Giấc mơ tranh của nữ họa sĩ Bảo Hiền
(Dân trí) -Tháng tư về, đồng quê bừng sáng sau những ngày đông ảm đạm. Cảnh tượng nên thơ đó đã in dấu trong những bức tranh đậm hồn quê của nữ họa sĩ Bảo Hiền.
Lần đầu tiên mở triển lãm tranh sau bao nhiêu năm xa quê, “Muôn nẻo đường quê” tràn ngập sắc màu đã mang đến cho người yêu hội họa Hà thành những cảm xúc thực sự sâu sắc, lắng đọng trong đó có tôi – một người bằng hữu của họa sĩ Bảo Hiền.
Về Bảo Hiền, có lẽ cái tên của chị đã nói lên tất cả. Đó là một người giàu nữ tính nhất mà tôi từng gặp. Thuở còn cắp sách, chúng tôi học chung một lớp, Hiền là cô bé dịu hiền, có làn da trắng mịn màng, dáng đi mềm mại, tóc huyền buông trễ sau lưng. Trong mắt chúng tôi, Bảo Hiền thực sự tiêu biểu cho con gái Hà thành – một vẻ đẹp đầy chất thơ.
Một nẻo đường gian khổ
Kỷ niệm 30 năm ra trường, chúng tôi gặp lại nhau. Mấy chục con người nay đã đứng tuổi và khá thành đạt. Ngày hội ngộ, tuổi thơ trỗi dậy, mừng vui khôn tả. Hiền vẫn mặn mà như xưa, tuy giờ đây phảng phất vẻ phong trần. Chúng tôi đã kể cho nhau mọi chuyện vui buồn. Lúc đó, tôi mới biết, bạn tôi đã phải trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, với những lo toan cơm áo, gạo tiền. Rồi cuộc hôn nhân quá sớm khi cả hai còn quá trẻ, và một ngày người chồng ra đi mãi mãi thì Hiền đang vẫn ở cái tuổi mặn mòi của người phụ nữ.
Một mình, Hiền đã dành hết tâm sức nuôi dạy cậu con trai duy nhất rất thông minh và kháu khỉnh. Cậu bé chính là niềm vui, là chỗ dựa tinh thần để Hiền bước tiếp trên con đường đời đầy rẫy chông gai. Giờ đây, con trai Hiền đã lớn và thành đạt, đang làm việc tại một trường đại học của CHLB Đức. Chính cậu là người đầu tiên phát hiện ra tình yêu hội họa ở mẹ và giúp mẹ đến với môn nghệ thuật này.
Cơ duyên đến với “Muôn nẻo đường quê”
Ngày về Sài Gòn (1998), Hiền “kết bạn” với hội họa. Hiền yêu thiên nhiên nên tranh của Hiền chủ yếu hướng về chủ đề phong cảnh. Có bao nhiêu nỗi niềm, Hiền dồn hết vào tranh. Và chính tình yêu đó đã giúp Hiền nắm bắt được cái hồn của trời đất.
Chẳng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa, cũng chẳng được học hành bài bản, bởi cuộc sống bộn bề, Hiền đã tự học qua sách vở và tham gia các lớp học vẽ tranh. Năng khiếu thiên bẩm cùng nỗi khát khao sáng tạo cháy bỏng đã giúp Hiền tiến bộ rất nhanh. Tác phẩm của Hiền luôn được các họa sĩ cao niên, giàu kinh nghiệm đánh giá rất cao. Đó cũng chính là nguồn động lực giúp Hiền tạo được những tác phẩm sinh động, đầy tính nghệ thuật.
Hiền tâm sự với tôi về một người họa sĩ tài hoa–họa sĩ Phạm Công Thắng - với một vẻ đầy hàm ơn. Chính Thắng là người đã phát hiện ra tài năng của Hiền, đã hết lòng giúp Hiền tiến bước trên con đường hội họa. Sự gặp nhau của họ như thể một mối duyên kỳ ngộ, như thể đó là hai chị em từ kiếp trước. Pham Công Thắng đã hết lòng động viên và truyền dạy lý luận cùng những kỹ năng cần thiết của một họa sĩ chuyên nghiệp để Hiền có được những bức tranh của ngày hôm nay.
Họa sĩ Bảo Hiền từng chia sẻ với tôi rằng trong thẳm sâu tâm hồn chị luôn có một nỗi niềm đau đáu đó là được vẽ về những phong cảnh của chính quê hương mình, với mỗi miền quê nghèo, mỗi con đường Hiền đi qua “…mình luôn lắng lại để ngắm nhìn, cảm nhận và trải nghiệm những suy tư trước mỗi cảnh vật, những con người miền quê giản dị và đôn hậu”… Hiền còn bảo, “với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp luôn muốn kiếm tìm và khẳng định vị trí riêng của mình trong giới mỹ thuật cũng như họ còn có cả lợi nhuận trong đó… nhưng với mình, Hiền chỉ muốn vẽ tranh chỉ đơn giản bởi vì mình thích vẽ và còn muốn tìm lại chính mình trong mỗi tác phẩm. Do vậy, những gì vẽ ra mà không thực sự thích, mình sẵn sàng bỏ đi, dù vẫn có người trả giá cao…”. Qua đó mới biết Hiền là một con người rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật.
Nẻo đường của mỗi chúng ta
Là một kẻ “ngoại đạo”, tôi chỉ biết nhận xét rằng, tranh của Hiền rất đẹp, bởi ở đó tôi có thể cảm nhận được cái hồn quê Việt Nam như danh họa Bằng Lâm, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN sẻ chia: “… Với lối vẽ hiện thực, cần mẫn, chân thành, mộc mạc, cách nhìn lấy ánh sang làm nhận vật chính đã tạo ra những vẻ đẹp rung rinh đầy sức sống, chính vẻ đẹp của muôn nẻo đường quê đã chấp cánh cho họa sĩ tạo nên những thành quả của ngày hôm nay…” .
Tôi ngập tràn cảm xúc khi xem tranh của Hiền – những con đường làng đất đỏ, những mái lá xô nghiêng, những bức tường đá ong sần sùi, những mái nhà sàn thấp thoáng trong ánh chiều tà… Tôi nghe như có tiếng chim rừng líu lo đâu đó, còn ở đằng kia, xa xa phía chân trời, một gia đình đang nổi lửa chuẩn bị bữa cơm chiều… Đằng sau những cảnh vật ấy, ta như có thể cảm nhận rõ từng âm thanh khẽ khàng của vạn vật, từng làn hương thơm ngát của cỏ cây, vạt lúa… Tất cả cứ cuốn hút, như gợi lại cho người xem quá khứ, những nẻo đường mà ta đã qua, đã từng lưu lại…
Nói về tính lay động trong tranh Bảo Hiền, NSUT Trần Đức tâm sự: “… Tranh của Bảo Hiền mang đến cho tôi một nỗi bâng khuâng, bỗng nhớ về những nẻo đường quê thật gần gũi, hình như cuộc xê dịch của đời mình đã từng qua đó một lần…”.
Ngắm tranh của Hiền, tôi trở nên nhẹ nhõm hơn, bỏ lại sau lưng những bộn bề thường nhật, những nỗi lo cơm áo gạo tiền, và chợt thấy cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống biết bao. Cảm ơn Hiền về những tác phẩm làm rung động lòng người. Tôi mong cho Hiền có những bước tiến dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật, đem lại cho đời thật nhiều họa phẩm đẹp như chính con người bạn vậy.
Hội Hằng