1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Khán giả Việt đã “no” vì truyền hình thực tế?

(Dân trí) - Truyền hình thực tế không còn là một khái niệm xa lạ đối với khán giả Việt trong những năm gần đây. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình dạng này khiến cho không ít khán giả cảm thấy “quá no” với món ăn này.

Truyền hình thực tế: Món ngon thuở ban đầu

 

Khoan bàn đến chất lượng giữa các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, nếu chỉ nói về số lượng thì có vẻ ưu thế đang nghiêng hẳn về các cuộc thi âm nhạc. Một điều cũng dễ hiểu khi âm nhạc là lĩnh vực mà số đông khán giả luôn yêu thích và theo dõi. Từ những chương trình “cây nhà lá vườn” do các công ty truyền thông hoặc nhà đài tự sản xuất cho đến các format được mua bản quyền từ nước ngoài đều đua nhau lên sóng truyền hình.

 

Những năm 2000, khi truyền hình thực tế còn chưa rầm rộ ở Việt Nam, Sao mai điểm hẹn - một cuộc thi âm nhạc tự sản xuất của VTV đã xuất hiện như một món ăn mới lạ và nhận được không ít tình cảm của khán giả yêu nhạc trên cả nước. Trước đó, các cuộc thi âm nhạc của các nhà đài đều tổ chức với kiểu truyền thống là các cuộc thi tiếng hát truyền hình với một format nhàm chán và cũ kỹ lặp lại mỗi năm. Chính điều này càng khiến cho sự ra đời của Sao mai điểm hẹn lúc bấy giờ như một gã tiên phong trong việc mang đến cho khán giả một món ăn mới và “hot” theo đúng nghĩa của nó.

 

Uyên Linh - Người góp phần tạo nên hiện tượng Vietnam Idol 2010

Uyên Linh - Người góp phần tạo nên hiện tượng Vietnam Idol 2010

 

Bắt đầu từ năm 2004 với mùa đầu tiên cho đến khi mùa thứ 2 kết thúc một năm sau đó, mùa hè năm 2007 Sao mai điểm hẹn không còn là một món ăn độc tôn trên truyền hình khi Vietnam Idol lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với tên gọi Thần tượng âm nhạc. Phiên bản Pop Idol trên thế giới vốn đã được khán giả yêu thích từ lâu, đặc biệt là chương trình American Idol. Vì vậy, khi nó được đưa về Việt Nam thì mọi sự thu hút và lôi kéo đều dồn về phía Vietnam Idol mặc dù lúc đó, chương trình này chỉ mới được phát sóng trên kênh HTV9 và một số đài địa phương. Con số hàng chục ngàn lượt thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước cũng đủ để nói lên sức hút rất lớn của một món ăn ngoại nhập này. Sau 3 mùa giải thành công ngoài mong đợi, đặc biệt Vietnam Idol 2010 với sự lên ngôi của hiện tượng Uyên Linh lại càng củng cố thêm sức mạnh của cuộc thi này và đây cũng là năm đầu tiên mà Vietnam Idol được phủ sóng trên truyền hình quốc gia. Từ đó, Sao mai điểm hẹn rơi vào cảnh bị thất sủng của khán giả, mặc dù ban tổ chức đã nỗ lực mời cả “sao bự” Mỹ Tâm ngồi vào ghế nóng nhằm cứu vãn tình thế trước sức ép của cuộc thi mang format quốc tế tấn công vào Việt Nam.

 

Truyền hình thực tế: Nấm mọc sau mưa

 

Năm 2012, Giọng hát Việt - với tên gọi The Voice của phiên bản gốc được mua từ Hà Lan bởi một “ông lớn” trong các công ty truyền thông ở Việt Nam đã bất ngờ xuất hiện và tạo nên một làn sóng mới đối đầu cùng Vietnam Idol. Thậm chí, fan hâm mộ của hai cuộc thi này còn ra sức đấu tranh để giành phần thắng trong cuộc chiến “ai hay hơn ai” để cổ vũ cho chương trình yêu thích cũng như ủng hộ thần tượng của mình trên hàng ghế giám khảo. Tình hình càng căng thẳng hơn khi cả 3 cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc đều diễn ra gần như cùng một thời điểm và cùng trên sóng VTV. Có thể nói thời điểm này, Sao mai điểm hẹn dường như đã trở thành một kẻ yếu thế rõ ràng trong cuộc đua giành lấy rating khi Vietnam Idol và Giọng hát Việt thay nhau chiếm sóng vào những ngày cuối tuần trên VTV3.

 

Với những hiệu ứng mạnh mẽ có được, ngay sau khi kết thúc mùa giải đầu tiên chưa đầy 1 ngày, Giọng hát Việt đã công bố lịch khởi động và tiến hành tuyển chọn thí sinh cho mùa giải thứ 2. Cùng thời điểm này, phiên bản Giọng hát Việt dành cho thí sinh nhí (The Voice Kids) cũng được tuyên bố chính thức có mặt ở Việt Nam từ năm 2013 và sẽ phát sóng tập đầu tiên vào đầu tháng 6 tới. Song song đó, một cuộc thi mới cũng về âm nhạc do công ty truyền thông khác mua về với tên gọi Tôi là người chiến thắng (phiên bản gốc The winner is…) khiến cho con đường chạy đua của các gameshow trên sóng truyền hình càng thêm gay cấn. Lúc này, khán giả truyền hình không ít người bắt đầu cảm thấy “chán ăn” dù chưa biết cuộc thi sẽ thế nào, chỉ biết các gameshow âm nhạc đua nhau mọc như nấm sau mưa một cách ồ ạt nhưng chất lượng thì chưa biết tới đâu. Không những thế, thông tin rò rỉ về việc phiên bản Việt của The X Factor cũng sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian không xa đã được các khán giả truyền tai nhau trên các diễn đàn.

