Doanh nhân “thoát xác” bằng văn chương

(Dân trí) - Kinh doanh nhưng không thể bỏ được văn chương, Doãn Dũng luôn đòi hỏi mình phải lao động nghiêm túc. Vì thế, 4 năm sau khi tác phẩm “Me Tây ra đời”, anh cũng ra mắt thêm hai tác phẩm văn học: tập truyện ngắn “Bóng anh hùng” và tạp văn “Không lạ”.

“Bóng anh hùng” (tập truyện ngắn), “Không lạ” (tạp văn), hai tập sách do Đinh Tị books liên kết với Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành. Anh cùng một lúc ra hai tác phẩm văn học. Hai tác phẩm song hành xuất bản này cho thấy thấy "những Doãn Dũng" khác nhau. Là tác giả mới đến với văn chương, anh có thể lí giải về sự "thoát xác kì diệu" này?

Giọng văn là thứ trời cho, muốn thay đổi cũng không được, cố thay đổi sẽ hỏng. Tôi nghĩ hai cuốn sách trên đều một giọng, loại giọng văn nói giễu nhại nhưng cường độ khác nhau. Tạp văn của tôi thật ra là những truyện ngắn một chi tiết hoặc ghi chép, viết nhanh và dễ, mang tính giải trí là chính. Vì vậy tôi sử dụng cách viết giễu nhại mạnh hơn để chuyển tải tới lớp độc giả đọc cho vui là chính. Với tập truyện ngắn, những câu chuyện mang nhiều thông điệp dành cho một lớp độc giả khó tính hơn, vì thế tôi phải giảm bớt “tông” để phù hợp với câu chuyện và người đọc, nhưng chất “tửng” vẫn là mồi nhử để độc giả đọc đến chữ cuối cùng.
 
Nhà Văn Doãn Dũng, Chủ tịch hàng thời trang IVY moda mới ra mắt hai tác phẩm văn học
Nhà Văn Doãn Dũng, Chủ tịch hàng thời trang IVY moda mới ra mắt hai tác phẩm văn học

Ở truyện ngắn “Roi đời”, tôi đi qua một "nếp nhà thời bao cấp của anh" để chứng kiến những đổ vỡ trong đời sống tình cảm gia đình: Người mẹ thờ ơ khi đứa con bị sốt, nhưng sắp "lên cơn" khi con lợn bị ốm, người cha hay tin con bỏ nhà ra đi thì "hóa điên" khi nghĩ con lấy cắp vàng mà không quan tâm con mình đang ở đâu? Một nhà văn lớn lên thời bao cấp, liệu những cảm thụ của anh trong "roi đời" có quá khắc nghiệt?

Chị đã đi qua hàng ngàn nếp nhà thời bao cấp chứ không phải một nếp nhà. Đấy là những câu chuyện bình thường, xảy ra ở nhiều gia đình vào thời điểm đó. Bây giờ nghĩ lại, đọc lại thì thấy kinh, chứ ngày ấy, người ta chấp nhận một cách tuyệt đối vì cũng chẳng có mẫu hình nào để so bì. Nhưng tôi tin chắc rằng sự đổ vỡ tình cảm trong gia đình không cao bằng bây giờ. Chúng ta đang sống ở thành phố, nơi mà hơn chục năm nay thay da đổi thịt rất nhiều. Chúng ta không phải lo lắng bữa sau ăn gì, nhà có còn gạo không như thời bao cấp, nhưng không có nghĩa là gần 90 triệu người Việt Nam cũng giống như chúng ta. Ở nông thôn, miền núi, nhiều nơi vẫn khổ cực và mông muội vô cùng. Cách đây mấy năm, ở một huyện miền núi, một bí thư xã đang chuyện trò với chúng tôi phải xin phép bỏ dở vì có án mạng. Một ông bố đập chết đứa con trai hai tuổi rồi vác xác lên ủy ban xã trình diện.

Nếu theo dõi có hệ thống trên báo chí, chúng ta thấy  chưa bao giờ cái ác lại lên ngôi như bây giờ. Cha mẹ không thương yêu nổi con mình thì còn yêu được ai nữa? Hầu hết trong các truyện ngắn, tôi đều mượn bối cảnh, quan hệ gia đình để phản ánh các quan hệ xã hội.

Ở những câu chuyện khác, tình yêu, tình vợ chồng dưới góc nhìn của anh đều thông qua khả năng của sinh lý. Và chính cái yếu tố sinh lý được anh lý giải vì sao người phụ nữ phản bội chồng mình, một cô gái chỉ cần bốn đêm "thoả mãn" nhu cầu là...mãn nguyện. Nếu trong cuộc sống, nhà văn nhìn nhận những đổ vỡ trong cuộc là do cái bản năng, thì tâm hồn có ý nghĩa thế nào trong đời sống tình yêu và hôn nhân hiện nay?

