Hồ Hoài Anh - Rất thích học hỏi

Khi ca khúc "Dẫu có lỗi lầm" và "Tình yêu muôn màu" của Hồ Hoài Anh ra mắt, nhiều khán giả thắc mắc về hành tung bí ẩn của tác giả. Và có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên khi phát hiện, anh lại gắn với nghiệp đàn bầu.

Anh đến với nhạc cụ này như thế nào?

Với tôi, đàn bầu là sự ngẫu nhiên, nhưng cũng là sự tự nhiên như nó phải thế. Mẹ tôi là Thanh Tâm, giáo viên dạy đàn bầu ở Nhạc viện, đã thu khá nhiều CD. Vì thế, lên 8 tuổi tôi bắt đầu được làm quen với nó. Tôi đã tham gia khá nhiều vào các cuộc thi và từng một lần đoạt giải nhất Độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Giờ đây, như định mệnh, tôi trở thành giáo viên dạy đàn bầu.

Học đàn bầu, vậy anh bắt đầu sáng tác như thế nào?

Dẫu có lỗi lầm ra đời như một lời chuộc lỗi, một sự nịnh đầm mối tình đầu của mình khi cô ấy giận dỗi. Và đó là những cảm xúc rất riêng, rất chân thật và giàu kỷ niệm. May mắn là giờ đây, ca khúc này được khá nhiều ca sĩ ghi âm và khán giả ưa thích. Tôi là thế, rất thích học hỏi, thấy người ta đánh piano thì cũng mày mò chơi một tí, thấy người ta sáng tác thì cũng "tập tọng" thử vài bài, lại thấy trào lưu lập boyband thì cũng chơi tới bến luôn. Vẫn đi sâu vào chuyên môn, nhưng tôi thực sự muốn mở mang kiến thức về các lĩnh vực nghệ thuật liên quan.

Ban nhạc Giao Thời để lại kỷ niệm gì trong anh?

Ngày ấy, tôi được "phân công" làm thủ lĩnh ban nhạc với các thành viên Anh Tú, Hoàng Hiệp, và anh Thành giờ là "đầu tàu" của Big Toe. Chúng tôi tập luyện rất hăng, nhảy nhót loạn cả lên, bụi bặm và "nhí nhảnh con cá cảnh" lắm, thật trái ngược với khi tôi biểu diễn đàn bầu, áo quần xúng xính, xanh xanh đỏ đỏ. Những đêm hát tại các tụ điểm khiến tôi cảm thấy mình năng động hơn hẳn, và đó cũng có thể coi là cần "câu cơm" chính đáng của một người trẻ lắm nhiệt huyết.

Điều gì khiến anh tự tin khi thu âm hai ca khúc viết bằng tiếng Anh của Trần Hoàng Nam "Making a road" và "Mabuhai - We are the Winners"?

Đơn giản bởi tôi cảm thấy ấn tượng với hai tác phẩm đó, nó mang tính đại diện cho lớp trẻ sung sức, tự tin và đầy hy vọng. Ca khúc Mabuhai được Hoàng Nam và nghệ sĩ Duma của Phillippines viết nhằm cổ vũ cho các vận động viên tham dự SEA Games 23. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu ca khúc này được vang lên trong sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á sắp tới. Trước đó, Making a road cũng được giới thiệu tại VN qua chương trình "Đêm Việt Hàn" với sự góp mặt của ngôi sao Hàn Quốc Sol Ji Suk.

Anh cảm thấy thế nào khi mọi người biết đến anh ở lĩnh vực sáng tác nhiều hơn, trong khi đàn bầu mới là sở trường?

Đó là do các bạn trẻ ngày nay không quan tâm lắm đến các nhạc cụ dân tộc, chứ thực ra, tôi vẫn đi biểu diễn rất nhiều ở nước ngoài và nhận được sự cổ vũ của giới nhạc quốc tế. Một năm, tôi thường xuất ngoại đến 6-7 lần, đi các nước châu Âu, châu Á biểu diễn. Tôi từng tham gia trình diễn cùng một ban nhạc chơi world music, rồi cùng biểu diễn trong một ban jazz quốc tế ở Festival jazz ở Đan Mạch. Ngoài ra, trong chương trình Đường xa vạn dặm năm 2004 của nhạc sĩ Quốc Trung, tôi cũng có tham gia, nhưng tiếc là trong dự án mới của anh Trung, tôi lại bận đi lưu diễn.

Vậy trong tương lai, world music sẽ có ý nghĩa như thế nào trong kế hoạch phát triển của anh?

Tôi cũng đã tự tổ chức một show cho riêng mình, diễn ở Nhà hát Lớn hẳn hoi và thu âm. Nhưng để có được những chương trình như thế chẳng hề đơn giản, bởi nó khá cầu kỳ và đòi hỏi sự đầu tư cả về tiền bạc và con người. Để có một show đúng ý mình, có thể phải tập luyện hàng mấy tháng trời, thuyết phục mọi người tập cùng với mình đã là cả một sự khó khăn. Hiện tại, tôi đang tập trung với công tác biên tập album. Sản phẩm đầu tay của tôi sẽ là album của Lưu Hương Giang, ca sĩ dự thi Sao Mai Điểm hẹn 2004.

Vì sao anh quyết định đầu tư cho Lưu Hương Giang?

Ở Giang, tôi thấy cô ấy có một sự nhiệt huyết lớn và điều đó thực sự quan trọng với một ca sĩ trẻ. Rock alternative là một thể loại mà người ca sĩ thể hiện phải có một chút "diễn" và tôi thấy Giang có những tố chất đó.

 Theo Ngôi Sao