 

Bộ tứ giám khảo mùa giải thành công đầu tiên của Giọng Hát Việt, mùa thứ hai sẽ thế nào?
Bộ tứ giám khảo mùa giải thành công đầu tiên của Giọng Hát Việt, mùa thứ hai sẽ thế nào?

 

Đó chỉ mới là những cuộc thi chuyên về âm nhạc, chưa kể các sân chơi khác được các nhà sản xuất ra sức tìm kiếm và đem về Việt Nam như Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance) thuộc lĩnh vực nhảy múa, Siêu đầu bếp (Iron Chef), Vua đầu bếp (Masterchef) thuộc lĩnh vực ẩm thực, hay Người mẫu Việt Nam (Vietnam Next Top Model) và mới xuất hiện gần đây nhất là Nhà thiết kế thời trang (Project Runway) thuộc lĩnh vực thời trang…Ngoài các chương trình dành cho đối tượng thí sinh bình thường như kể trên, các gameshow thu hút những nhân vật nổi tiếng trong showbiz cũng đua nhau chia phần xuất hiện như Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Hợp ca tranh tài (Clash of the choirs) hay một gameshow khác đã tạo được dấu ấn khá tốt mới đây là Gương mặt thân quen (Your face sounds familiar) hoặc Vietnam’s got talent lại là một chương trình tìm kiếm tài năng tổng hợp dành cho tất cả mọi đối tượng cũng đã trải qua mùa thứ 2 tại Việt Nam với tên gọi Tìm kiếm tài năng.
 

Truyền hình thực tế: Khán giả đã “no”?

 

Việc mọc lên như nấm sau mưa của các gameshow và phải chia nhau mảnh đất màu mỡ của sóng truyền hình, xét ở mặt tích cực, khán giả sẽ có nhiều sự lựa chọn để thưởng thức. Vì thực tế cho thấy, cách đây hơn 10 năm, khi truyền hình chưa có nhiều chương trình gameshow như hiện giờ, khán giả có nhu cầu giải trí phải đi ra khỏi nhà và tìm đến các sân khấu, tụ điểm… Nhưng những năm gần đây, chuyện ngồi tại nhà và có thể xem các chương trình giải trí dày đặc vào ngày cuối tuần là một việc không còn xa lạ với nhiều người. Thậm chí, trong cùng một buổi tối và trên cùng một sóng truyền hình có đến hai gameshow diễn ra liên tiếp nhau, chưa kể các đài địa phương khác cũng có hàng loạt gameshow lớn nhỏ của riêng mình, từ chương trình tự sản xuất đến chươn trình mua bản quyền nước ngoài.
 
Cặp đôi hoàn hảo năm nay kém hấp dẫn so với năm ngoái

Cặp đôi hoàn hảo năm nay kém hấp dẫn so với năm ngoái

 

Đa dạng là vậy, phong phú là thế nhưng để điểm danh được những chương trình thật sự đặc sắc có lẽ chưa đếm đủ trên một bàn tay. Đặc điểm chung giữa các chương trình truyền hình thực tế khi mang về Việt Nam chính là “nóng” khi mới xuất hiện nhưng đến các mùa sau lại “nguội” dần. Điều này có thể lý giải một phần bời tính hiếu kỳ và tò mò của khán giả Việt luôn thích những gì mới lạ. Và cũng chính lý do này mà các mùa giải kế tiếp của đa số các chương trình đều giảm đi sức nóng bởi yếu tố mới lạ đó không còn nhiều, trong khi những người làm chương trình thì chưa đầu tư cho việc đổi mới hay đột phá. Lúc này, các gameshow chỉ còn cách thu hút sự chú ý hoặc lôi kéo khán giả bằng việc tung chiêu trò và tạo scandal. Tuy nhiên, khán giả bây giờ đã đủ thông minh để nhận ra đâu là thật và đâu là giả, họ đòi hỏi những gì cao hơn từ chất lượng của các chương trình thay vì những lùm xùm xung quanh các cuộc thi.

 

The winner is… về Việt Nam với tên gọi Tôi là người chiến thắng liệu có thành công?
The winner is… về Việt Nam với tên gọi Tôi là người chiến thắng liệu có thành công?

 

Cuối cùng, dùng từ “bão hòa” hay nói một cách khác, thực trạng truyền hình thực tế ở Việt Nam là “cũ người mới ta” cũng không có gì quá đáng, khi nó là một điều tất yếu sẽ xảy ra nếu như cứ đua nhau xuất hiện hàng loạt mà sự bứt phá thì không thấy. Được thưởng thức nhiều món ăn mới là một điều thú vị nhưng nếu chỉ trong một bữa tiệc mà có quá nhiều món ăn na ná nhau, vẫn thịnh soạn đó, vẫn là món ăn ngoại nhập đó, ăn lần đầu thấy ngon nhưng ăn càng nhiều thì lại càng thấy no, đầy bụng và đầy bụng thì sẽ  khó tiêu hóa. Vì vậy, làm sao để các chương trình truyền hình thực tế luôn là những món ngon được khán giả nhớ đến, đó mới là việc mà các nhà sản xuất cần phải quan tâm và đầu tư cho các món ăn của mình những loại gia vị chất lượng thay đổi mỗi năm để truyền hình thực tế không còn là những món ăn nhàm chán trong mắt khán giả. Bởi xét cho cùng, khán giả chính là những thực khách đã bỏ công ngồi trước màn hình và quyết định vào sự tăng giảm của con số rating cũng như những lượng tin nhắn khổng lồ mà không phải dễ dàng có được trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện giờ.

 

Cao Trí Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm