Khi sao... "đớp" nhạc
Mù nhạc chưa chắc đã "điếc" nhạc. Viện cớ đó, ai có chút năng khiếu là có thể thành "thợ hát", "thợ sáng tác" rồi nâng cấp dần. Cứ leo lên "sao" đã rồi tính sau.
Nhiều "sao"... ứ cần nhạc
Có cô ca sĩ - người mẫu không hát mà chỉ "đuổi theo nhạc", phải chỉ cho từng câu từng chữ, làm mãi rồi cũng xong một bài. Đài truyền hình đến giờ cũng ngán tận cổ các "ca sĩ" kiểu này vì để họ cầm míc hát thật chẳng khác nào... chơi xổ số.
Ngay trong Sao Mai điểm hẹn vẫn không hiếm trường hợp ca sĩ ú ớ trong việc "đọc" nhạc. "Cơn gió lạ" Hà Anh Tuấn nhanh trí biến điểm yếu của mình thành nét gây chú ý khi đánh đồng mình với các "sao top" bằng phát biểu: "Nếu nói về “ngoại đạo” thì rất nhiều ca sĩ “ngoại đạo”, kể cả những người lên hàng "sao top" bây giờ".
Đúng là có thể kể tên nhiều "ngôi sao ca nhạc" đang ăn khách hiện nay mà Hà Anh Tuấn gọi là "sao top" không qua đào tạo âm nhạc. Nhiều bài được coi là hit chỉ vì dễ nghe, dễ thuộc, cứ thế ăn sẵn. Nhạc sĩ chuyển bài tới, hát giùm để ca sĩ "đớp" theo, cuối cùng nhờ người hòa âm nữa là đưa lên sân khấu.
Mù nhạc từ từ sẽ... nâng cấp?
Ca hát và sáng tác không phải đặc quyền của riêng ai nên lắm người "lơ tơ mơ" về nhạc vẫn trở thành "nhạc sĩ" như thường. Nguyễn Vĩnh Tiến là một ví dụ khi đã bị "mổ xẻ" mãi trên báo chí.
Nguyễn Vĩnh Tiến làm thơ, sáng tác truyện, vẽ tranh, thiết kế nhà cửa thì chưa có ai thắc mắc, nhưng khi anh có Bà tôi, Giọt sương bay lên, Bóng anh hùng v.v. nổi đình nổi đám thì ngay lập tức bị "khép tội" không biết nhạc. Trong khi nhiều người xếp anh vào danh sách "triển vọng" thành nhạc sĩ chuyên nghiệp thì bản thân Nguyễn Vĩnh Tiến không nhận danh xưng này.
Nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ quan điểm: "Hội đồng thẩm định của chương trình Bài hát Việt không nhìn vào con người nhạc sĩ mà chỉ nhìn nhận tác phẩm". Ông cũng nêu ví dụ, nhạc sĩ sáng tác ca khúc bất hủ Quốc tế ca chỉ là một công nhân. Hay nhạc sĩ Việt Nam Doãn Quang Khải viết Vì nhân dân quên mình trên báo tường. Hay có thể dẫn ra một trường hợp đặc biệt khác là ông Lò Văn Pẩu ở Phong Thổ (Lai Châu) có tới 50 bài hát được truyền tụng, gần 100 điệu múa mà không biết một nốt nhạc nào.
Ca sĩ Mỹ Hạnh với hàng chục năm ròng rã đi hát, thu về những thành công nhất định cũng tự nhận mình là người mù nhạc khi chưa qua một trường lớp nào về ký xướng âm. Chị nói mình có thói quen tập bài theo cảm nhận rồi từ đó nghiền ngẫm để hát theo tâm trạng và phong cách của mình.
Ca sĩ Mỹ Linh từng tuyên bố "thần tượng của cô nhiều người mù nhạc" có cái lý của cô ở chỗ những "thần tượng" đó cho cô những bài học ngoài âm nhạc. "Mù nhạc" nhưng có thể không "điếc" luôn khả năng cảm thụ.
Chính Mỹ Linh với trình độ trung cấp âm nhạc vẫn nhận xét về Ngọc Anh, Phương Linh đang học cao học, đại học ngành nhạc. Cô cũng "uốn nắn" Hà Anh Tuấn nên "trau dồi" thêm về kỹ thuật thanh nhạc.
Hà Anh Tuấn cũng gật đầu sẽ "nâng cấp" vốn kiến thức âm nhạc, thanh nhạc một cách bài bản sau Sao Mai điểm hẹn, tuy nhiên, với tần số chạy sô liên miên như hiện nay, không biết anh có thời gian thực hiện điều này?
Thôi thì, khi thị trường nhạc Việt còn lộn xộn, quy luật đào thải vẫn chưa quyết liệt, mù nhạc thì thành "thợ hát", rồi vẫn thành "sao" cũng là chuyện dễ hiểu...
Theo Vietnamnet