Lần đầu tiên phong tặng 66 Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản
(Dân trí) - Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký các quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 62 cá nhân và quyết định truy tặng danh hiệu này đối với 4 cá nhân đã qua đời.
Hà Nội dẫn đầu với 7 nghệ nhân nhân dân được phong tặng, chủ yếu là lĩnh vực Nghệ thuật trình diễn dân gian với những tên tuổi được lớn như: Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, Xuân Cang, Lương Tất Tố, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Văn Mùi, Vũ Thị Khiên.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tới 6 nghệ nhân nhân dân: Lê Khắc Tùng (Lê Thanh Tùng, Lê Thanh), Phạm Công Tỵ (Út Tỵ), Trương Hớn Minh (Trương Lộ), Lương Tấn Hằng (Từ Tiết Hằng), Vương Xú Há (Trương Hán Minh), Lưu Kiếm Xương.
Danh sách Nghệ nhân nhân dân còn có những tên tuổi được nhân dân tôn kính như: “Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương), nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Thị Lịch, Lê Thị Huệ.
4 nghệ nhân được truy tặng đợt này: Phan Chí Thành (Bình Định), Phạm Văn Hiến (Văn Ngọc), Nguyễn Tấn Nhì (Nhị Tấn), Nguyễn Thị Mẫn (Minh Mẫn).
Riêng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được phong tặng cho 561 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Các nghệ nhân được phong tặng đợt này thuộc 6 lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trừ lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống).
Xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Trước đó, vào năm 2015, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 617 cá nhân.
Việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và "Nghệ nhân ưu tú" nêu trên là sự tôn vinh, động viên, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với những cá nhân đang lưu giữ, trao truyền và thực hành di sản văn hóa phi vật thể, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hà Tùng Long