Họa sĩ Đinh Cường: “Họa sĩ Việt Nam hay nhái nhau”

Lần trở về từ Mỹ này, họa sĩ Đinh Cường không có ý định triển lãm tranh. Ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên về tranh quý Việt Nam ở nước ngoài, về hội họa Việt Nam hôm nay...

Trước tiên, xin ông cho biết điều kiện sáng tác tranh của các họa sĩ Việt kiều ở Mỹ?

 

Khi sang Mỹ, có họa sĩ chuyển sang làm việc khác kiếm  nhiều tiền hơn, nhưng cũng có người dù nghèo mấy cũng theo đuổi hội họa đến cùng. Những người này có tôi, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Nguyễn Trọng Khôi... Tất cả vẫn sáng tác bình thường, triển lãm bình thường. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bán được tranh, tuy không đều nhưng nói chung là có thể sống được.

 

Các họa sĩ trong nước thường than rằng người Việt Nam hiện nay tuy mức sống đã khá hơn nhiều nhưng hiếm ai bỏ tiền mua tranh. Liệu người Việt Nam ở nước ngoài có là khách hàng thường xuyên của các họa sĩ vừa nêu tên không, thưa ông ?

 

Trong những năm gần đây người Việt ở bên đó đã giàu có, bắt đầu xây nhà lớn và sưu tầm tranh của những họa sĩ mà họ thích. Khách hàng cũng có thể là người nước ngoài nhưng yêu mến Việt Nam, thích sưu tầm tranh của họa sĩ Việt  Nam.  Tôi biết có những người có những bộ sưu tập tranh rất quý của các họa sĩ Việt Nam như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em... Nguyện vọng của một số nhà sưu tầm tranh này là, nếu chính quyền quan tâm và có chính sách rõ ràng thì họ sẵn sàng biếu không những bức tranh quý này cho Việt Nam.

 

Ông nhận xét gì về đời sống hội họa Việt Nam hôm nay ?

 

Vài năm lại đây tôi thấy hội họa trong nước có những bước chuyển đổi, dung nạp nhiều phong cách. Nhưng điều đáng buồn là hội họa chúng ta lại hay bị nhái, hễ một người vẽ tranh bán được thì y như rằng nhiều họa sĩ khác lập tức nhái theo phong cách đó. Điều đó khiến cho hội họa thiếu những cái nhìn riêng biệt. Tôi cho rằng do các họa sĩ này thiếu nội lực. Vì vậy, hội họa trong nước ít tìm ra được những gương mặt mới độc đáo, quay đi quay lại cũng vẫn là những người cũ.

 

 

Theo Quang Thi

Thanh Niên