“Giấc ngủ đông” kéo dài của sân khấu phía Bắc
(Dân trí)- Hàng chục năm nay, sân khấu phía Bắc đã chìm vào… “giấc ngủ đông”. Đã qua rất xa những ngày sân khấu sáng đèn rộn rã. Sân khấu phía Bắc thoi thóp bước vào thời kinh tế thị trường. Để tồn tại, sân khấu chấp nhận dựng tiểu phẩm hài để bán vé.
Cho đến bây giờ, khi nói đến sân khấu, Lê Khanh vẫn rưng rưng với từng vai diễn của chị. Anh Tú vẫn ấp ủ những dự án, những vở diễn, những kế hoạch không mệt mỏi với sân khấu, cho dù, sân khấu đã rơi vào khó khăn cả chục năm nay. Đừng nhìn vẻ bề ngoài của Chí Trung, anh mải mê diễn hài, anh chạy sô, anh đóng quảng cáo, anh làm đủ nghề, những năm nghèo khó, Chí Trung còn là một con buôn, đứng bán hàng ở chợ giời… Tất cả những công việc ấy chỉ là cách để Chí Trung nuôi nghề, chỉ là cách để anh có thể trở về với sân khấu hàng đêm. Chí Trung từng nói, “Đã có thời nghệ sỹ vất vả đến rơi nước mắt. Nhà hát tôi mỗi người mỗi nghề. Người đi bán hàng ở chợ giời (như tôi), người bán quần áo, người buôn giày dép… Nhưng chúng tôi vẫn bám trụ với sân khấu. Sau một ngày mưu sinh vất vả, chúng tôi hạnh phúc bước lên sân khấu, lại hạnh phúc khoác lên mình xiêm áo của ông hoàng bà chúa, lại khóc cười cùng các nhân vật… Để sau khi trút bỏ xiêm áo lộng lẫy, lại vật vã với mưu sinh “cơm áo gạo tiền””.
Có những thời vất vả như thế, nhưng khi nhớ lại, những nghệ sỹ như Chí Trung, Lê Khanh, Anh Tú… vẫn hạnh phúc, bởi họ đã từng được sống với sân khấu thực sự. Những năm cuối 80 đầu 90 thế kỷ trước, sân khấu ở thời kỳ hưng thịnh. Đêm nào cũng sáng đèn. Mỗi vở diễn có hàng trăm xuất diễn. Xuất diễn nào cũng đông nghẹt khán giả. Chỉ cần nhìn xuống phía dưới thấy khán giả đứng chen chân, người nghệ sỹ đã có thể diễn như “lên đồng”, có thể quên đi tất thảy những mưu sinh vất vả.
Bước vào thời kinh tế thị trường, những giá trị tinh thần cũng dần được chuyển hóa thành giá trị hàng hóa. Sân khấu đứng trước thách thức của tiền bạc, doanh thu. Khán giả cũng đứng trước những lựa chọn mới. Họ có internet, chỉ cần một cú click chuột, cả thế giới mở ra trước mắt. Khán giả còn có truyền hình với hàng trăm chương trình giải trí. Băng đĩa tràn ngập, giá rẻ bèo. Khán giả đánh mất thói quen mua vé đi xem kịch. Sân khấu đánh mất vị trí độc tôn.
Cả chục năm nay, nhiều nhà hát phía Bắc rơi vào ế ẩm. Nhà hát kịch Hà Nội, nhà hát kịch Việt Nam… im ắng đến u buồn. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực để viết về giai đoạn “bị thất sủng” của sân khấu. Mỗi năm dựng 1,2 vở, vở nào cũng ế khách, nghệ sỹ bươn bả đi đóng phim truyền hình. Nghệ sỹ quay lại thời vất vả, nhưng họ không còn hạnh phúc, không còn sức lực để phấn đấu cho mỗi đêm được khóc cười dưới thánh đường sân khấu.
Bên cạnh việc chạy tiền dựng những vở chính kịch lớn, nhà hát Tuổi trẻ dựng những chùm hài kịch Đời cười để bán vé, lấy ngắn nuôi dài. Đời cười- là những chùm tiểu phẩm hài, ngắn, nhưng giúp nhà hát Tuổi trẻ bán được không ít vé. Nhưng Đời cười- không phải là sân khấu. Chùm tiểu phẩm hài Đời cười 11 với chủ đề “Chạy… chọt” vừa hoàn tất. 4 tiểu phẩm ngắn, Chạy chức, Chạy trường, Cưới chạy, Chạy nghèo với chất lượng nghệ thuật vừa phải, không phải là nơi để các nghệ sỹ cống hiến tài năng và sức lực, không phải là những vai diễn để nghệ sỹ ám ảnh, khóc cười, chỉ là chuỗi tiểu phẩm ngắn bán vé vì kế mưu sinh của nhà hát.
Lại nhớ, có lần bàn về sân khấu, khi nhìn thấy sự tấp nập, nhộn nhịp, phồn thịnh của sân khấu phía Nam, Lê Khanh từng thở dài, “Chúng tôi thèm lắm…!”.