Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!

(Dân trí) - Làm phim chống tham nhũng quyết liệt, nhưng đoàn làm phim <i>Đàn trời</i> phải cực nhọc di chuyển để tỉnh ấy (có Chủ tịch tỉnh tham nhũng) không giống tỉnh nào, biển số xe chưa được đăng ký sử dụng ở bất kỳ đâu, và cái tên tỉnh kia chưa ai nghe thấy bao giờ!

Khi làm phim Chạy án, đạo diễn Vũ Hồng Sơn từng than thở, đoàn làm phim đã phải “vật vã” với việc thuê, mượn bối cảnh. Bộ phim Chạy án xoay quanh cuộc sống gia đình một vị thứ trưởng với nhiều bi kịch, để phim có độ chân thực sắc nét, đạo diễn rất mong có thể mượn được văn phòng của một vị thứ trưởng ngoài đời làm bối cảnh quay phim. Điều đó gần như… không tưởng. Kể cả việc tìm thuê một căn biệt thự sang trọng làm bối cảnh quay cuộc sống sinh hoạt của gia đình vị thứ trưởng cũng khiến đoàn làm phim mất nhiều công sức. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn có kết luận: “Không gì vất vả bằng việc làm phim chống tiêu cực”.
 
Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!
"Không gì vất vả bằng làm phim chống tiêu cực"

Năm 2011, bộ phim Đàn trời - một bộ phim chống tiêu cực khác tiếp tục được bấm máy với nhiều gian nan, vất vả. Đàn trời được nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn. Bộ phim là câu chuyện về quá trình chống tham nhũng gian khổ, hiểm nguy của những phóng viên truyền hình ở một tỉnh lẻ. Trong câu chuyện chống tham nhũng của phim có hình ảnh một ông Chủ tịch tỉnh bị biến chất, một ông Giám đốc Đài Truyền hình tỉnh nhu nhược, tha hóa, hình ảnh những doanh nhân xuất thân từ đồ tể lắm mưu mô quỷ quyệt…

Để có một bộ phim chống tham nhũng có tiếng nói mạnh mẽ, đạo diễn Bùi Huy Thuần - đạo diễn phim Đàn trời đã xây dựng trong phim hình ảnh những quan chức ăn chơi trên tiền bạc, máu thịt của nhân dân. Những ông Chủ tịch tỉnh mua quan bán chức, tham nhũng, ăn chơi, với đời tư bê bối…

Những câu chuyện dữ dội về quan chức khi đưa lên màn ảnh, chắc chắn sẽ gặp nhiều rắc rối, hơn ai hết đạo diễn Bùi Huy Thuần hiểu điều đó. Anh đã phải tìm cho phim những lối đi an toàn.
 
Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!
Đạo diễn Bùi Huy Thuần

Trước hết, bộ phim không làm trên khuôn mẫu của bất kỳ nhân vật có thật nào ngoài đời. Và để tránh khả năng có thể “ai đó khi xem phim cứ nghĩ là mình”, đạo diễn đã phải đưa vào phim những tình tiết để chứng minh rõ ràng: địa danh ấy không có thật, tỉnh đó không có thật!
 
Biên kịch đặt tên cho tỉnh thành (có chủ tịch tỉnh tham nhũng) là tỉnh Bình Lãng, một địa danh không thể tìm thấy trên bản đồ Việt Nam, tuy nhiên điều đó chưa đủ để đảm bảo an toàn. Đạo diễn Bùi Huy Thuần đã phải lặn lội lên tận Cục Đường bộ tra cứu trên danh sách các tỉnh thành xem, có biển số xe nào hiện chưa được dùng trên bất kỳ tỉnh thành nào. Cuối cùng, đạo diễn tìm ra được số 96 - hiện chưa được đăng ký sử dụng là biển số xe ở bất kỳ tỉnh nào. Vậy là, tỉnh Bình Lãng (nơi có chủ tịch tỉnh tham nhũng) trên phim Đàn trời có thể “yên tâm” với những chiếc xe mang biển số 96!
 
Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!

