Khán giả không dễ dụ một cách dễ dãi
Đó là lời khẳng định của đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung. Không lớn tiếng, chỉ lặng lẽ làm việc, thế nhưng tay đạo diễn gốc miền Tây này lại khá… "được việc" và gom không ít giải thưởng đáng mơ ước đối với bất kỳ một đạo diễn trẻ nào.
Vẻ ngoài già dặn, mới trông tưởng lớn tuổi, nhưng mới 31; cục mịch, ít nói, nhưng khi bắt trúng đài, anh cũng "mở máy" say sưa. Thời gian này, anh đang rong ruổi, lăn xả cùng đoàn làm phim Đẻ mướn, một phim nhựa đầu tay trong tình hình đầy cạnh tranh như hiện nay.
Làm Đẻ mướn, anh mời cả dàn diễn viên là hoa hậu, ca sĩ chưa biết diễn thế nào nhưng chắc chắn là có nhiều xìcăngđan. Anh không ngại chuyện đánh đu tên tuổi của mình và sẽ bị mang tiếng là típ "đạo diễn bình dân", làm phim câu khách?
Tôi chọn Đẻ mướn là đã chấp nhận một thử thách: làm phim cho số đông và làm sao để thu hút thật nhiều người xem. Nhưng không phải là phim rẻ tiền mà vẫn có những tiêu chí nghệ thuật và tất cả tâm huyết của tôi gửi gắm trong phim, bởi nếu là một câu chuyện nhạt nhẽo, ngô nghê sẽ không có được sự đồng cảm của người xem. Khán giả bây giờ đâu có dễ dụ theo kiểu dễ dãi, hời hợt như trước được nữa. Tên phim đặt ra với mong muốn người ta thấy rằng đây là phim của mọi người. Hãy cứ xem phim rồi đánh giá tôi có phải là đạo diễn bình dân hay như thế nào.
Anh nói rằng "phim nhất định sẽ được làm theo khuynh hướng hiện đại, khác với lối làm phim từ trước đến nay". Vậy cái "mới" đó là gì?
Có nghĩa là cách dàn dựng, cách kể chuyện của tôi theo hướng hiện đại mà ở đó tiết tấu là quan trọng nhất. Không phải nhanh, gấp mới là hiện đại, mà người xem sẽ cảm nhận được tiết tấu đó phụ thuộc vào cảm xúc. Có những phim tiết tấu rất chậm, nhưng cảm xúc tràn đầy. Tôi muốn khán giả cùng cảm xúc với những thước phim mà mình chuyển tải: có đoạn khóc, cười, sợ hãi, hồi hộp… Tiết tấu đó là tiết tấu của cảm xúc và khuynh hướng hiện đại mà tôi muốn làm là theo cách: đo cho được tận cùng cảm xúc của khán giả.
Anh nói rất quý thời gian khán giả đến xem phim của mình và nếu phim vô vị, không đem lại được điều gì đó thì anh sẽ thấy mình có lỗi. Hẳn đó không phải là lời nói suông?
Áp lực của tôi không chỉ là việc phải kiếm cho được doanh thu hơn 4 tỉ để hoàn vốn, tái đầu tư cho nhà sản xuất, mà còn là chuyện quan trọng hơn, đó là tạo cho khán giả niềm tin đối với phim Việt. Vì thế, khi tôi mời họ đến với phim của mình, chắc chắn có nhiều thứ để xem và câu chuyện cũng sẽ có nhiều điều để nghĩ.
Tất nhiên có nhiều cách để người ta coi phim và tôi gom hết các kiểu xem ấy vào trong phim của mình: giải trí với cười, khóc, suy tư, trăn trở và cả… nóng bỏng. Trong 90 phút, khán giả phải luôn dán mắt vào màn ảnh với những bất ngờ tiếp nối, nếu không tập trung thì sẽ không hiểu câu chuyện. Để làm được một bộ phim như thế không dễ, nhưng tôi tin với êkíp cộng sự giỏi sẽ làm được.
Có nhận định đạo diễn của điện ảnh Việt chưa ai có phong cách riêng, anh nghĩ sao?
Tôi không nghĩ vậy. Mỗi một cá nhân đã là khác nhau rồi và mỗi đạo diễn chắc chắn sẽ có cách làm riêng. Ngay như các đạo diễn cùng ra trường khoá tôi, mỗi người có một style riêng, không ai giống ai và đều theo đuổi một đề tài khác nhau, xem phim có thể nhận ra ngay. Như phim của Võ Tấn Bình, Vũ Thái Hoà, Hồng Ngân, Nguyễn Quang Dũng… Quan trọng là phải nhìn vào thực tế của điện ảnh Việt hiện tại đang như thế nào, chứ đừng so với các nền điện ảnh khác và đòi "bùng nổ màn ảnh".
Đẻ mướn là phim trong nước đầu tiên đưa ra chủ trương "hạn chế khán giả dưới 18 tuổi". Có phải anh dùng chiêu "sexy trong phòng the" để kéo chân khán giả đến rạp?
Nói thẳng hạn chế khán giả là để khẳng định phim này không dành cho thiếu nhi và khoanh vùng rõ đối tượng khán giả. Bởi nếu trẻ em có vô rạp xem thì cũng không thể hiểu được vấn đề phim chuyển tải, chứ không chỉ vì có những cảnh nóng. Tất nhiên, những cảnh nóng ấy sẽ không quá thô thiển, trần trụi theo kiểu Tây và chỉ trong giới hạn cho phép. Tôi xác định là phải làm đẹp và có cách thể hiện riêng của tôi với những cảnh như thế. Nếu tôi coi mà thấy không đẹp thì tôi sẽ cắt trước khi đưa ra khán giả xem.
Hỏi thật, anh thấy ở mình có điều gì "hơn người" khiến ông bầu Phước Sang tin tưởng bỏ 4 tỉ ra để cho anh làm phim?
Đó là thương hiệu của tôi, từ cái nôi TFS mà tôi đã khẳng định được khả năng của mình trong giới điện ảnh. Tôi không thể nói cảm xúc của nhà sản xuất như thế nào được, nhưng anh Phước Sang tỏ ra rất mạnh dạn và tin tưởng mở lời với tôi rằng: tôi cứ việc làm thoải mái, làm "cho đã" tôi trước. Mọi chuyện còn lại là của ảnh và nhà sản xuất không yêu cầu thêm điều gì hết. Khi người ta đã tin tưởng mình như vậy thì không cho phép mình thất bại và nếu như có thất bại thì phải chịu mình không có tài năng thôi, không thể bao biện bằng điều gì khác.
Đôi nét về đạo diễn Lê Bảo Trung
|
Theo Phan Cao Tùng
Sài Gòn Tiếp Thị