Đức Tuấn: “Tôi làm gì có scandal để tiết lộ!”

“Cái tôi muốn là người ta đánh giá tôi qua âm nhạc của tôi, không qua đời tư, gây sốc. Tôi không chủ trương thêu dệt lên quanh mình một mớ bùng nhùng scandal mà bản thân tôi thì làm gì có scandal để tiết lộ cơ chứ! Tôi chỉ có những "âm mưu" với âm nhạc” - ca sỹ Đức Tuấn tâm sự.

Nhiều người nói, anh đang sử dụng lý thuyết trong chiến lược phát triển một sản phẩm để định hướng cho mình. Anh thấy sao?

 

Đúng là như thế. Vì tôi học ngoại thương. Tôi là người tự thiết kế và hướng dẫn không lưu cho những chuyến bay vào âm nhạc của đời mình. Đã đến lúc phải áp dụng những điều đã học, biết cách sử dụng cái tài năng trời cho đó để kiếm tiền, biến thành một thứ hàng hóa có chất lượng, có thị trường. Ở Việt Nam, sự nhạy bén thị trường, tự thân vận động của ca sĩ là rất quan trọng.

 

Sản phẩm duy nhất anh kinh doanh là giọng hát của anh?

 

Hiện giờ là như vậy nhưng không dừng lại ở đó. Trong 2 năm tới, tôi sẽ tạo dựng nhãn hiệu thời trang Đức Tuấn, thiết kế, kinh doanh dòng sản phẩm may mặc cao cấp, có đẳng cấp tương xứng với hình ảnh của tôi.

 

Theo con số được Cục thuế công bố, thu nhập của anh năm 2006 là 225 triệu đồng. Vậy còn năm nay anh dự tính thu nhập của mình ra sao?

 

Tôi e là tệ hơn vì năm nay tập trung nhiều vào phòng thu, ít chạy show. Như tháng vừa rồi, nguyên một tháng tôi đi hát có 2 show phòng trà, tháng 7 tới lại đi học ở Mỹ 2 tháng.

 

Vậy tiền anh kiếm ra đủ cho những khoản chi tiêu hay phải bù thêm?

 

Tôi đã bắt đầu có lời. Những album làm trước kia, giờ rỉ rả thu tiền về, như Đôi mắt người Sơn Tây con số bán ra đã lên đến 11.000 bản. Anh yêu em trước đây bán không được, giờ lại có lời vì họ "khai quật" lại đồ cũ để nghe. Sắp tới tôi sẽ tái bản lại album này với một hình thức mới. Nói chung đã đến thời thu hoạch, cây mới cây cũ gì cũng ra quả hết. Nhưng ra quả nhiều thì đầu tư nhiều...

 

"Thiên hạ" lại đồn đại dai dẳng là anh chẳng bận tâm cân đối thu - chi vì đã có đại gia đứng sau làm nhà bảo trợ nghệ thuật, anh nói sao?

 

(Phẩy tay) Ôi! Lời đồn. Tôi không quan tâm đến chúng.

 

Thế cái gì mới khiến anh quan tâm, trăn trở?

 

Những trăn trở về nghề nghiệp mà không có hướng giải quyết trong tình hình âm nhạc hiện nay đeo đẳng tôi suốt từ khi bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Ví dụ như khi làm việc với Đức Trí, những cái mà tôi mong muốn làm cho album của mình, Đức Trí bảo "Đừng có mơ, ở VN không làm được".

 

Cụ thể "Ở VN không làm được" là những điều gì?

 

Chất lượng tôi muốn đạt tới, dù không tiếc tiền chi nhưng không ai đáp ứng được. Như tôi muốn làm một CD được thu âm với dàn nhạc giao hưởng nhưng không có phòng thu đạt chuẩn để thu âm nhạc giao hưởng, ngay cả dàn nhạc mình cũng không vừa ý.

 

Rồi sau đó anh và Đức Trí phải làm thế nào?

 

Rốt cuộc phải dùng đĩa sample của nước ngoài, thu âm với dàn nhạc nhỏ rồi mix chồng lên. Dĩ nhiên là cũng được, nhưng mình không sướng, không bằng một dàn nhạc lớn, có chỉ huy và thu trực tiếp. Tôi đang dụ dỗ anh Trí đem qua Boston, chỗ anh Trí học trước đây để thu dàn nhạc giao hưởng, nhưng anh bảo không nên vì tốn kém mà đôi khi người nghe không nhận ra được giá trị của nó. Nhưng tôi phải làm vừa lòng mình cái đã, sau đó nghĩ cách thu hồi vốn sau.

 

Anh muốn các sản phẩm của mình đẳng cấp từ A đến Z. Nhưng anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng giọng hát của anh chưa đẳng cấp?

 

Không ai bảo giọng của Britney Spears là giọng ca đẳng cấp nhưng hãy nhìn những cái tên tham gia vào CD của cô ta mà xem, toàn những "ông lớn". Và không phải chính những ông lớn này đã nâng đỡ giọng ca ấy vượt năm châu bốn biển sao!

 

Anh là người có quá nhiều bí mật không tiết lộ. Chẳng ai khai thác được chuyện đời tư của anh cả, vì sao anh lại giấu kỹ đến thế?

 

Cái tôi muốn là người ta đánh giá tôi qua âm nhạc của tôi, không qua đời tư, gây sốc. Tôi không chủ trương thêu dệt lên quanh mình một mớ bùng nhùng scandal mà bản thân tôi thì làm gì có scandal để tiết lộ cơ chứ! Tôi chỉ có những "âm mưu" với âm nhạc.

 

Đó là những âm mưu gì?