Một cảnh trong phim Đàn trời 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc chịu trách nhiệm sản xuất phim Đàn trời cho biết thêm: “Xem phim các bạn cũng có thể thắc mắc, làm gì có tỉnh thành nào lộn xộn như thế? Nghĩa là, chúng tôi đã quay ở rất nhiều bối cảnh khác nhau, đoàn làm phim di chuyển liên tục, thay đổi bối cảnh quay liên tục. Khán giả xem phim sẽ thấy tỉnh Bình Lãng có cả nhà sàn, đồi núi, lại có cả đường quốc lộ rộng thênh thang, lại có cả những tòa nhà cao ốc, văn phòng sang trọng… Không có tỉnh nào ngoài thực tế như thế cả, đây cũng là chủ ý của đoàn làm phim. Để khi xem phim, không ai có thể suy diễn được rằng, chúng tôi đang làm phim về một tỉnh nào đó hay một ai đó!”.

Làm phim chống tham nhũng quyết liệt, nhưng đoàn làm phim Đàn trời đã phải cực nhọc di chuyển để tỉnh ấy không giống tỉnh nào, biển số xe chưa được đăng ký sử dụng ở bất kỳ đâu, và cái tên tỉnh kia chưa ai nghe thấy bao giờ!
 
Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!
Nhân vật Chủ tịch tỉnh biến chất do NSND Hoàng Dũng thủ vai.

NSND Hoàng Dũng được mời vào vai ông Chủ tịch tỉnh tham nhũng. NSND Hoàng Dũng chia sẻ: “Khi xem những bộ phim chống tiêu cực của Trung Quốc, tôi thực sự khao khát một ngày nào đó được tham gia những bộ phim như thế. Khi đọc kịch bản phim Đàn trời, tôi ưng ý ngay. Ông Chủ tịch tỉnh tôi đóng có đủ mọi tiêu cực, gian xảo, biến chất, tham nhũng… Tôi thực sự thích những nhân vật như thế. Tôi muốn đóng một phim chống tiêu cực không chỉ với tình yêu nghề của một nghệ sỹ, còn với tinh thần của một công dân. Xã hội chúng ta đang có quá nhiều tiêu cực…!”.

Tuy nhiên, việc vào vai một ông Chủ tịch tỉnh tham nhũng với NSND Hoàng Dũng cũng không đơn giản.

“Sẽ không có ông chủ tịch tỉnh nào cho một đoàn làm phim chống tham nhũng, chống tiêu cực mượn văn phòng làm bối cảnh quay”- Chính vì thế, giống như đoàn làm phim Chạy án, đoàn làm phim Đàn trời “vật vã” tìm bối cảnh, và di chuyển bối cảnh liên tục.
 
“Khi có được bối cảnh quay, diễn viên chúng tôi chỉ dám diễn thoại… thầm với nhau. Nghĩa là, đạo diễn sẽ quay lấy khẩu hình thôi, sau này về sẽ có diễn viên lồng tiếng để lời thoại rõ hơn. Chúng tôi diễn thầm với nhau, vì sợ rằng, chủ nhà nghe thấy lời thoại sẽ… đuổi đoàn làm phim ngay lập tức!”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ.
 
Khổ cực như làm phim chống tham nhũng!
NSND Hoàng Dũng muốn đóng phim chống tiêu cực không chỉ vì trách nhiệm
nghệ sỹ, còn vì trách nhiệm của một công dân. 
 
“Không gì vất vả bằng làm phim chống tiêu cực”, nhưng biên kịch Phạm Ngọc Tiến - người đã chuyển thể kịch bản phim Đàn trời cho biết: “Những người làm truyền hình như chúng tôi cũng giống như nhà báo các bạn, ngoài việc đưa tin, chúng ta còn một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là chống tiêu cực. Dù cuộc chiến chống tiêu cực ấy không hề giản đơn. Đó là cuộc chiến đầy cam go, nguy hiểm”.

Trước câu hỏi, “Các anh làm phim chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng lại tìm mọi cách để chống… suy diễn. Từ nhân vật, bối cảnh đến câu chuyện đều cố gắng không hướng đến một ai, không làm giống ai, và cố gắng để không ai nghĩ đó là mình. Vậy tác dụng của việc chống tham nhũng ở đây là gì?”.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần trả lời: “Chúng tôi không hướng đến một ai, không làm phim theo khuôn mẫu nhân vật nào, không đưa tên tỉnh thành có thật vào phim… Nhưng, sẽ có nhiều người khi xem phim thấy mình ở trong đó”.

 
Hiền Hương