1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Giới trẻ Việt và đam mê ca trù

(Dân trí) - Trong đêm trình diễn nghệ thuật ca trù của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, những khán giả trẻ tuổi chiếm số lượng không nhỏ trong khán phòng. Điều này cho thấy sức hút to lớn của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này với khán giả trẻ.

Ca trù là bộ môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Sự thuần khiết nghệ thuật đòi hỏi người làm nghề những nghị lực phi thường. Nhắc đến ca trù Việt Nam, không thể không nhắc đến nghệ nhân Phó Thị Kim Đức - đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên - Hà Nội xưa.

Vừa qua tại trung tâm giao lưu Văn hóa Pháp đã diễn ra buổi trình diễn nghệ thuật ca trù của Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức cùng với các truyền nhân của mình. Buổi biểu diễn được sự trông đợi lớn của nhiều cơ quan báo chí và đông đảo người hâm mộ. Trước khi chương trình diễn ra khoảng 20 phút, khán phòng nơi diễn ra buổi trình diễn đã chật kín, không còn một chỗ trống nào, kể cả phía cầu thang đi lại 2 bên. Những người đến muộn đã phải ngậm ngùi ra về vì không thể vào trong.

Nghệ nhân Kim Đức
Nghệ nhân Kim Đức

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức sinh ra và lớn lên trong một gia đình nổi tiếng của nghệ thuật ca trù (cụ thân sinh ra bà là quản ca của giáo phường Khâm Thiên - Hà Nội xưa), học hát từ năm 7 tuổi, đi hát ca trù từ năm 13 tuổi, bà cũng là một danh ca hát chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau khi về hưu, với lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật ca trù, bà đã dày công nghiên cứu các bài bản của ca múa nhạc của nghệ thuật ca trù, đúc kết những tinh hoa nghiên cứu của mình thành một khuôn mẫu, từ đó cùng với khả năng sư phạm của mình, tổng hợp thành một giáo trình giảng dạy âm nhạc đầy đủ và chi tiết của loại hình nghệ thuật này.

Trong đêm diễn của Nghệ nhân Kim Đức, ngoài những tên tuổi nghệ sĩ ca trù đã được biết đến như NSƯT Đặng Công Hưng - nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Đoàn Thanh Bình - Giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh, NSND Nguyễn Xuân Hoạch - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, NSƯT Vũ Ngọc - nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Quan viên Đàm Quang Minh còn có sự tham gia của hai truyền nhân còn rất trẻ của bà: Ca nương Phó Hà My và Nguyễn Khánh Linh.

Những ca nương trẻ là sự kế thừa cần phải có của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này
Những ca nương trẻ là sự kế thừa cần phải có của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này

Không gian biểu diễn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và các truyền nhân của mình được bố trí theo đúng chuẩn mực của không gian Hát cửa đình khi tái hiện hình ảnh hai con hạc hai bên, ở giữa là bàn thờ, trung tâm của sân khấu là nơi biểu diễn. Toàn bộ khung cảnh biểu diễn này toát lên vẻ trang trọng và linh thiêng vốn có của nghệ thuật ca trù cổ xưa. 

Có 6 tác phẩm đã được biểu diễn, phần nhạc do Kép đàn NSND Xuân Hoạch, trống chầu Quang Minh và Vũ Ngọc thể hiện; bao gồm Bắc Phản và Tràng An hoài cổ do ca nương Phó Hà My biểu diễn; Hồ Tây do ca nương Nguyễn Khánh Linh; Bút huê thảo và Tiếng dương chanh do đào nương, NSƯT Đoàn Thanh Bình; tác phẩm Tỳ bà hành được biểu diễn bởi nghệ nhân Phó Thị Kim Đức.

Dù đã ở vào tuổi 82, nhưng giọng hát lời ca của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức vẫn đầy nội lực. Với sự biểu diễn xuất sắc của các truyền nhân của mình, có thể nói, buổi biểu diễn này chính là lời tri ân của những người học trò dành cho người thầy, người nghệ nhân đáng kính không chỉ của riêng họ mà còn của cả nền ca trù Việt Nam.

Những ca nương trẻ là sự kế thừa cần phải có của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này

Chia sẻ về cảm xúc sau khi xem buổi biểu diễn, khán giả Thu (22 tuổi, SV HVQHQT) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi xem ca trù, dù thấy rất lạ và tôi không thể hiểu hết lời ca của các nghệ sĩ, nhưng thực sự tôi cảm nhận được tình yêu nghề của họ, và đặc biệt là sân khấu được chuẩn bị rất chu đáo. Tôi hoàn toàn bị thu hút vào buổi biểu diễn”.

Cùng là một người trẻ đến xem buổi biểu diễn “Ca trù đàn hát khuôn”, bạn Ngọc Ánh (SV năm 2 Đại học Văn Hóa) cho biết: “Đã nhiều lần tôi được xem ca trù, nhưng đây là buổi biểu diễn để lại cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Tôi cũng đã từng đến những nơi dạy ca trù, có những em bé từ lớp 1, lớp 2 đã tham gia học hát ca trù rồi nên tôi thấy nếu có tác động đúng đắn thì tôi tin tưởng rằng các bạn trẻ như tôi cũng sẽ đến với ca trù, chắc chắn nét nghệ thuật văn hóa này sẽ được duy trì”.

Đêm diễn đã rất thành công
Đêm diễn đã rất thành công

Cùng quan điểm với Ngọc Ánh, anh Quốc Đạt (ở Đội Cấn) cho biết thêm: “Tôi thấy buổi biểu diễn rất hay, được chuẩn bị công phu, chu đáo. Ca trù theo tôi không cần phải hiểu mà ta cần nghe sự hòa hợp giữa âm điệu của tiếng đàn, trống, tiếng phách cùng tiếng hát của ca nương. Tôi thấy người đến xem rất nhiều người tầm trung tuổi, thế hệ 7X cũng có thể được gọi là trẻ. Vấn đề ở đây không phải là phân biệt giới trẻ mà là thái độ của mình khi tiếp thu nghệ thuật, tiếng thu cái đẹp, cái hay như thế nào”. 

Nghệ thuật hát ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ tháng 10/2009. Để giữ gìn cho nghệ thuật hát ca trù này được trường tồn có lẽ không chỉ cần có sự góp sức của riêng các nghệ nhân, truyền nhân, mà còn cần sự góp sức của những người yêu nghệ thuật nói chung, yêu ca trù nói riêng nữa. 

 
Bình Yên
Ảnh: Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm