Hoa hậu các dân tộc phải... “giành giật” thí sinh

(Dân trí) - Để có thí sinh, BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc phải "giành giật" họ khỏi những hủ tục, quan điểm cũ của bản làng. Nhiều gia đình không muốn cho con đi thi vì muốn "ở nhà làm cái nương, cái rẫy".

Trong buổi họp báo công bố chương trình “Festival Di sản Quảng Nam” và Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 năm 2013, đại diện đơn vị tổ chức đã chia sẻ những khó khăn xung quanh cuộc thi này. Bên cạnh những khó khăn thuộc về công tác tổ chức, điều khó khăn nhất của BTC (ban tổ chức) lại nằm ở các thí sinh. Bởi không như các cuộc thi sắc đẹp khác, ở cuộc thi này, để các thí sinh người dân tộc có thể tham gia dự thi, họ phải vượt qua rất nhiều “khó khăn và thử thách”, phải thuyết phục được người nhà đồng ý cho con gái của họ tham gia cuộc thi.

Các thí sinh của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013
Các thí sinh của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013

“Ở các cuộc thi nhan sắc khác, BTC chỉ việc chờ đợi thí sinh đến đăng ký tham gia, còn chúng tôi đã “nhắm” được thí sinh đẹp còn cần phải đến vận động họ tham gia cuộc thi, hoặc giúp họ thuyết phục gia đình. Mỗi dân tộc thiểu số đều có một phong tục, tập quán và quan điểm sống khác nhau. Nhiều người thích đi thi lắm, nhưng bị ba mẹ cấm, “phải ở nhà làm cái nương, cái rẫy...” người lại sợ con cái xuống thành phố rồi không về lại bản làng nữa, có người trước khi đi phải làm một lễ cúng ma lớn, để con ma của bản giữ người của bản...", đại diện BTC chia sẻ.

Năm nay, Hoa hậu các dân tộc sẽ được tổ chức tại Quảng Nam, theo như BTC công bố sau 2 tháng tuyển sinh, đã có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký tham dự thuộc 35 dân tộc đến từ 45 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, La Chí, Thái, Mường, Hoa, Sán Dìu, Khmer, K’Ho.... Hầu hết các thí sinh đều là sinh viên cao đẳng, đại học; rất nhiều thí sinh sở hữu chiều cao trên 1,7m, cá biệt có thí sinh có chiều cao tới 1,79m.

Đây là lần thứ 3 cuộc thi này được tổ chức, còn nhớ vào năm 2007, cuộc thi này đã gây được tiếng vang tốt khi tổ chức tại tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Lần thứ 2 năm 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh, và lần thứ 3 tại thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam vào tháng 6 năm 2013.

Các thí sinh của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013

Các người đẹp sẽ trải qua nhiều vòng thi để dành ngôi vị cao nhất với phần thưởng 100 triệu đồng, Vương miện Hoa hậu, kèm theo quà tặng và Bằng chứng nhận của Ban Tổ chức. Ngoài ra BTC còn trao giải Á hậu 1 gồm vương miện và giải thưởng bằng tiền mặt 50 triệu đồng, kèm theo quà tặng và Bằng chứng nhận của Ban Tổ chức. Giải Á hậu 2; vương miện và giải thưởng bằng tiền mặt: 30 triệu đồng kèm theo quà tặng và Bằng chứng nhận của Ban Tổ chức.

Các danh hiệu khác bao gồm: Người đẹp thân thiện, Người đẹp Quảng Nam, Người đẹp có trang phục dân tộc đẹp nhất, Người đẹp Thể thao, Người đẹp Áo Dài, Người đẹp Biển, Người đẹp Du lịch.

Phan Anh