1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ký ức của Hạnh Phúc về các MC huyền thoại Việt Nam

(Dân trí) - "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Cuộc đời mỗi chúng ta có biết bao nhiều người thầy đã đi qua. Dù có dù không gắn bó lâu dài, nhưng lòng biết ơn dành cho mỗi người thầy, người cô đều luôn chân thành và sâu sắc" - MC Hạnh Phúc chia sẻ.

 

Ký ức của Hạnh Phúc về các MC huyền thoại Việt Nam - 1

Trần Hạnh Phúc là MC của Trung tâm Tin tức VTV24. Anh đang là một trong những MC trẻ có dấu ấn riêng trong thời gian qua gắn bó với các chương trình Chuyển động 24h của Đài truyền hình. Anh cũng đã lọt vào Top 5 hạng mục giải thưởng MC Ấn tượng của VTV Awards dù mới chỉ bước vào VTV được vài tháng.

Kỉ niệm ngày 20/11, Hạnh Phúc chia sẻ những cảm xúc đặc biệt về những thầy cô, cũng là những thế hệ MC đầu đàn của nghành truyền hình Việt Nam mà rất ít người biết, họ đã là những người tạo nên những viên gạch, nền móng vững chắc cho Hạnh Phúc tỏa sáng với giải nhất của Người dẫn chương trình truyền hình năm 2011 trên sân khấu hay trên sóng truyền hình hiện nay.

Hạnh Phúc từng là học trò của những thầy cô là những phát thanh viên "thế hệ vàng" của Đài truyền hình Việt Nam cũng như các giọng đọc nổi tiếng trên sóng phát thanh. Trước ngày kỉ niệm 45 năm Ngày phát sóng đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam và niềm vui khi lọt vào Top 5 MC ấn tượng của Giải thưởng VTV Awards, MC Hạnh Phúc đã chia sẻ về những người thầy đã ghi những dấu ấn đậm nét trên con đường để anh trở thành một BTV - MC chuyên nghiệp.

"Với riêng tôi, người thầy đầu tiên trong nghề để lại nhiều ấn tượng rõ nét – NSƯT Kim Tiến. Đó là trong một buổi phỏng vấn tuyển người dẫn chương trình. Cô là một trong 4 thành viên ban giám khảo. Hôm đó, thay vì những cảm xúc được gặp “thần tượng” thì lại là lo lắng, không biết yêu cầu cô đặt ra có cao không, có khắt khe không. Rồi đến khi được dẫn thử, và đọc thử, thì mọi thứ dường như tan biến. Cô chỉ cười và gật đầu.


NSƯT Kim Tiến

NSƯT Kim Tiến

Sau đó, tôi được tham gia vào khoá huấn luyện người dẫn chương trình của cô. Liên tục các buổi trong tuần cả sáng và chiều, suốt hơn nửa tháng, cả lớp đã học thêm được nhiều kỹ năng về giọng nói, phát âm, cách đọc bản tin, phóng sự, phim tài liệu. Nhưng điều mà tôi nhớ nhất trong buổi đầu tiên cô dạy, đó là người dẫn chương trình truyền hình là người đại diện gương mặt và tiếng nói của một quốc gia. Vì vậy không bao giờ cho phép cá nhân mình được dễ dãi, hay tuềnh toàng trong cách dẫn, thậm chí là ăn mặc.

Chưa bao giờ tôi nghĩ, mình có thể tiếp xúc gần gũi với những tiếng nói của thế hệ vàng của Đài truyền hình Việt Nam. Mà vừa qua, khi chụp chung cùng với cô một bộ hình cho tạp chí, thì cô lại tiếp tục góp ý cho tôi những điều cần thiết khi lên sóng. Còn tôi, thì nói vui với cô rằng: cả đường hình đường tiếng của cô vẫn y như hồi tôi gặp cô lần đầu tiên ấy, cách đây gần 8 năm.

