Hữu xạ tự nhiên hương
Đôi khi, truyền hình trực tiếp cho thấy những điều hoàn toàn khác mà nếu ngồi nhà ta khó có thể hình dung...
Tôi có đọc một ý kiến bạn đọc trên báo phản ánh tình trạng quá tải “Truyền hình trực tiếp” trên các kênh Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây,
Cách đây 2 tháng (thời gian đi nhanh quá, cảm xúc thì vẫn còn như mới hôm qua), truyền hình Việt Nam trực tiếp truyền hình buổi biểu diễn của một tài năng trẻ violin của Mỹ - cô gái 25 tuổi Hilary Hahn, đã từng đạt giải Grammy 2001. Và trong buổi biểu diễn đó, tiếng đàn của cô không chỉ chinh phục những đôi tai sành nhạc trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội mà còn giành được thiện cảm của hàng triệu người xem truyền hình trực tiếp.
Không phải ai cũng hiểu sâu sắc về những bản sonate của W.A.Mozart và J.S.Bach mà Hilary Hahn trình diễn buổi tối hôm đó, nhưng người ta thiện cảm một gương mặt đẹp như diễn viên điện ảnh, óng ánh mồ hôi trên trán và say sưa với cây vĩ cầm... Trên đôi vai thiên thần ấy là một vật dụng rất quen thuộc và giản dị, một chiếc khăn mặt bông... Mọi người đã được chứng kiến tận mắt chương trình của độc diễn một ngôi sao (vâng, Hilary xứng đáng được gọi là một ngôi sao) nhưng có phong thái hết sức giản dị. Và dưới khán phòng, những vị khách thanh lịch im phăng phắc sau khi cô cúi chào, và tiếng vỗ tay vang dội không dứt như lưu luyến những ấn tượng một cách trân trọng.
Cách đây, chưa đầy một tuần, tôi được mời đi xem buổi biểu diễn trực tiếp Bài hát Việt. Cũng một chương trình đang được tung hô về những giá trị cổ động phong trào viết và nghe nhạc Việt... Nhưng thật tiếc cho sự kiên nhẫn của tôi, đã gắng ngồi lại khán phòng Cung Hữu nghị Việt Xô chờ đến hết chương trình...
Nếu đem so sánh một buổi trình diễn của ca sĩ trẻ nước nhà với một nghệ sĩ của dòng âm nhạc bác học quốc tế – đã từng được giải thưởng Grammy thì quá khập khiễng. Song biết vậy thì vẫn phải nói, vì nếu không được xem biểu diễn trực tiếp, mà chỉ được xem trực tiếp tại gia thì ai biết đó là đâu.
Chưa hết, hát được vài bài, MC nói khán giả trực tiếp thông cảm chờ quảng cáo truyền hình dài đến cả chục phút. Khán phòng tối om, khán giả ngao ngán, trong khi cô MC thì đứng đực trên sân khấu nhìn trân trân vào màn hình trước mặt... Vâng, để đổi quyền lợi cho nhà tài trợ đã cho khán giả cả nước 2 tiếng giải trí, cả ngàn người trong buổi tối đành quay sang nhau nhìn cô MC đang cau có khi bị một ông thợ ảnh bất lịch sự chĩa máy ảnh vào giữa mặt...
Thứ hai, điều mà tôi bất ngờ nhất, là sự hiện diện đi đi lại lại, mặt mũi rất nghiêm trọng của "những hoạt náo viên" trẻ tuổi, đứng trước mặt khán giả và làm động tác... vỗ tay mồi khi nào họ bắt đầu thu hình... Mọi người đã thành diễn viên khi được vé mời đến trường quay của họ mất rồi! Nếu không có những hoạt náo viên kia, chắc chắn thì khán giả cũng vỗ tay cảm ơn người biểu diễn một cách lịch sự mà thôi. Song chính sự thiếu lịch sự của một trường quay nhốn nháo, cộng với thời gian chờ đợi chương trình bắt đầu (chậm hơn 1 tiếng) tấy khiến tôi lại nhớ tới lúc Hilary Hahn cúi chào 2 lần mà tiếng vỗ tay không dứt, thanh lịch và trịnh trọng....
Thứ ba, nói nhiều quá. Đi xem hát mà phải chờ đợi (không trách BTC Bài hát Việt, nhưng trách người tổ chức chưa sắp xếp chương trình phát sóng hợp lý). Đi xem hát mà phải xem từng vị trong Ban tổ chức nói và phát biểu... Toàn những lời “tự túm tóc mình lôi lên”. MC thì khôn khéo vừa hỏi vừa ép câu trả lời: “Bạn có cảm xúc gì khi tham gia một chương trình lớn, hoành tráng và quy mô như thế này?”. Tôi mà là cậu nhạc sĩ trẻ măng lần đầu công bố tác phẩm xem, tôi cũng phải gắng mở miệng cười: “Vâng, cảm ơn chị. Tôi vui”... Nhưng tôi là khán giả, tôi đang đi xem hát và cảm thấy tội nghiệp tôi quá khi đang phải xem cô MC trổ nghề.
Dẫu sao chắc tôi ít khó chịu bằng nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khi ông được mời lên sân khấu rất miễn cưỡng, miễn cưỡng nhận một bó hoa, miễn cưỡng đứng gần 20 phút cũng những nhạc sĩ học trò mà không được nói một câu, và... miễn cưỡng về chỗ sau khi công bố một giải thưởng chính thức đã công bố trước đó trên báo chí...
So sánh 2 chương trình trực tiếp, hai chương trình tại trợ để thấy hai đẳng cấp khác hẳn nhau. Điều cuối cùng, tôi rút ra là: càng hay càng nói ít... Và vẫn còn nhiều nhà tài trợ “khôn ngoan” biết tưới tắm cho những bông hoa biết tự tỏa hương sắc./.
Theo Thể thao & Văn hóa