“Kim Giác Hoa” rớt đề cử Oscar, vì sao?
(Dân trí) - Bộ phim được xem là kỷ lục của điện ảnh Trung Quốc trong năm 2006 "Kim giác hoa" đã không có mặt trong danh sách đề cử “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của Oscar lần thứ 79. Hãy nghe giới chuyên môn nhận định về điều này.
Kim Giác Hoa với sự góp mặt của Củng Lợi, Châu Nhuận Phát do đạo diễn Trương Nghệ Mưu “nhào nặn” cùng khoản kinh phí không nhỏ - 45 triệu USD đã nhanh chóng kéo khán giả tới rạp. Chỉ trong vòng 3 ngày công chiếu tại các rạp trong cả nước, bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Trung Quốc vẫn thu về 96 triệu nhân dân tệ (12,5 triệu USD) và nhanh chóng lập kỷ lục về doanh thu phòng vé tại Trung Quốc.
Dù rất thành công về doanh thu phòng vé nhưng tác phẩm điện ảnh hoành tráng này đã không tránh được những lời chỉ trích của giới phê bình điện ảnh trong nước.
Thứ nhất, nội dung của phim không mới, chỉ là những cuộc nội chiến chốn thâm cung, tranh giành quyền lực…, các chi tiết trong phim đều được cường điệu hóa. Thứ hai, trang phục của các nữ diễn viên trong phim quá gợi cảm khiến khán giả không thể tập trung theo dõi bộ phim.
![]() |
Theo đạo diễn Lý An: “Trung Quốc sở hữu nhiều đạo diễn có tài nhưng chưa biết chọn đề tài hướng đến những tiêu chí quan trọng của các giải Oscar nói riêng và các giải thưởng điện ảnh mang tầm vóc quốc tế. Chính vì vậy, những bộ phim của Trung Quốc ít thành công khi tranh giải tại ảnh đàn quốc tế”.
Đạo diễn người Mỹ 65 tuổi Martin Scorsese (người cũng nhận được đề cử Oscar lần thứ 79) cho rằng: “Khi chuyển thể hay làm lại một tác phẩm nào đó, việc giữ lại những tinh hoa tinh túy của nguyên tác là rất quan trọng. Nếu như đã muốn thay đổi hình dáng của một tác phẩm có sẵn, cách tốt nhất là hãy sáng tác một kịch bản hoàn toàn mới”. (Kim Giác Hoa được xây dựng dựa theo vở kịch Lôi vũ của Tào Ngu).
Đạo diễn Bernardo Bertolucci cho rằng: “Chỉ có những bộ phim lịch sử chân thực mới có thể trở thành siêu phẩm”. Tên tuổi của đạo diễn Bernardo Bertolucci gắn liền với bộ phim Vị hoàng đế cuối cùng, trong phim hình ảnh một vị hoàng đế có thật của Trung Quốc - vua Phổ Nghi đã được mô tả hết sức sinh động và chân thực.
![]() |
Những cảnh "phô ngực" thế này không thiếu trong
"Kim Giác Hoa" và đã bị báo giới Trung Quốc chỉ trích nặng nề
Tóm lại, theo đánh giá của ba đạo diễn từng thành công tại các lễ tranh giải Oscar thì: “Cuộc chiến quyền lực cung đình toàn là hư cấu và phóng đại của Kim Giác Hoa không phù hợp với “khẩu vị” của ban giám khảo Oscar”.
Không chỉ có Kim Giác Hoa lọt sổ đề cử “Phim nước ngoài hay nhất” tại Oscar lần thứ 79 mà không một bộ phim châu Á nào có mặt trong danh sách này.
Còn nhớ, tại lễ trao giải Oscar năm 2001, bộ phim Ngọa hổ tàng long đã được bầu chọn là “Phim nước ngoài hay nhất” bởi đã thể hiện chân thực và tinh tế giá trị thẩm mỹ của võ thuật Trung Quốc. Bộ phim đã tạo nên một “cơn sốt võ thuật Trung Quốc” tại Mỹ và mở ra hi vọng “tung cánh” cho điện ảnh Hoa ngữ tại kinh đô điện ảnh thế giới.
B.Vân
Theo Xinhuanet