Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 20/3, di tích Bình An Đường (đường Đặng Thái Thân, TP Huế) vừa được trùng tu xong và đi vào sử dụng. Đây là nơi xưa kia các thái giám (hoạn quan) và cung nữ trong cung vua triều Nguyễn sau khi già yếu ra ở cuối đời.

Di tích Bình An Đường được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế hoàn thành trùng tu. Sau đó, một đơn vị kinh doanh tư nhân đã thuê lại để kinh doanh các mặt hàng lưu niệm xứ Huế và là điểm dừng chân uống nước cho du khách, người dân. Đây không phải là lần đầu tiên di tích trùng tu xong thì được thuê lại làm kinh doanh. Vào tháng 5/2011, Dân trí cũng từng phản ánh di tích lầu Tứ Phương Vô Sự vừa trùng tu đã được thuê bán cafe trong bài "Di tích vừa trùng tu bạc tỷ biến thành quán cafe".

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Bình An Đường vừa hoàn thành trùng tu xong đã có đơn vị đến thuê làm kinh doanh

Tuy nhiên tại Bình An Đường, qua quan sát của phóng viên, việc chấp hành kinh doanh được thực hiện khá tốt khi không có bàn ghế uống nước bày biện phía trong nhà mà chỉ để toàn bộ làm nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh, sách vở. Phía ngoài được bày biện khá thoáng đãng và làm góp phần làm đẹp thêm khuôn viên với nhiều cây thuốc nam và bàn ghế ngồi uống cafe.

Toàn bộ phía nội thất là tòa nhà 3 gian 2 chái nhỏ có 2 cửa vòm đã được treo các ảnh cung nữ, thái giám triều Nguyễn xưa. Bên cạnh đó, các bảng nêu rõ về lịch sử ngôi nhà và thân phận cung nữ, thái giám. Điều đặc biệt là có 6 bức vẽ sơn mài miêu tả phương pháp y học đầu thế kỷ XX trên cơ sở tư liệu in trong sách “Kỹ thuật của người An Nam” năm 1909. Trên tranh có chữ nôm khắc gỗ nêu cách chữa các bệnh cơ bản như: Đánh gió, đau mộng mắt (đau mụt lẹo), đau bụng đốt lá sơn, sản, đau bão, xông nước lá, hàng thuốc bắc, bùa “trừ tà trị bệnh, trấn trạch bình an”.

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Nội thất Bình An Đường

Trong nhà còn được trưng bày 4 bàn đọc sách cùng nhiều sách về chữa bệnh, sách lịch sử triều Nguyễn. Có bày bán trà cung đình, rượu “Minh Mạng thang” - loại rượu từng được đồn rằng có tác dụng “cường dương” như vua Minh Mạng xưa kia. Các đèn lồng treo trên trần cũng được thiết kế khá lạ với hộp giấy bọc đèn được in dập bia các họa tiết trên Cửu đỉnh Huế.

Xung quanh khuôn viên của Bình An Đường lúc chưa trùng tu có nhiều cây cỏ bụi rậm lẫn kim tiêm chích của con nghiện. Nay đã được phát quang và trồng nhiều cây quý thuốc nam có công dụng làm thuốc và có ghi chú cho khách đọc hiểu như cây diếp cá, cây mã đề, cây trinh nữ hoàng cung, cây huyết dụ, cây hoàn ngọc...

Để làm chỗ dừng chân cho du khách uống nước, đơn vị quản lý cũng đã bỏ thêm 37 bàn ghế gỗ (có che dù di động) làm nơi uống café xung quanh khuôn viên của di tích Bình An Đường. Có nữ phục vụ mặc áo dài tím Huế. Riêng phía trong di tích chỉ làm chỗ tham quan chứ không bỏ bàn ghế café.

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Và các bàn ghế bán nước giải khát bên ngoài

Theo một người làm ở di tích và vừa làm công tác kinh doanh thêm các mặt hàng café, rượu Minh Mạng thang tại Bình An Đường (xin được giấu tên) thì “đây là một di tích nên khi làm kinh doanh, chúng em cố gắng làm sao không ảnh hưởng đến di tích. Rút kinh nghiệm từ câu chuyện lầu Tứ Phương Vô Sự cách đây không lâu vừa trùng tu xong đã biến thành quán café, bị dư luận lên tiếng nhiều, nay chúng em làm rất thận trọng và không để các hình thức kinh doanh xâm hại đến di tích”.

Trước đây vài năm, tại di tích này cũng từng có 1 đơn vị kinh doanh café nhưng bày biện luôn cả bàn ghế ở trong nhà (vi phạm đến di tích) lẫn ngoài trời. Sau vài tuần hoạt động, do dư luận lên tiếng quá dữ vì làm sai chức năng di tích nên quán café đã không hoạt động nữa.

Bình An Đường được dựng từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Đây là nơi từng chứng kiến những giây phút cuối cùng của những con người đặc biệt vốn gắn bó hầu hết cuộc đời với chốn lầu son gác tía ở Nội cung, đó là những cung nữ, thái giám của triều Nguyễn. Nơi đây cũng là lối dành cho các thầy thuốc ra vào thăm nom người bệnh. Phía bắc của Bình An Đường còn có tòa Cung giám viện, vốn dành cho các thái giám ăn ở, chờ được chăm sóc, điều trị.

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Một bức ảnh về cung nữ xưa được treo ở trong cho du khách hiểu thêm lịch sử của di tích

Trong cung, thái giám, cung nữ là những người có thân phận nhỏ bé, thấp hèn nhất, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nhân. Nhưng cũng có người do tài năng đặc biệt hoặc do may mắn đã được cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Đầu thời Gia Long, thái giám Lê Văn Duyệt đã làm quan đến chức Tổng trấn Gia Định Thành, đạt đến vinh hiển tột đỉnh. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi...

Triều Nguyễn xưa đã quy định khi nào các thái giám, cung nữ đã quá già, hết tuổi làm việc thì được ra đây để tĩnh dưỡng và sống những ngày cuối cùng của cuộc đời chứ không được về quê nhà. Do đó, câu thành ngữ “Đưa con vô Nội” (nghĩa là đưa con cái vào chốn hoàng cung thì sẽ mất vĩnh viễn) ở Huế ngày xưa vốn cũng xuất phát từ đây.

Một số hình ảnh về di tích "nơi ở cuối cùng" của thái giám, cung nữ triều Nguyễn:

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Quầy tính tiền được đặt ở trong
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Bàn đọc sách
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Các loại sách thuốc và sách lịch sử
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Một bàn bày bán trà cung đình, rượu Minh Mạng thang
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Có treo ảnh thái giám
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Một đèn làm với vỏ được in giập từ các họa tiết trên Cửu đỉnh Huế
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Những bảng ghi lịch sử và các bài thuốc nam
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Cây Trinh nữ hoàng cung - một trong nhiều cây thuốc được trồng ở ngoài khuôn viên Bình An Đường có viết bảng giới thiệu cho khách dễ hiểu
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Tranh sơn mài mô tả quả trình sắc thuốc chữa bệnh
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn

Việc không để bàn ghế buôn bán phía trong Bình An Đường đã có phần hợp lý hơn so với trường hợp lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cafe trước đây
 
Hoàn thành trùng tu “nơi ở cuối đời” của cung nữ triều Nguyễn
Các bộ bàn ghế ngoài khuôn viên cũng được thiết kế nhã nhẵn, không quá "choãi" với di tích xưa

Đại Dương