1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Độc đáo lễ hội lớn nhất của người dân biển xứ Thanh

(Dân trí) - Mong muốn trời yên biển lặng, có một mùa đi biển bội thu, đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 21, 22 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại tổ chức một lễ hội lớn mang tên Lễ hội Cầu Ngư.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã thì Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố (Ngư Lộc) là một lễ hội truyền thống được hình thành từ khá lâu đời. Đây chính là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng chặt chẽ, được quy định qua những phong tục, tập quán, quy ước trong lễ hội rất cụ thể.

Với những đặc điểm và tính chất cầu ngư đậm nét nên nó được xem là một lễ hội có quy mô và sức lan tỏa lớn không những của làng xã ven biển Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện ven biển xứ Thanh.

54797996_555118368315304_198744414711971840_n.jpg
55498105_1217769641714675_4302313618516475904_n.jpg

Đông đảo người dân biển tham gia lễ hội lớn nhất trong năm của họ.

Lễ hội thể hiện rõ nét trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục, tập quán của ngư dân lấy việc đánh cá làm nguồn sống chính của mình. Ngoài ý nghĩa lịch sử nó còn chứa đựng nội dung sâu sắc về mặt văn hóa xã hội. 

Đây cũng là dịp để mỗi người nêu cao tinh thần làng xã, sự cố kết cộng đồng. Ngày hội làng không chỉ có các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là dịp để người dân thể hiện nét tài hoa giữa các thôn làng với nhau trong các trò diễn dân gian tạo nên sức mạnh của cộng đồng làng xã trước môi trường sống của họ.

54514684_612331035861380_3427219503744811008_n.jpg
56169765_2326904717590197_9055584543821529088_n.jpg

Lễ hội Cầu Ngư còn tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng Việt ven biển,

Về với Lễ hội Cầu Ngư là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần linh và Đức Phật đối với đời sống của họ.

Đồng thời người dân gửi gắm vào đó những nhu cầu khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, với mong muốn được gió lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng bội thu, về một cuộc sống thanh bình cũng như ước mong một đời sống ấm no, hạnh phúc, nhân khang vật thịnh.

Lễ hội Cầu Ngư còn tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng Việt ven biển, với các phong tục, tập quán, nghi thức, nghi lễ truyền thống, các trò diễn dân gian và các tri thức dân gian khác được thể hiện một cách đầy đủ nhất.

Lễ hội đã tạo ra một môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân trong vùng và du khách thập phương về dự hội. Đồng thời cũng giúp con người trở nên hòa hợp, gần gũi nhau hơn, trật tự đời sống xã hội được nhắc nhở, những mỹ tục được khơi dậy cùng với lòng nhân ái, vị tha được củng cố, xóa đi ranh giới giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, tạo thành sức mạnh trong cộng đồng làng xã.

55802446_262276157989484_803461104020750336_n.jpg

Người dân biển xem lễ hội Cầu Ngư như là Tết của họ.

Anh Nguyễn Văn Thành, người dân ở đây cho biết: “Cứ đến ngày này là người dân chúng tôi phải gác hết lại công việc để đi xem lễ rước Kiệu, rước Long Châu. Người dân chúng tôi mong muốn một năm gặp nhiều thuận lợi”.

Lễ hội Cầu Ngư bao gồm hai phần rõ rệt: Phần Lễ và phần Hội, trong đó phần Lễ là phần đóng vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất. Mở đầu phần Lễ là rước thuyền Long Châu (một lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư) và rước kiệu vua được bà con tổ chức trang nghiêm bày tỏ tình đoàn kết giữa các vạn chài, mong thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ trong xã đến cầu khấn mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc. Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật đã được ghi nhận, Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng.

Bình Minh