1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Khi đạo diễn phim nhà nước... "ngoại tình"

Các hãng phim tư nhân dù sinh sau đẻ muộn nhưng đã lôi kéo được không chỉ khán giả đến rạp mà còn rủ rê được nhiều đạo diễn có tài ở các hãng phim nhà nước "ngoại tình" với mình. Ai có lợi, ai chịu thiệt? Những người trong cuộc nghĩ gì?

Các hãng phim tư nhân với chế độ hấp dẫn, họ luôn mời được những đạo, diễn, quay phim có tài từ các hãng phim về "làm thuê" cho mình. Hầu như họ đều đã có biên chế trong các hãng phim nhà nước nhưng lại sẵn sàng bỏ nhà đi làm thuê bên ngoài tạo thành một cuộc giằng co vô hình giữa tư nhân và nhà nước.

Hãng phim Giải phóng trước nay vốn đã nổi tiếng "thoáng" trong cơ chế làm phim. Ngoài chuyện làm đủ chỉ tiêu phim Nhà nước rót xuống, chừng vài phim một năm, hãng này rất chịu khó đầu tư làm phim thị trường và sẵn sàng để những con át chủ bài làm phim cho hãng khác, ngay cả khi đó là hãng phim tư nhân đang "đe doạ" hầu bao của hãng mình.

Các đạo diễn chủ chốt của hãng phim Giải phóng đều đầu quân cho những nơi khác từ Lê Hoàng (Thiên Ngân - Nữ tướng cướp) đến đến Phạm Hoàng Nam (Phước Sang - Khi đàn ông có bầu) vậy mà vẫn chẳng phải đóng một khoản tiền nào hay bị ràng buộc bất cứ điều gì. 

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hãng phim truyện VN bức xúc: "Đạo diễn không phải năm nào cũng có phim để làm và cũng chẳng ai làm cả 12 tháng trong năm nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương cho họ. Một bộ phim có thể chỉ quay từ 2-3 tháng, còn lại 9 tháng ngồi chơi. Chúng tôi nuôi lao động nhưng họ lại bị những nơi khác tận dụng sức lao động vài tháng, trả tiền rồi lại thôi như kiểu vắt chanh bỏ vỏ, bóc bánh trả tiền. Điều bất công bằng là ở đây...".

Nhưng nếu chỉ trông vào đồng lương hơn 1 triệu một tháng và cả năm ngồi ngáp vì không có phim làm thì khó mà sống thật nên ông Nguyễn Văn Nam bày tỏ chút cảm thông: "Thực ra chúng tôi cũng không phản đối người của hãng làm phim bên ngoài vì lương họ không cao lắm. Họ làm phim bên ngoài sẽ có thêm cả kinh nghiệm, nhưng chuyện sang nhượng người của hãng thì chắc chắn là chưa thể thực hiện được như trong lĩnh vực bóng đá". 

Đạo diễn Phước Sang - Giám đốc hãng phim Phước Sang, bộc bạch: "Khách quan mà nói việc các hãng phim tư nhân lấy người từ các hãng phim nhà nước cũng như chuyện thuê mướn cầu thủ vậy, việc trả tiền cho câu lạc bộ là tất nhiên. Tôi chấp nhận trả tiền cho các hãng phim khác khi thuê người của họ vì cũng đúng thôi. Họ đã mất bao nhiêu công đào tạo rồi nuôi anh những lúc anh thất nghiệp, bây giờ lại bị Phước Sang bắt đi làm phim thì tất nhiên phải trả cho hãng một khoản tiền nào đó.

Với các hãng phim tư nhân, việc đầu tiên của chúng tôi là thu hồi vốn và có lãi nên chúng tôi cần nhắm đến những đạo diễn giỏi để cộng tác. Chúng tôi chấp nhận cuộc chơi này nhưng cũng phải nói một điều rằng các hãng phim nhà nước cũng đừng o ép quá. Các hãng phim tư nhân chúng tôi cũng như đứa em út mới bước vào làng điện ảnh nên rất cần tới sự giúp đỡ của những anh cả, anh hai... ".

Đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng của Những cô gái chân dài cũng đồng tình với việc này: "Tôi nghĩ nếu đã đi làm phim bên ngoài mà vẫn ăn lương nhà nước thì hơi kỳ cục. Tuy nhiên nếu cứ chôn chân ở lại hãng thì họ cũng bị coi chẳng ra gì vì có làm tốt thì mới được mời".

Đạo diễn Lê Hoàng thì có một cái nhìn hoàn toàn khác. Lê Hoàng hiểu rõ việc làm phim với Nhà nước và tư nhân là thế nào rồi. Lê Hoàng cũng quan điểm rất riêng : "Quyết định này đúng hay không đúng không quan trọng vì các đạo diễn không đếm xỉa đến điều đó. Đặt vấn đề lớn như thế nhưng với cánh đạo diễn thì nó không to vì đồng lương của họ quá thấp, thấp đến mức có được hãng phim trả hay không cũng không quan trọng.

Với mức lương hơn 1 triệu đồng một tháng, xét về kinh tế thì không cao còn xét về mặt danh dự thì tôi nghĩ bây giờ không ai còn quan trọng chuyện làm công ăn lương nữa, trừ mấy ông giám đốc và phó giám đốc. Các đạo diễn, nếu có lời mời làm phim thì họ sẽ đi ngay".

ĐD Lê Hoàng nói thẳng: "Chuyện làm cho hãng nào không quan trọng, quan trọng là bộ phim đó thế nào. Khi bạn xem phim, bạn đâu cần quan tâm xem đạo diễn của phim đó là người của hãng nào, bạn chỉ cần biết phim đó được làm hay hay dở. Nếu có quy định phải trích nộp thu nhập từ khoản làm ngoài cho Hãng phim chủ quản thì điều đó còn phụ thuộc vào con số, nếu phải trích lại một khoản nhỏ thì không vấn đề, nếu con số đó quá lớn thì người ta sẽ bỏ".

 

Theo Bích Hạnh
Vietnamnet