Đức Tiến và ký ức buồn

Trên sàn diễn, chàng người mẫu này gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng lớp vỏ bọc bên ngoài xù xì và lối diễn lạnh. Ngoài đời anh thế nào? Cuộc trò chuyện với Đức Tiến bắt đầu bằng những tấm ảnh kỷ niệm thời nhỏ mà anh lưu giữ rất cẩn thận.

Vì sao phía sau mỗi bức ảnh đều có dòng chữ nắn nót ghi lại thời gian chụp?

 

Từ nhỏ, tôi sống với bà ngoại và má. Nhà nghèo nên má phải đi xa để kiếm tiền. Hai má con ít có cơ hội gặp nhau. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, má thường tìm những bức ảnh của tôi, nắn nót ghi phía sau khoảng thời gian chụp rồi nâng niu như báu vật. Đến tận bây giờ, Tiến vẫn giữ ảnh chụp năm lên 5 tuổi với dòng chữ nắn nót của má: "Hình con tui, chụp lúc 5 tuổi".

 

Ba bỏ đi lấy vợ khác, một mình má phải cáng đáng nuôi con. Anh nghĩ về mẹ như thế nào?

 

Má ít nói lắm. Có thể do cuộc sống cơ cực, áp lực đè nặng lên vai, má không muốn suy nghĩ nhiều để khỏi bị ảo tưởng. Bên nội chẳng ưa gì hai má con tôi. Cực khổ đến mấy, má cũng quyết định dạy tôi nên người. Với tôi, má là người phụ nữ rất kiên cường.

 

Sau khi bố mẹ chia tay, anh ở với mẹ và bà. Tại sao sau đó lại về sống với bố và mẹ kế?

 

Tôi ở với bà ngoại được một thời gian thì bà và mẹ đi nước ngoài. Ông chủ khó tính nên mẹ không thể mang con trai theo cùng. Vì thế, tôi phải về sống với ba và mẹ kế.

 

Ca dao có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng". Về nơi ở mới, cuộc sống của anh ra sao?

 

Sau giờ học, tôi phải làm việc nhà, trông em và giặt đồ. Có lần, mệt quá, việc lại nhiều nên tôi làm không xuể. Tối về, dì mách ba là tôi lười biếng. Ba chụp ngay cây chổi chà, cho tôi một trận nhừ tử vì dám cãi người lớn. Kết quả, người tôi chi chít vết roi...

 

Sau đó thì sao?

 

Sống được một thời gian, tôi chuyển sang ở với dì, em ruột của má. Trừ những lúc đi học, thời gian rảnh còn lại tôi làm đủ việc đỡ đần dì: trồng khoai lang, đậu phộng, lúa, nuôi thỏ, cắt cỏ...

 

Chẳng có đứa trẻ nào lại không tin vào những câu chuyện cổ tích. Phải chăng anh quá lời khi bảo rằng đó là điều xa xỉ?

 

Bạn có biết câu chuyện về cô Tấm hoặc nàng công chúa Lọ Lem không? Có phải mỗi khi Tấm hoặc Lọ Lem khóc, đau buồn đều có ông bụt hay bà tiên hiện ra giúp đỡ? Suốt cả tuổi thơ, Tiến chỉ mong gặp được ông bụt, bà tiên để xin giúp đỡ. Cứ như thế, tôi lớn lên trong sự chờ đợi mỏi mòn. Khi trưởng thành, mới biết thế giới thần tiền đầy màu hồng chỉ là viển vông.

 

Khi ấy, nếu được gặp ông bụt hay bà tiên, anh sẽ cầu xin điều gì?

 

Cầu xin ba má sum họp, trở về với nhau. Tiến thường khóc vì cảm thấy quá tủi thân. Tôi luôn khao khát được có ba bên cạnh. Thậm chí, tôi từng ước mơ mình sẽ có thật nhiều tiền để đi mướn ba người khác làm ba của mình.

 

Với nhiều người, sinh nhật là những khoảnh khắc thật khó quên. Còn anh thì sao?

 

Năm lớp 8, má tổ chức sinh nhật cho tôi. Đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng. Sinh nhật ai cũng có đủ ba mẹ, còn tôi thì không. Mình không vui và người thân không vui, tốt nhất đừng nên tổ chức làm gì.

 

Trên blog, anh chia sẻ rằng anh luôn bị "ám ảnh" bởi câu nói: "Làm người cố gắng đừng nói dối, nhất là với những người thân. Đau lắm!". Tại sao?

 

Bà ngoại có thói quen hút thuốc. Có lần bà đưa tiền nhờ tôi mua giúp bao thuốc lá. Thay vì trả lại tiền thừa. tôi dùng số tiền đó mua kẹo và nói dối là mua thuốc hết tiền. Biết được, bà đã dạy tôi: "Làm người cố gắng đừng nói dối, nhất là với những người thân của mình. Đau lắm, con biết không?".

 

Anh từng nói: "Cần phải tha thứ để trưởng thành hơn", điều này có nghĩa là gì?

 

Mặc dù bị ba bỏ rơi, tôi vẫn không thể oán trách ông mãi được. Đơn giản vì: "Con cái không có quyền lựa chọn ba mẹ cho mình". Điều nên làm là tha thứ để trưởng thành. Năm tôi học lớp 10, công việc của ba phát triển tốt, ông đưa tôi về sống chung, lo cho ăn học, xe cộ.

 

Lúc đó, tôi vẫn giận ba lắm. Càng lớn, đi nhiều, biết nhiều, tôi mới thay đổi suy nghĩ: "Mình chỉ có một người ba, một người má mà thôi. Lúc ba má còn sống, hãy yêu thương họ kẻo sau này không còn cơ hội để yêu thương nữa". Đúng là khi tha thứ cho ai đó, tôi rất nhẹ nhõm.

 

Bây giờ, anh sợ nhất điều gì?

 

Thời gian! Công việc dạo này nhiều quá, kéo tôi ra khỏi những bữa cơm gia đình. Sau cuộc phỏng vấn này, tôi sẽ trở về nhà, mời mọi người trong nhà đi ăn thôi. Dù gì thì gia đình vẫn quan trọng nhất mà. Tôi rất hạnh phúc với tình cảm gia đình mà đã lâu mới có được.

 

Theo Phong Cách