GS Hoàng Ngọc Hiến qua lời kể của các học trò
(Dân trí) - Tối 4/7, tại trung tâm Văn hóa Pháp đã diễn ra buổi tri ân GS Hoàng Ngọc Hiến với sự góp mặt của rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ... từng là học trò hoặc là người ngưỡng mộ cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.
Trước giờ tọa đàm, Hà Nội mưa lớn, những tưởng sẽ làm nhụt lòng những người đến tham dự, nhưng không, khán phòng nơi diễn ra tọa đàm vẫn chật kín chỗ ngồi. Đến tham dự tọa đàm, không chỉ có những bạn văn, những người anh em, những người học trò của người giáo sư, người thầy Hoàng Ngọc Hiến, mà còn có nhiều cơ quan báo đài, nhiều gương mặt trẻ có, già có là những người quan tâm và kính phục những đóng góp của thầy cũng đều có mặt đúng giờ.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1930 tại phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học kết hợp với Tây học, có lẽ vì thế mà ông có thể tiếp cận một cách dễ dàng những kiến thức từ cả lý trí của phương Tây và trực giác cũng như tâm linh của phương Đông.
Năm 1959, ông là một trong năm người được cử đi làm luận văn tiến sĩ về văn học Nga tại trường Đại học tổng hợp Mát-xcơ-va, Liên Xô cũ; và ông cũng là một trong năm người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn học lúc bấy giờ.
Năm 1979, ông thành lập trường Viết văn Nguyễn Du và giữ cương vị Hiệu trưởng trong nhiều năm liền tại đây. Đến tận lúc gần cuối đời, ông còn cùng với giáo sư Nguyễn Khắc Mai thành lập nên Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt năm 2007. Ông mất do bạo bệnh vào đêm khuya ngày 24/1/2011.
Nói về Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là nói về một con người có nhiều danh xưng, nhà giáo, nhà phê bình, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu…, ở tên gọi nào thì giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cũng có những đóng góp sâu rộng. Chẳng vậy mà giáo sư Phạm Vĩnh Cư - người học trò yêu của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong buổi tọa đàm ngày 4/7 vừa qua đã khiêm nhường nói: “Tôi không phải là Giáo sư, tôi không phải như anh Hoàng Ngọc Hiến, được bạn bè trong nước và quốc tế thán phục, tôn vinh là Giáo sư, tôi cùng lắm, chỉ đáng là Phó Giáo Sư thôi, chưa xứng đáng là Giáo sư”.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến để lại cho đời hơn 30 công trình nghiên cứu hoàn chỉnh gồm nhiều tiểu luận, khảo cứu, sách dịch, chuyên đề… và còn rất nhiều bản thảo còn dang dở. Ông được biết đến như một người chuyên đặt câu hỏi, chuyên gây tranh cãi. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai hiện đang là Giám đốc trung tâm Minh triết Việt chia sẻ: “Hoàng Ngọc Hiến là con người của những câu hỏi, mà lại là câu hỏi đúng. Cái bất hạnh của con người là hay hỏi những câu hỏi sai, rồi dẫn đến câu trả lời sai. Nhưng, Hoàng Ngọc Hiến thì luôn hỏi đúng.”
Ngoài những diễn giả chính được mời đến tham dự tọa đàm là GS Phạm Vĩnh Cư; GS Nguyễn Khắc Mai; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo; nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy; TS Trần Thu Dung, dưới sự chủ tọa của nhà văn Đà Linh thì còn rất nhiều những diễn giả “tự nguyện” khác, là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trọng tài trọng tấm lòng của GS Hoàng Ngọc Hiến có mặt tại sự kiện này.
Những diễn giả “tự nguyện” như là nhà văn Đặng Thân, nhà văn Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình Lại Nguyên Ân, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Văn Chinh, nhà thơ Hữu Thỉnh… đã đem đến tọa đàm những tham luận chi tiết của mình về GS Hoàng Ngọc Hiến, nhưng do khuôn khổ chương trình bị hạn chế về thời gian, những tham luận này biến thành câu chuyện của những chia sẻ, những kỉ niệm đáng nhớ về vị GS này.