Dạy cùng lớp thời đó, còn có NSƯT Thanh Hùng đứng lớp. Thầy hay dạy đọc thơ, văn. Cách đọc cũng cần khác bản tin. Nếu cách đọc bản tin cần dứt khoát, rõ ràng thì đọc thơ văn cần có thêm nhiều cảm xúc, cách ngân chữ và nhấn nhá cũng nhiều hơn. Tốc độ cũng cần phải được chú ý. Người dẫn chương trình xử lý câu từ, cũng không khác mấy so với cách ca sỹ ca sỹ xử lý một ca khúc, để từ đó tạo nên phong thái và phong cách riêng của chính bản thân mình.

 

NSƯT Thanh Hùng
NSƯT Thanh Hùng

Tôi ấn tượng ở thầy phong cách đĩnh đạc, từ tốn, điềm tĩnh. Dường như không có sự cố nào trong bản tin hay sân khấu, thầy không xử lý được vậy. Tình cờ trong một lần gần đây, tôi gặp thầy ở Đài - sau nhiều năm. Vẫn phong cách ấy, thầy nói thấy tôi đứng dẫn ở Chuyển động 24h, và đặc biệt thầy còn góp ý cho tôi ngay trong một chương trình nghệ thuật vừa tường thuật trực tiếp trên VTV1. Thầy khuyên nên tăng sự giao lưu giữa 2 MC và dạy thêm cách để làm chủ sân khấu cũng như bài nói của mình.

Câu chuyện đưa đẩy về những năm ngày xưa khi VTV bắt đầu lên sóng. Thầy kể, thời đó còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Lúc đầu làm bản tin trực tiếp, gặp mưa thì phát thanh viên phải dừng lại, vì tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, sau đó phải đợi khi hết mưa thì xin lỗi khán giả rồi lại tiếp tục bản tin. Về sau thì không còn phải làm trực tiếp vì còn nhiều khó khăn khó khắc phục. Thầy còn hào hứng chia sẻ việc thầy có mặt trong dàn đồng ca 45 người thuộc Hội hưu trí VTV, hát liên khúc để mừng Đài nhân dịp tròn 45 năm chương trình đầu tiên lên sóng.

Nhà báo Đình Khải – người mà mọi người vẫn quen thuộc với vai trò bình luận viên bóng đá một thời, giờ đây quen thuộc trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam và nhiều kênh sóng khác trong vai trò bình luận sau mỗi trận cầu trực tiếp. Chưa một ngày tôi được bác dạy cho nhưng từ những ngày đầu tôi lên sóng những năm còn là sinh viên cộng tác với Đài truyền hình, bác vẫn vỗ vai tôi, góp ý từng lỗi nhỏ. Tôi còn nhớ có lần làm trực tiếp xong một chương trình, bác nói nhỏ vào tai: Dẫn tốt, phong thái tốt, đẹp trai, nhưng mà có ai gọi đâu mà cứ “vâng” nhiều thế. Vậy là tôi biết được rằng, có những ngôn từ không cần thiết, có những từ vô nghĩa, chỉ là theo một thói quen, cần phải bỏ, và chắt lọc hơn.

Nhà báo Đình Khải
Nhà báo Đình Khải

Gần đây, lại tình cờ được gặp bác vừa bước ra khỏi trường quay thể thao của Đài, bác lại vỗ vai tôi: lên hình Chuyển động 24h đẹp trai dẫn tốt lắm. Vậy là bác vẫn để ý đến một đứa MC nhỏ như tôi – với tôi nó như một đặc ân vậy. Câu chuyện ngắn giữa 2 bác cháu vội vã vì tôi cũng đang chuẩn bị lên hình, nhưng cũng kịp hỏi thăm cuộc sống hiện tại của bác. Nghỉ hưu nhưng với chiếc xe máy nhỏ, bác vẫn đi khắp nơi, làm “anh bình luận cho vui ấy mà”. Bác nói với tôi vẫn với kiểu bình dị đến đáng yêu vô cùng.

