1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quảng Trị:

Đời sống, tín ngưỡng đồng bào Bru-Vân Kiều qua “lăng kính” nhà nghiên cứu Hungary

(Dân trí) - Sau 30 năm, bộ ảnh của nhà nghiên cứu Hungary về cộng đồng Bru-Vân Kiều được trở về với “cội nguồn”, về nơi tác giả đã từng đặt chân đến và ghi lại nó. Các bức ảnh đã lột tả vẻ đẹp sinh động phong tục, nghi lễ, nghi thức cổ xưa của đồng bào Bru - Vân Kiều, phía Tây Quảng Trị.

Bộ ảnh với chủ đề: Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn, của nhà nghiên cứu dân tộc học Hungary - ông Vargyas Gábor vừa được trưng bày tại Nhà văn hoá truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại huyện Hướng Hoá, do Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị tổ chức (chiều 7/3).

trien lam Van Kieu 2.JPG

Trưng bày ảnh thu hút đông đảo người đến tìm hiểu.

Cơ duyên với đồng bào Vân Kiều

Cộng đồng Bru-Vân Kiều thuộc một trong 54 dân tộc của Việt Nam, bà con sinh sống dọc dãy Trường Sơn, giáp với Lào thuộc tỉnh Quảng Trị  và Quảng Bình.

trien lam Van Kieu 6.JPG

Tác giả giới thiệu nhân vật đã giúp đỡ ông 30 năm trước.

Là thành viên Hội đồng khoa học Viện Dân tộc học, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, giáo sư Vargyas Gábor đã thực hiện nhiều chuyến điền dã dân tộc học ở nhiều quốc gia.

trien lam Van Kieu 3.JPG

Nhà nghiên cứu Hungary đã chụp lại các nghi lễ của đồng bào.

Ở Việt Nam, giáo sư Vargyas Gábor đã dành nhiều năm sống cùng với cộng đồng người Bru - Vân Kiều tại Quảng Trị (1985 - 1989). Theo giáo sư Vargyas Gábor: Ông đã từng đến đây vào thập niên những năm 80, khi chiến tranh vừa đi qua và đã chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân, cũng như những vẻ đẹp trong phong tục, tín ngưỡng của bà con.

Giáo sư Vargyas Gábor chia sẻ: Ông đến với bản làng huyện Hướng Hóa và sống ở đây 1 năm rưỡi, trong một gia đình người Bru-Vân Kiều.

trien lam Van Kieu 4.JPG

Những người đến xem có cả học sinh.

“Tôi trở thành một thành viên của gia đình họ. Tôi đã sống, ngủ, ăn và làm việc với họ, chia sẻ cùng họ niềm vui và nỗi buồn học ngôn ngữ và dành tất cả thời gian và năng lượng để tìm hiểu về văn hóa Bru-Vân Kiều”, ông nói.

trien lam Van Kieu 10.JPG

Phương thức canh tác của bà con.

Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị sở dĩ được chọn là địa điểm tổ chức trưng bày bộ ảnh về phong tục văn hoá của người dân, bởi nơi đây là địa phương có đông đảo bà con Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Qua 75 bức ảnh với chủ đề: “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn”, đã lột tả vẻ đẹp sinh động các phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ của đồng bào Bru - Vân Kiều.

Đưa các bức ảnh trở về nơi thuộc về nó!

Chia sẻ với người dân Quảng Trị và đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trong buổi trưng bày ảnh: Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn, tác giả Vargyas Gábor - nhà nghiên cứu dân tộc học Hungary nói, sau hơn 30 năm ông đã đưa những bức ảnh về với cội nguồn, về với cộng đồng người Bru-Vân Kiều mà ông đã đặt chân đến chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc ấy.

trien lam Van Kieu 5.JPG

Người dân xem các hình ảnh của đồng bào mình.

“Giờ tôi đang ở đây, trước mặt quý vị để kể lại những gì tôi đã làm trong những năm đó và sau đó. Hiếm khi có một dịp đặc biệt như vậy trong cuộc đời của một nhà khoa học xã hội hay nhà nghiên cứu”, giáo sư nói.

Những bức ảnh của giáo sư Vargyas Gábor tại triển lãm đã phản ánh chân thực đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều. Trong đó, ông chú trọng đến các phong tục, nghi lễ của bà con nơi đây, như: phương thức canh tác, tục cải táng mồ mả, nhạc cụ dân tộc và các hoạt động văn hóa…

trien lam Van Kieu 9.JPG

Việc cải táng mồ mả của người dân qua ống kính của nhà nghiên cứu.

trien lam Van Kieu 7.JPG

Nơi thờ của đồng bào Vân Kiều do tác giả chụp lại.

Theo ông Vargyas Gábor, sau triển lãm các bức ảnh sẽ được ông tặng lại cho địa phương để trưng bày tại Nhà văn hoá truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

trien lam Van Kieu 1.JPG

Nhà nghiên cứu gặp lại gia đình ông đã cùng ở, sinh hoạt khi sống ở bản làng.

“Những bức ảnh này sẽ ở lại nơi thuộc về đồng bào Bru-Vân Kiều, Việt Nam sau khi đã trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới. Bộ ảnh này sẽ ở đây mãi mãi. Tôi hy vọng người Bru-Vân Kiều, nhân dân Việt Nam và khách nước ngoài sẽ tìm thấy ở đây những gì thú vị nhất khi đến thăm nơi này”, nhà nghiên cứu nói.

trien lam Van Kieu 8.JPG

Làm cho thanh kiếm tự dựng đứng.

Ông Phạm Trọng Hổ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nhấn mạnh: Bộ ảnh được trưng bày tại triển lãm có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa di sản, các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, huyện Hướng Hóa nói riêng.

Đ. Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm