1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Người thiết kế Slideshow Bonjour Việt Nam:

“Không ai xóa được quê hương trong tôi!”

Donny Truong (Mỹ) chính là người đã thiết kế slideshow Bonjour Việt Nam với những hình ảnh sống động, chọn lọc.

Ca khúc Bonjour Việt Nam của Marc Lavoine (Pháp) qua giọng hát của Phạm Quỳnh Anh (Bỉ) đã và đang gây xúc động không chỉ với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đã có người bật khóc khi nghe bài hát ấy trong lúc chờ xe buýt bởi những ca từ trong ca khúc làm họ nhớ cố hương, đặc biệt khi họ vào trang web visualgui.com để vừa nghe vừa xem hình ảnh. Chủ nhân website ấy chính là Donny Truong (Mỹ), người đã thiết kế slideshow Bonjour Việt Nam với những hình ảnh sống động, chọn lọc.

Donny Truong có tên Việt là Trương Công Doanh. Sở dĩ anh phải đổi thành Donny do các bạn Mỹ rất khó khăn khi phát âm "Doanh". Anh rất vui khi được dùng "tên cúng cơm" trong e.mail với tôi, một người cách xa nửa vòng trái đất. Doanh nói về quá trình thực hiện slideshow: "Slideshow này, Doanh chỉ làm riêng cho mình để đỡ nhớ quê hương và để chia sẻ với một số người đến với website do Doanh thực hiện.

Không ngờ sau đó thấy nó đã lan ra khắp các diễn đàn và nhật ký mạng nói về Việt Nam... Đây đúng là một quá trình chia sẻ. Lúc Doanh được nghe bài hát ấy thì chưa có lời dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy chỉ rõ hai từ Cappola và Việt Nam nhưng qua chất giọng thanh và nhẹ của Quỳnh Anh, Doanh cảm nhận được một nội tâm thật sự khao khát. Đáp lại cảm xúc ấy, Doanh đã dùng những hình ảnh Việt Nam diễn đạt tương ứng từng câu sau khi một số thành viên trên diễn đàn visualgui.com tham gia dịch lời Việt và Anh".

Nhưng thật buồn khi trên diễn đàn có một bạn người Việt đề nghị Donny Truong bỏ chữ Truong với lý do "Donny Truong không thể là người Việt"?!  "Những lời khen hoặc chê đều có giá trị riêng. Sau khi đọc xong e.mail của bạn này, Doanh chỉ mỉm cười và định xóa bỏ. Suy nghĩ vài phút, Doanh không xóa và cho đăng đề nghị ấy lên website. Lá thư ấy là ví dụ của một trong những áp lực mà những người trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài phải gánh chịu. Lúc còn ở tiểu học, những đứa bạn ngoại quốc thường hỏi Doanh: Sao mày không quay về quê? Buồn nhưng Doanh ráng chịu. Còn bây giờ thì người cùng màu da lại khuyên mình nên xóa họ của mình đi! Vậy thì tôi là ai? Làm sao xóa được sự thật tôi vẫn là người Việt Nam? Bạn có thể lấy Việt Nam ra khỏi tầm mắt tôi nhưng không bao giờ xóa được hình ảnh quê hương trong trí óc của tôi. Dù có đi đến góc bể chân trời nào, trái tim tôi vẫn hướng về Việt Nam...".

Doanh cho biết thêm: "Visualgui.com là nơi Doanh chia sẻ những thiết kế của mình đồng thời là chỗ Doanh viết bài về nhạc Việt Nam bằng tiếng Anh để cho các bạn trẻ nước ngoài tìm biết về nghệ thuật và âm nhạc nước mình".

Tôi thật ngạc nhiên khi được biết, năm 2001, Doanh từng về Việt Nam xin việc nhưng không công ty nào tiếp nhận, anh đành phải quay lại New York tìm cơ hội. Tuy nhiên, không vì thế mà anh nản. E.mail mới nhất, Doanh bày tỏ: "Có lẽ hồi 2001, thiết kế của Doanh quá đơn giản so với nhu cầu và đòi hỏi của các công ty Việt Nam. Nay, tuy đời sống của mẹ con Doanh ở New York khá thoải mái nhưng Doanh cũng rất muốn về Việt Nam làm việc. Chẳng đâu bằng chốn quê nhà...".

Trở lại với Bonjour Việt Nam, Doanh cho biết, việc phổ biến và biểu diễn ca khúc này tại Việt Nam là rất tốt nếu có sự đồng ý của Marc Lavoine và Phạm Quỳnh Anh. Anh dự báo, đồng hành với ca khúc này sẽ là làn sóng du khách nước ngoài, trong đó có nhiều du khách Mỹ tìm đến Việt Nam.

 Theo Thanh Niên