1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Độc quyền và… thành ngôi sao

Hợp đồng độc quyền diễn viên đầu tiên trong lịch sử điện ảnh VN được ký chính thức giữa hãng HK Phim và 5 gương mặt gần như mới tinh trong làng điện ảnh, gồm 4 người mẫu: Anh Thư, Thanh Hằng, Đức Nghĩa, Duy Tân và 1 nhà báo Mạnh Hải.

Ngoài những cam kết hai bên thường thấy giữa các hợp đồng độc quyền, bản hợp đồng này còn có thêm một cam kết đặc biệt: Trong 3 năm, HK Phim có trách nhiệm đưa 5 "lính mới" này trở thành những ngôi sao, nếu không, hợp đồng có thể hủy bỏ đơn phương! Ngoài 5 hợp đồng đã ký, HK phim cũng đang xúc tiến ký hợp đồng độc quyền với ca sĩ Lam Truờng.

Một cú mạo hiểm gây scandal của một hãng phim tư nhân non trẻ vừa thành lập chăng? Không, công nghệ độc quyền và "lăng xê" các ngôi sao màn bạc đã quá "cũ người" (60-70 năm trước bùng nổ ở Hollywood, 30 năm trước bùng nổ ở Hong Kong), cũng đã từng rập rình ở VN nhiều năm trước, nhưng bất thành. Bây giờ nó sẽ có cơ hội thật sự?

Ông Thái Hòa, Phó giám đốc hãng phim Giải Phóng, từng là một "đại gia" trong thời kỳ phim mì ăn liền nhớ lại: Thời kỳ đó (đầu năm 1990) các nhà sản xuất phim đã nghĩ tới chuyện độc quyền diễn viên nhưng không ký nổi vì diễn viên trở thành ngôi sao quá nhanh, "vèo cái" chỉ trong vài tháng, góp mặt trong hai ba bộ phim là thành sao ngay (Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Mộng Vân).

Ngay cả "đám trẻ" có triển vọng như Y Phụng, Thanh Mai cũng "có giá" không hãng nào chịu nổi. Các "ngôi sao gia đình" như Lý Hùng, Lý Hương thì hãng phim gia đình (Lý Huỳnh) cũng không độc quyền. Nhà sản xuất yếu trong khi ngôi sao xuất hiện rào rào, cơ chế độc quyền không chịu nổi, nên vỡ mộng.

Trinh Hoan, giám đốc HK Phim: "Trong quá trình làm phim tôi thấy diễn viên hiện nay bận nhiều việc quá, chạy sô nhiều quá, họ không đủ thời gian tập thoại, không đủ thời gian nghiên cứu nhân vật. Vì vậy mà nhiều diễn viên diễn không tốt không phải do thiếu khả năng, mà do thiếu sự chuẩn bị. Muốn thay đổi điều này phải có cơ chế độc quyền. Tuy nhiên HK Phim chỉ ký độc quyền với diễn viên ở phim truyền hình bởi hiện tại, cơ hội cho diễn viên đóng phim nhựa còn quá ít. Hãng cũng sẽ là người tư vấn cho các diễn viên độc quyền của chúng tôi khi có những dự án làm phim nhựa".

Ý tưởng độc quyền manh nha trở lại khi thị trường phim ảnh có dấu hiệu hồi  phục, bắt đầu từ Gái nhảy. "Phát hiện mới" Minh Thư bắt đầu được "đánh tiếng" độc quyền. Nhưng mọi sự dừng lại ngay lập tức, vì như lời một nhà sản xuất có "ngắm nghía" gương mặt này, lý do cũng bởi cát-sê. Nghe đâu ngay sau vai diễn gây chú ý, cát-sê đi hát, đi giao lưu của Minh Thư tăng vọt, nhà đầu tư hãi.

Tư vấn về diễn viên cho bộ phim Dốc tình (hãng phim truyền hình TP.HCM TFS), lần đầu tiên Việt Cast đề nghị đoàn làm phim đưa thêm điều khoản "cho tới khi Dốc tình khởi chiếu, các diễn viên không tham gia bất cứ dự án nào khác", ngấm nghé độc quyền, song không chính thức. Bởi TFS cũng không có chủ trương độc quyền bất cứ khâu nào, kể cả diễn viên.

