1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hội thảo về danh nhân lịch sử Lê Đại Cang sắp diễn ra tại Hà Nội

(Dân trí) - Đánh giá về Lê Đại Cang, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng, đây là một nhân vật có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc nhưng lại chưa được nhìn nhận một cách đúng mức. Buổi hội thảo sắp tới tại Hà Nội sẽ tổng kết toàn bộ sự nghiệp của danh nhân cũng như những bài học làm người mà ông đã để lại cho hậu thế.

Lê Đại Cang (1771 – 1847) còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt danh là Thường Chánh Thị, quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Nói về những công lao của Lê Đại Cang đối với dân tộc, Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh: “Danh nhân Lê Đại Cang được nhắc đến với rất nhiều chức trách, trong đó phải kể đến quãng thời gian ông làm Tổng trấn Bắc Hà. Lê Đại Cang là người có công đầu trong việc xây dựng, đắp đê, bảo vệ cho các tỉnh miền Bắc. Ông xứng đáng được coi là một danh nhân, anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, do sự quảng bá và tuyên truyền còn ít, nên không có nhiều người biết đến nhân vật lịch sử này”.

Giáo sư Hoàng Chương đánh giá cao những đóng góp của Lê Đại Cang dành cho đất nước.
Giáo sư Hoàng Chương đánh giá cao những đóng góp của Lê Đại Cang dành cho đất nước.

Đồng quan điểm với GS Hoàng Chương, ông Nguyễn Thế Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến cho rằng, danh nhân lịch sử Lê Đại Cang là một trong hàng vạn những tấm gương tuyệt đẹp về lao động, học tập, chiến đấu với kẻ thù,… nhưng lại chưa được đánh giá đúng mức. Ông cũng từng làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội.

Trong suốt 41 năm làm quan “cơ cực, vì nước quên thân, vì việc công quên việc tư, lấy trung làm hiếu”, ông đã trải qua nhiều lúc thăng trầm, bi – hài kịch đan xen. Sinh thời, Lê Đại Cang còn nổi tiếng là một người cự phách, hiển đạt về văn chương, đã có một số tác phẩm văn thơ được truyền tụng. Trong đó, có Lê thị gia phả được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, cho rằng tác phẩm không chỉ là tập sách chép lịch sử của dòng họ Lê làng Luật Chánh mà còn chứa đựng những bài học làm người của một bậc đại trí.

Về hành trình nghiên cứu, tôn vinh Lê Đại Cang, từ đầu năm 2013 đã có hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” tổ chức ở Quy Nhơn. Sau hội thảo này, đã có nhiều báo cáo khoa học, một cuốn sách và một bộ phim truyền hình về Lê Đại Cang được xuất bản. Tiếp đến, giữa năm 2016, một buổi hội thảo khác đã diễn ra tại TP Châu Đốc cũng thu về nhiều thành quả đáng mừng trên mọi phương diện văn hóa, nghệ thuật.

Những tác phẩm dày công nghiên cứu về danh nhân Lê Đại Cang.
Những tác phẩm dày công nghiên cứu về danh nhân Lê Đại Cang.

Nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày mất danh nhân lịch sử Lê Đại Cang, bậc lương thần có công lớn trong đóng góp xây dựng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội”.

Hội thảo sẽ được tổ chức vào sáng ngày 16/12/2017 tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam (số 14, Trần Bình Trọng, Hà Nội). BTC tiết lộ, hội thảo không chỉ có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu mà còn được đông đảo giới văn, nghệ sĩ, các đạo diễn và nhà viết kịch quan tâm. “Nội dung của buổi hội thảo xoay quanh việc đánh giá các đóng góp của Lê Đại Cang với Hà Nội, đồng thời tổng kết quá trình nghiên cứu về danh nhân lịch sử này. Qua đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Lê Đại Cang trên mọi hình thức, nhất là qua các bộ phim hay vở kịch”, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến khẳng định.

Hoàng Ngọc