 

Thứ nhất là tôi đang nghĩ cách nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho CD bằng cách thuê chuyên gia nước ngoài làm việc cho mình. Học hỏi công nghệ "moi tiền" của người ta để ra những ấn bản đặc biệt hoặc ra lại có làm mới những chương trình cũ. Hay trong những CD sắp tới, tôi sẽ ra thêm những ấn bản đặc biệt, bán giá đặc biệt phục vụ giới chơi đĩa.

 

Tôi mê đĩa nhựa lắm, ao ước sẽ làm đĩa nhựa, hộp gỗ bán cho dân sưu tập. Rồi ấp ủ liveshow Đức Tuấn hát nhạc kịch. Rồi sẽ ra album Đức Tuấn hát Văn Cao. Tâm lý tiêu dùng văn hóa của Việt Nam còn chậm, tôi đang trong quá trình "kích" thị trường, dù chỉ cho riêng mình thôi.

 

Anh hay nói đến lớp khán giả tinh hoa. Đó là những người như thế nào?

 

Có lớp khán giả tinh hoa, và đó là những khán giả của tôi. Họ có tiền, có trình độ, đủ điều kiện để hưởng thụ một mức sống vật chất và văn hóa cao, đòi hỏi của họ khá khắt khe và chuẩn mực, họ sở hữu một đôi tai nghe nhạc am tường và lặng lẽ. Họ điềm đạm, trung thành, giữ một khoảng cách nhất định với ca sĩ và ghét những chuyện ồn ào.

 

Chiến lược của anh với lớp khán giả này là gì?

 

Chinh phục những thị phần khán giả khó tính như thế này, thì trước hết mình phải khó tính, kỹ lưỡng, khắt khe với chính mình trước. Thêm nữa, muốn đẩy một sản phẩm nào cũng phải có tính toán thị trường. Sự xuất hiện phải có liều lượng, không để thị trường cuốn mình đi. Bù lại, tôi sẽ tính giá đặc biệt.

 

Anh đi hát 5 năm, ra 6 album. Nhưng có những ca sĩ như Quang Dũng, có năm ra đến 8 album mới. Anh thấy sao?

 

Tôi không thể làm với tốc độ đó. Vận tốc ấy tôi chịu thua. Như bây giờ, tôi đang sung sức lắm, sung sức nhất nhưng cũng chỉ dám đặt kế hoạch ra 1 năm 2 đĩa thôi. Tôi không thể vừa làm kỹ, vừa đầu tư lớn mà vừa sản xuất liên tục được. Hình ảnh của tôi gắn với chất lượng chứ không phải là số lượng.

 

Nhiều người thắc mắc vì sao đến giờ anh vẫn chưa làm liveshow?

 

Vì tôi chưa tìm ra một ê kíp làm việc cho đúng ý mình. Phải xây dựng một liveshow như thế nào để có thể diễn được một chuỗi từ 10 đêm trở lên, coi đó là buổi đại tiệc để chiêu đãi khán giả của mình, chứ đổ công đổ của xây dựng một chương trình rồi diễn một, hai đêm đêm dẹp bỏ, tôi không làm.

 

Anh chủ yếu "thâm canh" trên mảnh đất nhạc tiền chiến, nhạc kịch hay nhạc tiếng Anh. Vì sao vậy?

 

Dòng nhạc tiền chiến của Việt Nam cũng tương tự như nhạc cổ điển phương Tây thế kỷ 18-19. Nó là những chuẩn mực của nhạc Việt mà sau này không vượt qua được, là những giá trị đã được thời gian thẩm định, bền vững. Điều này dẫn đến sự ổn định trong khán giả. Và tinh thần của dòng nhạc này hoàn toàn phù hợp với chất giọng, chất người của tôi. Với phong cách âm nhạc đó, tôi có thể hát đến năm 60 tuổi. Mà càng về già lại càng tích trữ được nhiều khán giả.

 

Nhu cầu hoài niệm của con người mà một trong những dấu hiệu của nó là nhu cầu được đắm mình trong những giai điệu xưa cũ, tôi không cho rằng nó lạc hậu và không đáng được đáp ứng. Tôi cũng chỉ thích lớp khán giả này vì họ là những khán thính giả im lặng để nghe mình hát, có thể hiểu và đánh giá được mình.

 

Sao anh không chọn cho mình một phong cách trẻ trung hơn?

 

Bên cạnh nhạc tiền chiến, tôi có album Yêu trong ánh sáng làm với Quốc Bảo, hoàn toàn hiện đại và được đón nhận rất tốt. Tôi có cả những fan mười mấy tuổi. Không phải tôi cứ nhất định gắn mình với nhạc tiền chiến mà vì không có nhiều bài hiện đại có giai điệu và ngôn từ đẹp, phù hợp với chuẩn mực phong cách tôi đã chọn là semi classic (bán cổ điển).

 

Có nhận xét rằng, anh hát giống tài tử Ngọc Bảo nhưng nhạt hơn. Anh cảm thấy thế nào?

 

Đó là một nhận xét mới. Tôi thấy vinh hạnh. Hiện tôi vẫn cố gắng khai thác triệt để thế mạnh và cá tính âm nhạc của mình.

 

Mới đây, trên một tờ báo có viết "Đức Tuấn ngày càng được nhắc đến nhiều chứng tỏ dấu hiệu ngấp nghé thành sao". Anh nghĩ thế nào?

 

Thành "sao" không phải là điều tôi theo đuổi. Mục đích cuối cùng của tôi là mục đích vô cùng, là đạt được đỉnh cao trong lĩnh vực âm nhạc của mình. Mà đỉnh cao nghệ thuật ấy ở đâu thì không ai biết, kể cả tôi.

 

Theo Thanh Niên Tuần San