1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Giải Vàng cho "Áo lụa Hà Đông": Khuất tất hay đố kị?

Chưa có năm nào, <a href="http://dantri.com.vn/giaitri/2007/5/177809.vip">giải Cánh Diều Vàng</a> lại gây tranh cãi và “ầm ĩ” như năm nay. Hãy lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc về việc trao hai Cánh diều vàng cho “Áo lụa Hà Đông” và “Hà Nội, Hà Nội”.

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: “Ai muốn kiện thì cứ cho họ kiện”  

 

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn tỏ ý nghi ngờ chuyện mua bán giải Cánh diều vàng. Chúng tôi đã liên lạc với ông để trao đổi về vấn đề này.

 

Có người cho rằng, nếu nhận xét giải năm nay không minh bạch mà ông không đưa ra được chứng cứ, thì ông sẽ bị họ kiện?

 

Ai muốn kiện thì cứ cho họ kiện. Nếu mọi chuyện đúng pháp luật, đúng tình, đúng lý mà họ kiện thì là tôi sai. Tất nhiên, nghi ngờ chưa phải là vu cáo nhưng có thể xúc phạm người ta, nhưng bất cứ công dân nào cũng có quyền nghi ngờ khi thấy một hiện trạng không minh bạch. Vì thế, bây giờ chúng ta phải xét xem mọi chuyện có minh bạch không. Nếu không minh bạch, nghĩa là nghi ngờ của tôi có lý.

 

Thứ nhất, tin chính xác mà một số thành viên đã xác minh được là: Cuộc bỏ phiếu có 5 phiếu chấm cho Hà Nội, Hà Nội và 4 phiếu cho Áo lụa Hà Đông. Như vậy, về số phiếu đã không có sự minh bạch. Thứ hai, xét về quy chế của giải chỉ có một Vàng. Vậy trao hai giải Vàng đã là sai quy chế, tức là cũng không minh bạch.

 

Tôi không chỉ ra ai mua bán ở đây nhưng trên những thực tế không minh bạch như thế, tôi vẫn có quyền được nghi ngờ.

 

Ông nghĩ thế nào khi có người nhận xét, ông phanh phui những điểm đáng ngờ phía sau Cánh diều vàng năm nay chỉ là do đố kị?

 

Về mặt danh nghĩa, hiện tôi không đứng trên một chỗ dựa nào và không theo phe nào để bảo vệ cho ai cả. Bản thân tôi cũng không đụng chạm quyền lợi với bất kì ai để thù hằn. Tôi chỉ nói sự thật mà, sự thật ở đây cũng là theo luật thôi. Đáng ra, người ta phải tôn trọng quy chế và làm theo luật, nhưng người ta đã không làm đúng như thế thì tôi phát biểu thôi.

 

Nhưng họ nói là trao giải cho “Áo lụa Hà Đông” là để khuyến khích phim nội. Việc này có hợp lý?

 

Không! Vĩnh viễn không nên! Ở đây có vấn đề rất rõ ràng là khi đã lập một giải thưởng và có Hội đồng giám khảo, nghĩa là phải tôn trọng tính pháp lý và tình cảm phải đưa ra ngoài. Và hơn nữa đây là giải của hội nghề nghiệp thì tính nghề nghiệp, yếu tố pháp lý phải được đặt lên mức tôn trọng hàng đầu.

 

Như vậy trong trường hợp này một phim 5 phiếu, một phim chỉ 4 thì phải trao giải vàng cho phim có 5 phiếu. Luật quá bán này cũng được ghi trong quy định của BGK. Và nếu cả hai phim đều không quá bán thì cả hai phải được giải bạc. Lần này người ta đã xuê xoa điều này để làm sai luật.

 

Giải Vàng cho "Áo lụa Hà Đông": Khuất tất hay đố kị? - 1
Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn

 

Nếu những điểm đáng ngờ của giải lần này là đúng sự thật, theo anh, Hội nên làm gì?  

 

Tôi nghĩ, những sơ hở pháp lý như trên khiến tính pháp luật trong giải năm nay không được cao. Trong khi xét về nghề, tôi thấy Áo lụa Hà Đông cũng rất nhiều lỗi. Vì thế tôi nghĩ cần phải công nhận để khắc phục trong những phim khác sau này.

 

Tôi không phủ nhận vai trò của phim tư nhân nhưng phải dũng cảm khắc phục mà không vỗ ngực khen hay, nếu không sẽ lại rơi vào bi kịch của phim nhà nước như trước đây.

 

Đạo diễn Việt Thanh, thành viên BGK: Nghĩ như thế là quá đố kị!

 

Bà Hồng Ngát - Trưởng BGK phim truyện nhựa đã nhận xét, “Áo lụa Hà Đông” năm nay có “sạn” thật nhưng còn hơn chán phim đã từng được trao giải Vàng trước đây. Như vậy nghĩa là, chất lượng của những phim “Vàng” trước đây không được cao?

 

Nếu năm nay Áo lụa Hà ĐôngVõ lâm truyền kỳ không tham dự giải thì sẽ buồn đến thế nào? Vì thế, theo tôi vai trò đóng góp của phim tư nhân năm nay là rất lớn và đáng kể.

 

Là thành viên BGK, ông giải thích thế nào nếu có người nhận xét đã có sự không minh bạch và không đúng luật khi xét giải Vàng năm nay?

 

Hãng phim Phước Sang cũng đã phát biểu, họ sẽ trả lại giải nếu không xứng đáng. Nếu ai đó chê Áo lụa Hà Đông, thì tôi lại thấy phim đó tuyệt vời.