Nhạc sỹ Trần Đức
Nhạc sỹ Trần Đức

Một người nghệ sỹ lạc quan yêu đời, một giọng đọc, còn mãi với thời gian, mà tôi cũng rất ngưỡng mộ là nhạc sỹ Trần Đức. Tôi cũng có thời gian được làm việc dài khoảng 1 năm với bác, khi bác nghiệm thu những chương trình của tôi làm về ca nhạc. Lần cuối, bác còn nhờ tôi viết giới thiệu ca khúc “Cúc ơi” sáng tác dành tặng những cô gái ngã 3 Đồng Lộc. Tôi vẫn nhớ, khi nhận được đề tài, tôi không viết luôn, mà còn về nhà bật đi bật lại đến khi mình cũng thuộc lòng, và hát trôi chảy ca khúc này, rồi sau đó mới đặt bút viết trong vòng 1 tiếng đồng hồ cho một kịch bản 30 phút. Sau đó khi chương trình hoàn thành gửi lại bác xem, bác chỉ cười và nói: anh cũng lấy được nước mắt của tôi đấy.. Vậy mà đến giờ sự ra đi của bác, vẫn chưa khỏi hết những tiếc thương về một trong những giọng nói được nhiều khán thính giả yêu mến.

Còn một người thầy nữa trong những khoảng thời gian ở Thành phố HCM tôi được tiếp xúc và được làm học trò. Đó là NSND Trần Hiếu. Tình cờ, trong một buổi ghi hình làm talkshow, thầy lúc ấy làm khách mời. Xong chương trình thầy vỗ vai tôi khen dẫn tốt, nhưng ngay lập tức chê, “mày nói bị phì hơi nên tiếng nói không rõ nét và vang” (mày là cách mà thầy vẫn yêu quý gọi học trò của mình). Thế là sau buổi ấy, thay vì gọi bằng chú, tôi gọi bằng thầy, và hàng tuần đến nhà thầy học 2-3 buổi.

Thầy Hiếu thì rất hay quên (trừ công việc) nên lịch mặc dù có sẵn, nhưng học buổi nào phải gọi điện cho thầy trước khi đến, hoặc là dặn vợ thầy. Chỉ 1-2 buổi là tôi sửa được cái tật nói phì hơi. Thầy quay sang bảo: ”Hay là mày học hát đi, học nói mãi chán rồi”. Tôi không mong mình làm ca sỹ, nhưng tôi muốn tiếp xúc nhiều hơn nữa với những người như thầy để học cách sống của một người nghệ sỹ, thế là tôi học hát.

Thầy và vợ sống giản dị trong một căn hộ nhỏ của khu tập thể. Nhà nhỏ, cái gì cũng nhỏ. Diện tích nhiều nhất là phòng khách với cây đàn piano. Tôi thích những lúc trước và sau khi học, khi 2 thầy trò ngồi nói chuyện đời, chuyện người, và những câu chuyện về thầy chưa bao giờ lên mặt báo: những ngày thứ 7 thầy biến mình thành người câm, những thời gian thầy học tập bên nước ngoài, hay cách mà một người nghệ sỹ gần 80 vẫn giữ được cột hơi vững chãi, hát live vẫn còn hay hơn hát đĩa.

NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương
NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương

Trong quá trình công tác còn nhiều người thầy nữa tôi được tiếp xúc, như NSƯT Khải Hoàn, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSƯT Lê Chức … hay rất nhiều các anh chị BTV, MC đi trước, vẫn truyền lửa và kinh nghiệm cho thế hệ như chúng tôi. Khó có thể kể hết câu chuyện về họ. Dù là thời gian gắn bó dài ngắn có khác nhau, nhưng mỗi người đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, những bài học về nghề và đời quý giá.

Tôi thấy mình may mắn, khi cuộc sống dành tặng những duyên lành, được gặp gỡ, tiếp xúc, và được trở thành học trò của các thầy các cô. Có thể với nhiều lứa học sinh, thầy hay cô chẳng còn có thể nhớ hết được mọi học trò của mình, nhưng với riêng tôi, đó là niềm vinh dự và còn là trách nhiệm phải vươn mình tốt hơn nữa, để không cảm thấy xấu hổ, khi đã trở thành học trò của thầy của cô".

VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm