi thích Việt Nam”.

 

Cái lí do mà ông ta đưa ra nghe có vẻ nực cười nhưng ông ta nói rất thật: “Hoàn cảnh chiến đấu của chúng tôi không phải lúc nào cũng khủng khiếp... Tôi thích Buôn Ma Thuột, Plây Ku, Kon Tum. Ông ta nghiên cứu về Việt Nam, thường xuyên bay qua Việt Nam. Ông ta nói với Bảo Ninh: “Cao nguyên Trung Phần xưa bạt ngàn cây cối giờ không còn được như xưa nữa. Cái Hồ Lắc đẹp vô cùng, giờ thì... quang cảnh thay đổi ghê quá!”.

 

Đâu chỉ riêng cảnh quan, con người ta cũng thay đổi nhiều quá. Bảo Ninh đau đớn, giận dữ trước những kẻ cứ ra đến nước ngoài là miệng lưỡi như “Mỹ nguỵ”, tung hê những giá trị mà lớp người như ông phải đánh đổi bằng mạng sống.

 

Lan man trong lúc kẹt xe là tập truyện gồm 24 truyện ngắn hay nhất, mới nhất của Nhà văn Bảo Ninh: Bí ẩn của làn nước, Bi kịch con khỉ, Rửa tay gác kiếm, Mùa khô cuối cùng, Lan man trong lúc kẹt xe...

Ký ức chẳng buông tha

 

17 tuổi lên đường nhập ngũ theo “tiếng gọi non sông”, hành trang ông đem theo là thể chất yếu đuối, tâm hồn non trẻ và một chút lý tưởng của cậu con trai mới lớn. Như những chàng trai trẻ tuổi khác, Ấu Phương lao vào cuộc chiến như một lẽ tự nhiên, như cuộc sống vốn lẽ là như thế. Tiểu đội bộ binh của ông gồm 12 người đến từ muôn vạn nẻo đường của đất nước. Ông kêu lên rằng, hết chiến tranh ông khó có thể tìm lại những con người tốt như những đồng đội của ông. Phải chăng trong chiến tranh giữa ranh giới sự sống và cái chết, người ta vị tha, sống vì người khác hơn? Ông cũng không rõ nữa.

 

Ông diễn tả cho tôi - một cô gái thế hệ sau cuộc chiến - một người chưa từng va vấp cuộc đời hiểu cái cảm giác bám riết, ám ảnh ông “Hôm nay có đủ 12 người, nhưng chỉ qua một đêm thôi, đồng đội của mình không còn ai, chỉ còn lại một mình mình. Hôm sau người ta bổ sung vào tiểu đội một số lính mới và đương nhiên mình - trở - thành lính - cũ”. Chiến tranh cướp đi quá nhiều người. Nó như con thú độc ác chỉ chực “nhè” vào những người còn trẻ. Lẽ ra phải cho rằng sự sống sót của mình là may mắn thì cả đời ông lại bị dày vò, ân hận với câu hỏi: “Vì sao mình lại còn sống sót đến hôm nay trong khi bạn bè mình lại mất đi?”

 

Viết về thời chiến như một định mệnh

 

Có người nói với nhà văn Bảo Ninh: “Ông bớt viết chuyện thời chiến đi”. Hình như người ta sợ ông viết chuyện thời chiến mãi sẽ không “hút” độc giả như dăm ba cái chuyện yêu đương, nhảy nhót và ngoại tình. Bảo Ninh bảo người ta thương mình người ta mới nói thế. Nhưng sẽ không bao giờ ông “bỏ” được mảng đề tài này – viết về thời chiến đối với ông đã như một định mệnh.

 

Thân phận tình yêu - ông viết như một sự trả nợ. Cách cảm, cách nghĩ của người đàn ông cầm bút khi đã bước sang tuổi 40 khác hẳn suy nghĩ của chàng trai bước đầu ra trận hay người lính  mới trở về sau cuộc chiến. Ông đã hoàn thành tác phẩm “để đời” trong khoảng thời gian 5 năm (1988 - 1992). Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết - Kiên ít nhiều mang bóng dáng và tư tưởng của Bảo Ninh.

 

Kiên ra trận không lên gân, kiểu cách hay hào hoa, lãng mạn như hình ảnh chàng trai Hà Thành trong thơ Nguyễn Đình Thi hay mạnh mẽ như những chàng trai chân đất trong thơ Chính Hữu. Tuổi trẻ của Kiên, một phần lớn để ngoài chiến trường. Khi đối đầu với họng súng của kẻ thù, khi nhìn xác đồng đội la liệt trên cỏ, anh cảm thấy niềm đau đớn, sự buông trôi đến tận cùng. Anh đã tiêu tán cuộc đời cho chiến tranh, cho lý tưởng để rồi trong một phút định thần ngoảnh lại, Kiên “đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình”.