Đối với người diễn giả nào thì cũng là những người không hàm ơn trực tiếp GS Hoàng Ngọc Hiến thì cũng là những người hàm ơn gián tiếp ông. Bởi vậy, đối với họ, mỗi kỷ niệm với ông đều đáng quý, đáng trân trọng, chẳng thể nào quên trong suốt cuộc đời của họ. Trước những lời phát biểu của các diễn giả, bà Nga, vợ của GS Hoàng Ngọc Hiến chỉ ngồi lặng im nghe. Riêng đến khi nhà thơ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đọc bài thơ phú của ông về GS Hoàng Ngọc Hiến, những giọt nước mắt của bà lặng lẽ rơi trên hai khóe mắt đã đủ nhăn nheo vì tuổi già.
Trong cuộc đời nghiên cứu của GS Hoàng Ngọc Hiến, có lẽ điều gây nhiều sóng gió cho bản thân ông nhất, chính là định nghĩa “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Kể từ khi ông công bố định nghĩa này trên văn đàn, cuộc đời của ông gặp nhiều thăng trầm. Có ý kiến cho rằng, nếu ông không công bố định nghĩa này ra, có lẽ, sự nghiệp của ông còn có nhiều danh lợi và địa vị hơn nữa; trái lại, cũng có ý kiến không đồng tình, cho rằng, chính nhờ cái định nghĩa “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” ấy mà GS Hoàng Ngọc Hiến mới có được tiếng vang lớn như ngày hôm nay.
Nói về những bản dịch của GS Hoàng Ngọc Hiến, không ai không thừa nhận những bản dịch ấy vừa đậm chất thuần Việt, vừa gãy gọn, khúc triết, lại hết sức tương đồng với bản gốc. Nhiều thế hệ dịch giả tìm đến những hướng dẫn cũng như những kiến thức dịch thuật mà ông chia sẻ qua nhiều nguồn khác nhau. Nhiều người dù không học ông ngày nào, cũng gọi ông bằng danh xưng tôn kính: Thầy Hoàng Ngọc Hiến.
Người học trò khóa 1 hết sức yêu quý gia đình GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: "Chúng ta còn phải tiếp tục vẽ chân dung về GS Hoàng Ngọc Hiến bởi GS Hoàng Ngọc Hiến tiêu biểu về nhiều phương diện”. Quả vậy, chẳng thể nói GS Hoàng Ngọc Hiến tiêu biểu ở một phương diện đơn lẻ nào, mà trong tất cả những lĩnh vực ông tham gia, ông đều là một cá nhân xuất chúng. Có lẽ chỉ có thể nói GS Hoàng Ngọc Hiến là một học giả lớn của Việt Nam đương đại".
Trước câu hỏi của một bạn trẻ dành cho GS Nguyễn Khắc Mai về việc các nhà nghiên cứu sẽ làm gì để tiếp nối những công sức của GS Hoàng Ngọc Hiến để lại, ông trả lời một cách chân thành nhất có thể: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chứ, nhưng chúng tôi gửi gắm, nhờ cậy các bạn trẻ hãy cùng nhau nghiên cứu những điều còn dang dở mà Hoàng Ngọc Hiến để lại”.
GS Hoàng Ngọc Hiến đã sống một đời cống hiến cho những nghiên cứu, những công trình của mình. Đến lúc cuối đời, bệnh tật cũng chẳng thể làm ông nao núng vào phút lâm chung. Nhà thơ Hữu Thỉnh, người học trò duy nhất ở bên cạnh GS lúc chia xa nghẹn ngào: “Phút lâm chung của người sắp ra đi sao lại thanh thản đến như vậy. Gương mặt ông hiện lên đầy đủ chân dung của một con người thanh thản, biết mình là thế nào, đời là thế nào. Có lẽ, thầy không bao giờ phải đi tìm câu hỏi mình là ai, đời là gì cả”.
Buổi tọa đàm kết thúc với lời chia sẻ của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy. Một phần nào đó, những người bạn, người anh em, người học trò của GS Hoàng Ngọc Hiến đã thỏa lòng khi được cùng ngồi lại bên nhau tri ân công lao của người bạn, người anh em, người thầy Hoàng Ngọc Hiến, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của riêng mỗi người, mà trong đó, nhân vật trung tâm vẫn cứ luôn là GS Hoàng Ngọc Hiến.
Hơn 2 giờ diễn ra tọa đàm dường như là không đủ để họ bàn luận, để học trò chuyện với nhau, trò chuyện cho những người tham gia tọa đàm nghe, biết, và hiểu thêm phần nào về người thầy, người giáo sư đáng kính Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng, ai ai cũng hiểu sâu sắc thêm về sự dụng công, về mong muốn con người ta ngày một lương thiện, tử tế. Bởi suy cho cùng, người tử tế là người mà ông luôn muốn tìm đến.
Bình Yên