Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển

(Dân trí) - Cho đến khi buổi hòa nhạc hạ màn, phần đông những người đã đến muộn và ăn mặc thiếu chỉn chu vẫn còn nán lại để dành tặng cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay không dứt.

Trước khi buổi hòa nhạc Những giai điệu vượt thời gian diễn ra vài ngày, giám đốc nghệ thuật của chương trình, nghệ sĩ Violin Bùi Công Duy đã hồ hởi chia sẻ trên mặt báo về những dấu hiệu lạc quan của nhạc cổ điển Việt Nam thời gian qua.

 

"Chúng tôi tìm thấy một lứa công chúng trẻ và văn minh, coi âm nhạc cổ điển như một thực đơn tinh thần không thể thiếu. Bây giờ, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa." anh cho biết.

 

Có lẽ, cũng chính từ suy nghĩ trên mà Bùi Công Duy và đạo diễn Việt Tú đã mạnh dạn chọn nhà hát Hòa Bình, nơi vốn không dành cho nhạc cổ điển, để dàn dựng và thực hiện Những giai điệu vượt thời gian. Buổi hòa nhạc vừa diễn ra vào tối 4/4.

 

Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


 

Đã có nhiều khán giả đến muộn như một thói quen, không ít người ăn mặc như thể đang đi mua đồ trong siêu thị, và vẫn còn đó những tràng pháo tay lạc nhịp vang lên trong suốt chương trình. Những tình huống này, có lẽ cả Bùi Công Duy và Việt Tú đều đã lường hết từ trước. Tuy nhiên, khi đã quyết định đưa âm nhạc hàn lâm đến với đông đảo đối tượng bình dân thì chắc hẳn, bản thân họ cũng đã chấp nhận những yếu tố bình dân đến với khán phòng.

 

Điều quan trọng là cho đến khi buổi hòa nhạc hạ màn, phần đông những người đã đến muộn và ăn mặc thiếu chỉn chu ấy vẫn còn nán lại để dành tặng cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay không dứt. Chương trình như vậy có thể coi là thành công. Sự đánh đổi đầy mạo hiểm của Bùi Công Duy và Việt Tú như vậy có thể coi là xứng đáng.

 

Những giai điệu vượt thời gian được mở màn bằng 2 bản concerto Mùa xuân và Mùa hè, được trích ra từ tuyệt phẩm Bốn mùa (The Four Seasons) của nhà soạn nhạc người Ý Antonio Vivaldi. Dưới sự thể hiện của nghệ sĩ Violon Soloist người Nga - Maxim Fedotov cùng bè trưởng Stepan Yakovich và nhóm Hà Nội Ensemble, những giai điệu quen thuộc, trong trẻo đã cất lên như một lời chào đầy ngọt ngào trước khi dẫn dắt khán giả đến với những phần trình diễn cao trào hơn, kịch tính hơn.

 

Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


 

Lần lượt sau đó, một loạt các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc lừng nhạc thế giới như Tchaikovsky, Johann Sebastian Bach, Astor Piazzolla hay Alexander Borodin được các nghệ sĩ truyền tải tới khán giả qua tiếng đàn đầy mê hoặc của mình. Đặc biệt, ngoài bản “Pas Deus”, hay còn được biết đến qua cái tên mỹ miều là Thiên nga đen (Black Swan) của Tchaikovsky, các tác phẩm còn lại đều chưa từng được biểu diễn tại Việt Nam trước đó. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả phải kể đến màn song tấu giữa Maxim Fedemov và Galina Petrova.

 

Maxim Fedemov được biết đến như một nghệ sĩ độc tấu violin hàng đầu xứ bạch dương. Nhiều người đã ví ông như là một “Paganini của nước Nga”. Trong khi đó, Galina Petrova lại được mệnh danh là “nghệ sĩ độc tấu đàn piano tuyệt vời với khả năng kết hợp giữa trí thức âm nhạc và say mê nghệ thuật”. Không chỉ là đồng nghiệp của nhau, họ còn là một đôi vợ chồng từng có nhiều năm chung sống.

 

Chính vì vậy mà ngoài sự hài hòa về mặt kỹ thuật, giữa Maxim Fedemov và Galina Petrova còn có sự đồng điệu, giao thoa về tâm hồn. Nhắm mắt lại để có thể cảm nhận một cách tinh tế nhất những rung động của âm thanh, không khó để thấy được sự hòa quyện rất tự nhiên giữa tiếng vĩ cầm và dương cầm. Khi người này thăng thì người kia trầm. Lại có lúc cả hai cùng vỡ òa trong những nốt nhạc thăng hoa đầy cảm xúc.

 

Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


Khi khán giả “bình dân” mê nhạc cổ điển


 

Bên cạnh các phần trình diễn kể trên, Những giai điệu vượt thời gian còn thu hút sự chú ý ở không gian sân khấu lộng lẫy, trẻ trung nhưng vẫn giữ được tính trang trọng cần có. Phần ánh sáng được xử lý khéo léo theo mỗi tiết mục cũng góp phần làm nên sự thành công cho đêm nhạc.
 

Sau TP Hồ Chí Minh, Những giai điệu vượt thời gian sẽ được tổ chức hai đêm nữa tại Hà Nội vào các ngày 6 & 7/4 tới. Sẽ không có sự bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào ngoài trừ việc buổi hòa nhạc sẽ được trả về với đúng nơi của nó, đó là Nhà hát Lớn.

 

 

Minh Minh