 

Lan man cùng định mệnh - 1
 

Tôi “ngô nghê” hỏi ông: Tại sao ông không viết về chiến tranh theo cách khác mà lại viết quá thật, động chạm đến khía cạnh nhạy cảm, dễ tổn thương của dân tộc?. Ông đã trả lời tôi một cách ví von như thế này: “Khi chia tay người con gái, người con trai chưa chắc đã nhớ những điểm đáng yêu của người yêu. Khi chia tay cuộc chiến, tôi lại nhớ dai nỗi ám ảnh, những góc khuất, tăm tối của cuộc chiến. "Đề tài chiến tranh là thế giới văn chương của ông - nơi ông có thể vùng vẫy ngòi bút và đắm đuối với mảng đề tài này.

 

Lan man trong lúc kẹt xe

 

Tôi rất thú vị với truyện ngắn đó của ông. Từ một tình huống kẹt xe trên đường ông liên tưởng từ hiện tại - quá khứ - tương lai với các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng. Với lối viết ý tưởng,  Bảo Ninh bắt đầu câu chuyện một cách đột ngột như thế này: “Một chốc vội vàng, một chút lơ đãng khi đang lội ngang qua bãi sình để đẩy bạn bước thẳng vào hố lầy. Bất thần hai chân bạn hụt xuống, bùn ngập quá đầu gối. Rồi bùn tới háng, bùn tới bụng. Càng giãy, càng đạp, càng vùng quẫy càng bị hút mạnh và mau. Ngập ngang ngực, ngập đến cổ, đến cằm, đến miệng rồi đến tới nhân trung, vượt ngang tai...”

 

Nhà văn Bảo Ninh nói từ chuyện kẹt xe trên đường, ông phát hiện ra nhiều chuyện nực cười, trớ trêu cho đến bi kịch. Câu chuyện không đầu không cuối, tưởng không có gì nhưng lại khiến cho tôi phải suy ngẫm. Con người Bảo Ninh như nhìn sâu tận ngóc ngách từng ngăn sáng tối trong tâm hồn con người. Ông lột tả chân thực những đố kị nhỏ nhen, những tình cảm dối lừa... Tôi cũng có ý lan man hỏi ông về bộ văn mới do nhà văn Lê Minh Khuê và nhóm văn mới tuyển chọn. Theo Bảo Ninh đây là một hướng đi nhằm tôn vinh các nhà văn. Người ta đã chuẩn bị con thuyền đẹp đẽ, chắc chắn các nhà văn chỉ việc căng buồm ra khơi.

 

Ông cũng nói đây là hình thức kinh doanh mới của NXB Hội Nhà văn đáng khuyến khích. Về hình thức không có gì để bàn cãi nhưng về nội dung những cuốn sách nằm trong bộ văn mới cần phải có định hướng rõ ràng hơn.  Theo nhà văn Bảo Ninh thì NXB Hội Nhà văn nên tập hợp lại những sáng tác của những nhà văn tên tuổi lớp trước như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố...

 

Tôi thầm cảm ơn nhà văn Bảo Ninh lắm lắm vì đã chịu để tôi “tra tấn” bằng những câu hỏi “lan man, vớ vẩn” qua nhiều lần gặp gỡ. Sau, mạo muội tôi đưa ra câu hỏi “chốt”: Nếu bây giờ ông viết một cuốn tiểu thuyết mà cuốn tiểu thuyết ấy cũng rơi vào bi kịch như “Thân phận tình yêu” thì ông nghĩ sao?. “Tôi là người cầu an”,  Bảo Ninh cười và nói với tôi như vậy.

 

 

Đôi nét về nhà văn Bảo Ninh

 

Ông tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh ngày 18/10/1952 tại Diễn Châu, Nghệ An. Từ 1969 đến 1975 Bảo Ninh nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên; 1975 giải ngũ; học đại học tại Hà Nội (1976 - 1981); sau đó ông làm việc tại viện khoa học Việt Nam. Từ 1984 đến 1986 ông học khoá II trường viết văn Nguyễn Du, hiện làm việc tại báo Văn nghệ trẻ Hà Nội.

 

Tác phẩm chính: Trại bảy chú lùn (truyện ngắn 1987); Thân phận tình yêu (tiểu thuyết, 1991, tái bản đổi tên là Nỗi buồn chiến tranh); Gió dại (truyện vừa).

Bảo Ninh được giải thưởng Hội Văn học Việt Nam 1991 với tiểu thuyết: Thân phận tình yêu.

 

 

Nguyễn Hằng

Ảnh: Lê Anh Tuấn