Và có lẽ hãng phim "nổ pháo" đầu tiên với chuyện độc quyền, thật ra không phải HK Phim, mà là Thiên Ngân. Có điều Thiên Ngân không ký độc quyền diễn viên, mà độc quyền đạo diễn. Vũ Ngọc Đãng, rồi Lê Hoàng, đều đã ký hợp đồng làm 3 phim liên tiếp với Thiên Ngân.

Chiến lược này "xuôi chèo" song không "mát mái". Sau bộ phim đầu tiên khá thành công (Những cô gái chân dài), Vũ Ngọc Đãng đã chia tay với Thiên Ngân, trong khi dự án làm phim thứ 2 (Đợi đến chuông reo rồi sẽ bắn) và thứ 3 (Trai nhảy) của đạo diễn Lê Hoàng đang "tắc tỵ", nhiều khả năng không thể bấm máy trong năm nay như dự kiến.

Chưa có một hợp đồng độc quyền nào được xem là thành công trên phim trường VN. Giám đốc sản xuất hãng M&T Pictures Nguyễn Bá Anh Vũ cho hay: "Hình thức độc quyền đạo diễn hình như chỉ có ở VN"! Ông Thái Hòa khẳng định: "phim nhựa, hiện nay, nếu độc quyền diễn viên thì không thể làm được, kinh phí lớn, lượng phim còn ít, nếu sử dụng vai chính lặp đi lặp lại sẽ gây nhàm chán. Nhưng phim truyền hình thì có thể được, vì lượng phim nhiều".

Có lẽ bởi thế, 5 (và sẽ là 6) hợp đồng độc quyền diễn viên của HK Phim cũng chỉ gói trong các dự án phim truyền hình. Hiện nay, hợp đồng sản xuất phim truyền hình của HK Phim đang khởi động với Serie dài tập đầu tiên Tuổi hai mươi (KB và ĐD Vũ Ngọc Đãng), sẽ bấm máy trong tháng 11 (sản xuất theo hợp đồng với M&T Pictures).

Ngoài ra, tuy không ký độc quyền song đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đầu quân về HK Phim coi như một hình thức độc quyền vậy. Một đạo diễn trẻ khác cùng nhóm quay phim trẻ vừa tốt nghiệp Cao đẳng SKĐA TP.HCM cũng về HK Phim theo dạng nhân viên ăn lương chính thức.

Việc HK Phim có thể đẩy được các diễn viên độc quyền của họ lên thành ngôi sao hay không thì chưa rõ, nhưng chắc chắn việc chập chờn kế hoạch sản xuất vì bị động nhân sự, chụp giựt diễn viên, chụp giựt ê-kíp làm phim (đã từng xảy ra trong mùa phim Tết năm rồi) sẽ dần được loại bỏ. Và trong giai đoạn đầu cạnh tranh giữa các hãng phim mới thành lập hiện nay, nhiều hãng phim sẽ tìm đến sự an toàn theo cách của HK Phim.

Nhân đây cũng phải nói thêm, người từng và vẫn đang sở hữu lực lượng làm phim (từ đạo diễn, quay phim, diễn viên…) đông đảo nhất và tài năng nhất là các hãng phim nhà nước (mạnh nhất là Hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện 1 và Hãng phim Giải Phóng). Sở hữu một cách "độc quyền" bằng biên chế và lương.

Thế nhưng trên thực tế các hãng phim này hầu như chẳng bao giờ sử dụng tài sản độc quyền của mình cho những chiến lược phát triển độc quyền. "Chơi sang" không ai bằng: duy nhất chỉ có hãng phim này "nuôi độc quyền" (bằng lương) và cho các hãng phim khác thoải mái sử dụng "của độc quyền" của mình, cả không chính thức và chính thức!


Theo Thể Thao & Văn Hóa