"Hạnh phúc của mẹ" - Bộ phim nhân văn, khoa học về những trẻ tự kỷ

(Dân trí) - Không chỉ lấy đi nước mắt người xem bằng câu chuyện xúc động của mẹ Tuệ và bé Tim, bộ phim còn khắc họa chân thực cuộc sống của những gia đình có con không may mắc hội chứng tự kỷ dưới lăng kính khoa học đầy nhân văn.

Hướng máy quay vào hành trình của hai mẹ con ở làng chài nghèo ven biển, bộ phim khiến khán giả khóc cười theo nhân vật bằng câu chuyện nhẹ nhàng, cảm xúc về tình mẫu tử. “Hạnh phúc của mẹ” của nhà sản xuất Bá Cường và đạo diễn Huỳnh Đông là bộ phim điện ảnh đầu tiên khắc họa một đề tài khá mới và gai góc: cuộc sống của một đứa trẻ tự kỷ.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, tình thương của người mẹ không chỉ dừng lại ở những lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày, mà còn là chuỗi ngày đồng hành bên con như bóng với hình, không phút ngơi nghỉ…

Hành trình ấy đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả, nhưng ít ai biết phía sau đó là cả một nỗ lực to lớn của đoàn phim để diễn tả hội chứng tự kỷ của bé Tim một cách khoa học, chân thực nhưng đầy nhân văn.

53891016_260928961520516_4261725138187190272_n.jpg

Câu chuyện về hành trình của mẹ Tuệ và người con mắc hội chứng tự kỷ Tim lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem.

Bé Tim chính là một trong những điểm sáng lớn nhất của bộ phim, từ ánh mắt nhút nhát, thăm dò, nhiều khi nhìn xa xăm, vô định; tới sự chậm chạp trong việc thể hiện ngôn ngữ, cử chỉ. Trải dài suốt dọc phim, Tim chỉ nói được một từ “Tuệ” cho bất kỳ câu hỏi nào của mẹ, để đến khi em nói được từ “hoa” là sự vỡ òa của mẹ Tuệ và khán giả…

Dù không có cuộc sống bình thường như bạn bè cùng trang lứa, bị nhìn bằng ánh mắt hoài nghi, dè chừng, Tim vẫn sống hiền lành và có đam mê, ước mơ không thua kém những đứa trẻ khác.

Để diễn tả chân thực như vậy, nhà sản xuất bộ phim đã rất nhiều lần tới một trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ tự kỷ để cùng sống, cùng chơi, cùng học và trải nghiệm với các em. Đoàn phim tận mắt chứng kiến những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ tập nói, giao tiếp với người khác; trò chuyện với các chuyên gia để hiểu lý giải khoa học về tự kỷ, hiểu cách nhìn nhận của cộng đồng với các em.

Đặc biệt hơn, biên kịch cùng đạo diễn đã tham khảo rất nhiều lần ý kiến của các thầy cô trực tiếp tiếp xúc hàng ngày suốt bao năm qua với trẻ tự kỷ để chỉnh sửa kịch bản nhiều lần từng chi tiết nhỏ. Để rồi kết quả, trong bộ phim đưa đến cho khán giả những tình huống miêu tả cực kỳ chân thực một trẻ tự kỷ của bé Tim như ánh mắt, cách giao tiếp, suy nghĩ, hành động...

54390819_2309198292695004_5839387615236718592_n.jpg

Sự đầu tư tìm hiểu kỹ càng của nhà sản xuất cùng diễn xuất chân thực của bé Huy Khang (vai Tim) góp công lớn làm nên sự xúc động của cả bộ phim.

Thạc sĩ Tạ Thị Đào, Giám đốc chuyên môn của trung tâm giáo dục Thành Nhân, người trực tiếp hỗ trợ kiến thức khoa học, thực tế về trẻ tự kỷ cho đoàn phim chia sẻ: “Bé Tim trong phim đã khắc họa chân thực tới 99% một trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở ngoài đời, từ ánh mắt, cách trò chuyện, giao tiếp,...

Tôi rất xúc động vì điều đó, trong bối cảnh số trẻ tự kỷ ngày càng tăng, thì một bộ phim ý nghĩa như vậy sẽ giúp xã hội có cái nhìn chính xác, đầy đủ và thấu hiểu hơn, đúng như thông điệp phía cuối bộ phim đưa tới. Tự kỷ là một hội chứng của trẻ em, nó không phải là bệnh, và trẻ tự kỷ luôn cần gấp đôi gấp ba tình yêu của gia đình và cộng đồng, cũng như tình thương cao cả của mẹ Tuệ dành cho Tim vậy!”.

Với sự đầu tư nghiêm túc và tâm huyết, khắc họa chân thực và nhân văn về trẻ tự kỷ với những tham khảo khoa học chính xác, “Hạnh phúc của mẹ” đã xây dựng cực thành công hình ảnh bé Tim, từ đó góp phần lấy đi bao nước mắt của khán giả dọc theo câu chuyện cảm động của hai mẹ con.

Bộ phim về cậu bé tự kỷ sẽ là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn xem phim cùng gia đình và người thân. Phim đang được công chiếu tại khắp các cụm rạp trên toàn quốc.

Hà Thanh