Hoa hậu Thuỳ Lâm: "Tôi sẽ luôn đội mũ bảo hiểm cho con"
(Dân trí) - Tham gia Chiến dịch nhận thức cộng đồng có tên: Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm với tư cách là Đại sứ thiện chí của Quỹ AIP, Hoa hậu Thuỳ Lâm cho biết cô sẽ luôn đội mũ bảo hiểm cho con nếu di chuyển bằng xe mô tô.
Với tư cách là Đại sứ thiện chí và là một người mẹ, Thuỳ Lâm cho biết cô đã rất hào hứng muốn được góp một phần nhỏ trong việc nâng cao ý thức an toàn giao thông không chỉ cho trẻ em mà còn cả các bậc phụ huynh bởi họ chính là người sẽ chăm lo cho sự an toàn của bé. Chiến dịch nhận thức cộng đồng này do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP), Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng phối hợp tổ chức.
Chương trình cũng đã sản xuất một đoạn phim tuyên truyền nhằm cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng kéo dài 3 năm có tên gọi “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm”. Đoạn phim tuyên truyền mang tên “Khi con lớn lên” được thực hiện với mục tiêu thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
“Tôi thật sự xúc động khi xem đoạn phim tuyên truyền trên. Là một người mẹ, tôi luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình và mong bảo vệ con khỏi những hiểm họa khôn lường của tai nạn giao thông. Hiện nay con tôi còn rất nhỏ nhưng khi bé lớn hơn, tôi chắc chắn sẽ đội mũ bảo hiểm cho bé khi tham gia giao thông bằng xe mô tô. Tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy có ý thức tuân thủ luật giao thông và giành tình yêu thương cho con mình bằng cách luôn đội mũ bảo hiểm cho con.” Hoa hậu Thuỳ Lâm nói.
Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người dân Việt Nam trong những năm gần đây là khá tốt, tuy nhiên vẫn còn những con số thực sự đáng lo ngại. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chi biết: “Trong khi tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn là khoảng 90% thì tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em rất thấp, chỉ khoảng 20-30%. Luật pháp đã quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm và UBATGTQG sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng trên toàn quốc về vấn đề này thông qua việc chỉ đạo và phối hợp với các bên liên quan để phát sóng đoạn phim tuyên truyền này tại 63 tỉnh, thành phố”.
“Các bậc phụ huynh vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy”, Chủ tịch Quỹ AIP, ông Greig Craft chia sẻ: “Đó là lý do chúng tôi muốn xây dựng đoạn phim tuyên truyền nhằm cảnh báo các bậc phụ huynh trước những hậu quả khôn lường do không đội mũ bảo hiểm cho con.
“Chúng ta cần phải hành động khẩn cấp vì cứ mỗi năm ở Việt Nam có hơn ba nghìn trẻ em bị chết và hàng chục nghìn em bị thương nghiêm trọng”, ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới nói. “Tổ chức Y tế Thế giới sẽ hỗ trợ Chiến dịch đạt được mục tiêu đề ra bằng cách giúp tăng cường việc cảnh sát giao thông tuần tra xử phạt các vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Các bậc cha mẹ cần phải biết rằng họ sẽ bị xử phạt nặng nếu không đội mũ cho con cái mình”, ông Kasai nói thêm.
“Khi con lớn lên” kể về câu chuyện của một bé gái thông minh với nhiều dự định và mơ ước cho một tương lai tươi sáng. Cô bé xinh xắn sống trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình. Vào một ngày cuối tuần, bố chở bé đi dạo phố bằng xe máy, khi qua ngã tư, mặc dù đã cẩn thận quan sát và đi đúng theo tín hiệu đèn giao thông, hai cha con bị một chiếc xe máy vượt đèn đỏ lao thẳng vào và gây ra tai nạn. Người cha may mắn sống sót nhờ đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, cô bé đã bị thiệt mạng do chấn thương vùng đầu khi bị văng ra khỏi xe. Chỉ vì sự chủ quan mà người cha đã phải trả giá bằng tính mạng của cô con gái thân yêu.
Đoạn phim tuyên truyền của Chiến dịch sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia. Ngoài ra, các pa-nô, áp phích cổ động việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng sẽ được đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các hoạt động tiếp theo bao gồm các cuộc thi trên mạng, các sự kiện cộng đồng và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông. Tất cả các hoạt động này sẽ được đánh giá để xác định mức độ hiệu quả của chiến dịch.
Phan Anh