Đường xa vạn dặm có phải sáng tác của Quốc Trung?

Quốc Trung vừa cho phát hành CD Đường xa vạn dặm. Nhưng những nội dung ở bìa đĩa đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Quốc Trung khá có công trong việc kéo nhạc chèo lại gần với khán giả đương đại. Những bài chèo vốn đang xa lạ với nhiều bạn trẻ bỗng chốc được đặt vào một nền hòa âm Tây- là cái rất gần gũi với người nghe đương thời.

Sau khi du diễn tại Nhật, đầu tháng 10, Đường xa vạn dặm chính thức phát hành 7/11 bài dưới dạng CD, lần đầu 5.000 bản. Nhưng không dễ mua, vì đĩa chỉ được phân phối theo nhu cầu của mỗi cửa hàng.

Trên bìa đĩa, tiếng Anh chiếm phần lớn. Có lẽ, đối tượng chính của CD là khách nước ngoài (tại buổi biểu diễn duy nhất ở Tokyo, 100 CD Đường xa vạn dặm đã được bán hết). Và chắc chắn, tuyệt đại đa số người nước ngoài sẽ đinh ninh chỉ có hai bài 1 và 3 là dựa theo chất liệu truyền thống VN, các bài hát còn lại đều do Quốc Trung sáng tác (cả nhạc lẫn lời?). Bìa đĩa Đường xa vạn dặm hai lần khẳng định như thế: “All songs composed by Quoc Trung except #1 & #3 adapted from Vietnamese traditional”.

Đây là điều không thể hiểu được vì nghe đĩa sẽ thấy bài 1, bài 3 và hầu hết các bài còn lại có cấu trúc âm nhạc như nhau, và có lẽ đều được tạo tác theo cùng một kiểu. Nghĩa là phần cổ nhạc, đặc biệt phần hát đều được lấy nguyên gốc, có chăng chỉ thay đổi tí chút ở tiết tấu. Vai trò của Quốc Trung chỉ là thêm vào, nếu coi anh là người phối lại nhạc dân tộc thì hợp lý hơn.

Chẳng hạn, bài 2 trong CD tên là Vọng nguyệt- được coi là của Quốc Trung thực chất là nguyên bài Vãn canh lời cổ (chỉ bớt có 1 trổ) trong vở Trương Viên- nghệ sĩ Thanh Hoài trình bày với kỹ thuật điêu luyện và tình cảm da diết.

Nửa đầu của Vọng nguyệt là tiếng tiêu thổi theo điệu Sa mạcTrần tình, đàn tranh tòng bằng những nét giai điệu tiêu biểu thể hiện tâm sự buồn trong chèo. Phần âm nhạc điện tử chỉ mang tính chất nương theo cổ nhạc, gọi là “tạo không gian” thì còn chấp nhận được, chứ không thể nói Vọng nguyệt do Quốc Trung sáng tác!

Bài 3 lấy tên Lưu lạc và được chua là chuyển thể từ nhạc truyền thống- chính là điệu Trần tình cũng trong vở Trương Viên nay được thổi vào một tiết tấu mới, nghe rậm rựt hơn.

Cũng như thế, tinh thần của bài 4 là phần lời Hò mái nhì với phần đệm dành cho ca Huế. Bài 5 vận dụng cả nhạc thính phòng Huế và chèo.

Bài 6: Thanh Hoài lặp lại điệu Cung oán như đã nghe trong bài 5 với một tiết tấu khác, mở đầu là tiếng tiêu theo điệu Vỉa của chèo. Bài 7 mở đầu bằng nét mào đầu của thể Hát nói, và Thanh Hoài âm ư ca trù... Cứ như thế, bài do Quốc Trung soạn hay bài do Quốc Trung chuyển thể thì cốt lõi và cơ bản đều xuất phát từ và chính là cổ truyền!

Nếu là một người làm việc chuyên nghiệp, khoa học và… có trước có sau, thiết nghĩ Quốc Trung cần phải nói rõ trên bìa đĩa từng bài sử dụng chất liệu gì, làn điệu nào và xuất xứ của làn điệu đó... Tạm bỏ qua sự lầm lẫn(?) “vơ vào” kia, một tai nghe thông thường, ít có dịp tiếp xúc với cổ nhạc sẽ dễ thấy thú vị khi nghe Đường xa vạn dặm. Nhưng cũng không có gì khó hiểu nếu người có chuyên môn tỏ ra khó chịu khi nghe đĩa này.  

 Theo Tiền Phong