 

Tại sao một bộ phim đã được trao giải tại Liên hoan phim Pusan (Hàn Quốc) và đã làm cho cả giới học sinh và sinh viên TPHCM rung động mà lại không thể đoạt giải, so với một phim chưa được công chiếu rộng rãi như Hà Nội, Hà Nội?

 

Nếu ai nói chúng tôi có gì đó không minh bạch, mà không đưa được chứng cứ, nghĩa là đang xúc phạm chúng tôi một cách trắng trợn. Nếu người nói không đưa được chứng cứ thì sẽ bị kiện ra toà đấy. Và nghĩ như thế là quá đố kị!

 

Nhưng nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc can thiệp vào phút chót để thêm giải Vàng là không tôn trọng quyết định Ban giám khảo?

 

Trước khi vào giải, chúng tôi đã nói với nhau, hãy vì sự tiến bộ của nghề và đừng nên đố kị quá. Tôi thấy sự điều chỉnh vào phút chót như thế này là hợp lý và tỉnh táo, bởi Áo lụa Hà Đông là phim tốt.

 

Từ trước đến nay, đã từng có những cuộc điều chỉnh vào phút chót tương tự thế này?

 

Từ trước đến nay, sự can thiệp vào phút chót của Ban thường vụ không nhiều. Tôi đã làm BGK nhiều lần và thông thường, những cuộc điều chỉnh đó là để có những quyết định tốt hơn mà thôi.

 

BGK có quyền tối thượng không? Hay quyền cuối cùng vẫn phải là Ban thường vụ?

 

Theo tôi, BGK nên có quyền. Nhưng sự điều chỉnh này nằm ở quy chế của Việt Nam. Và mỗi lần chấm, quy chế đó được điều chỉnh sao cho thích hợp chứ không nhất nhất giống nhau.

 

Đạo diễn Lê Hoàng: Việc trao hai giải Vàng là lố bịch

 

Giải Vàng cho "Áo lụa Hà Đông": Khuất tất hay đố kị? - 2
Đạo diễn Lê Hoàng

 

Tôi chưa xem phim Hà Nội, Hà Nội nên không thể đưa ra so sánh với Áo lụa Hà Đông. Nhưng nhìn trên mặt bằng chung của phim năm nay thì việc trao hai giải Vàng là quá nhiều, nếu như không muốn nói đó là lố bịch. Từ lâu, tôi đã không còn quan tâm đến cái giải này rồi. Bởi vì nó không có tiêu chí rõ ràng, cũng không có một chủ đề cụ thể cho mỗi năm nên việc gửi tác phẩm dự giải cũng cực kỳ lộn xộn.

 

Tôi biết rằng “truyền thống mua bán” không phải là không có, rồi những điều tiếng xung quanh giải... từ trước đó. Một giải mà chính BGK cũng nói có 5 người bỏ phiếu cho Hà Nội, Hà Nội và chỉ có 4 bỏ cho Áo lụa Hà Đông mà vẫn trao hai giải ngang nhau thì chắc chắn là “gian” rồi.

 

Nếu gọi đó là sự “linh động” để động viên những người làm nghề trong nước và khuyến khích sự hợp tác thì tôi cho là, BGK đã không hiểu nghề và không tôn trọng những người làm nghề khác.

 

NSƯT Minh Châu, thành viên BGK: Không được phép “linh động”

 

Tôi chỉ có thể chắc chắn một điều rằng, BGK đã làm việc hết sức công tâm nhưng còn kết quả như thế nào thì có trời mới biết được. Sở dĩ có sự nghi ngờ, theo tôi là bởi vì từ trước đến nay chúng ta làm việc cứ như thế nào ấy, nên bất cứ giải nào cũng có những thắc mắc. Nếu đúng là giải có sự mua bán thì thực sự là tôi rất buồn. 

 

Giải Vàng cho "Áo lụa Hà Đông": Khuất tất hay đố kị? - 3
Diễn viên Minh Châu

 

Nhưng bản thân BGK chúng tôi đã làm việc hết sức công tâm. Một giải thưởng lớn như thế này mà có sự “linh động” trong cách chấm thì theo tôi là không đúng, thậm chí không được phép “linh động”. Tôi có thể rất ghét một cá nhân đạo diễn nào đó, nhưng khi đã được BTC tín nhiệm trao cho cái quyền được cầm cân nảy mực thì cũng không được phép để cho tình cảm cá nhân ấy len lỏi vào.

 

Mình chấm là chấm tác phẩm, năng lực của người ta chứ đâu phải đánh giá phẩm chất của họ? Nếu có chuyện gì xảy ra thì chỉ có thể nói là BGK kém khi không đánh giá đúng tầm tác phẩm của đạo diễn, chứ không thể nghi ngờ chúng tôi không đàng hoàng, thiên vị gì được.

 

Còn việc có những ý kiến này nọ xung quanh 2 giải Vàng, tôi cho là cũng bình thường. Đến giải quốc tế như Oscar còn có nhiều khen chê khác nhau nữa là. Bản thân tôi khi xem những phim đoạt Oscar cũng thấy có nhiều phim không hay, chưa đạt. Nói như vậy để thấy rằng việc đánh giá, khen chê là vô cùng, không thể có những ý kiến đồng nhất được.

 

Nếu có việc “mua bán” thì phải tìm hiểu nhiều vấn đề khác nữa chứ, bản thân BGK thì tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đã làm việc hết sức khách quan.

 

Theo Gia Đình & Xã Hội