Tình dục trong hôn nhân cũng là một phần của tâm hồn chứ. Hành vi tình dục trong hôn nhân là sự hòa quện giữa tâm hồn và thể xác. Tỷ lệ ly hôn vì không hòa hợp tình dục luôn chiếm quả nửa các vụ ly hôn, nhưng phần lớn đều ngụy trang dưới một lý do chung chung: không hợp nhau. Về mặt tự nhiên, đàn ông đàn bà đến với nhau để duy trì nòi giống bằng hành vi tình dục. Vì vậy, sự không hài lòng về tình dục luôn là gốc rễ của những mâu thuẫn tích tụ dồn nén  dẫn đến chia tay.
 
Bìa cuốn tạp văn Không lạ...
Bìa cuốn tạp văn "Không lạ"...


và bìa tập truyện ngắn Bóng anh hùng

và bìa tập truyện ngắn "Bóng anh hùng"

Với giọng văn tưng tửng, lối kể  khách quan, nhưng những câu chuyện của anh đều ít nhiều xuất hiện những "đổ vỡ và trải nghiệm" với nhiều biến ảo qua từng câu chuyện, có những truyện nhìn lại thấy  rờn rợn bởi những chi tiết đậm chất bi thương: “Say súng”, “Bóng anh hùng”. Xây dựng những câu chuyện thời chiến khá táo bạo như thế, anh có ngại "vấp" phải dư luận?

Tôi nghĩ là không. Một là tôi không phải nhà văn nổi tiếng để dư luận săm soi. Hai là những gì tôi viết cũng chẳng có gì ghê gớm tới mức để dư luận lên tiếng. Bóng anh hùng đã in trên Văn Nghệ, sau đó nhà văn Hồ Anh Thái cho in lại trên báo Đại Biểu Nhân Dân, cũng chẳng ai có ý kiến gì đâu.

Tôi rất ngạc nhiên vì đọc truyện ngắn của anh, tôi gặp khá nhiều đổ vỡ và trải nghiệm. Đến "Say súng", tôi bị nổi da gà khi đọc câu chuyện này, người lính chiến trong tác phẩm của anh không chỉ say súng mà còn khát máu quân thù. Có cường điệu quá không chi tiết này?

Những người lính trận, bất kể bên nào đều hiểu cảm giác này nên không có gì là cường điệu. Cho dù dân tộc ta là một dân tộc chuộng hòa bình, các cuộc chiến đều vệ quốc, nhưng đấy mới chỉ là khởi nguồn cho những người con xách súng lên đường. Nhưng khi đối mặt với quân thù ở tiền duyên, sự sống cái chết chỉ trong tích tắc, khoảnh khắc ấy dành cho bản năng và may rủi và rất dễ bị cuốn vào cơn say bắn giết. Hơn ai hết, chúng ta ý thức được điều đó và công tác tư tưởng cho những người lính luôn được quân đội ta đặt lên hàng đầu.

Chọn thử nghiệm yếu tố tâm linh cho truyện ngắn “Bóng anh hùng”, tác phẩm của anh có "ảnh hưởng" sâu sắc bởi bút pháp Hiện thực huyền ảo. Nhà văn Thùy Dương khá thành công và gây chú ý với tiểu thuyết "Nhân gian", tại sao viết về sự oanh liệt, tàn khốc trong chiến tranh, anh lại mượn bút pháp này để đi đến tận cùng của cảm xúc?

Chiến tranh là mất mát, là chết chóc mà. Thông thường chết là hết. Hàng vạn người đã ngã xuống, nhưng không phải cái chết nào cũng oanh liệt, đấy mới đúng là chiến tranh.

Tôi muốn mượt bút pháp hiện thực huyền ảo để kết nối giữa hai thế giới âm dương, nhào nặn một không gian không có thật cho nhân vật để kể về một cái chết nhạt toẹt như thế. Một cái chết chiến trận nhưng không tiếng hô xung phong, không có ánh mắt nảy lửa căm hờn, như hàng ngàn cái chết nhạt toẹt khác trôi vào lãng quên. Tôi viết vì họ đều mang thân phận con người.

Những mẩu chuyện với trải nghiệm dí dỏm, lối viết hài hước từ những lát cắt của cuộc sống. Anh nói tạp văn không sang, nhưng thực sự “Không lạ” lại khác những  tác phẩm văn học Việt thời gian gần đây?

Không sang là đúng rồi. Tạp văn là thứ dễ viết nhất mà. Không lạ cũng đúng rồi, vì các câu chuyện, những lát cắt cuộc sống trong cuốn “Không lạ” không hề xa lạ với người đọc. Chị cảm thấy lạ, bởi giọng văn tôi viết thôi. Mỗi người có một giọng viết riêng, giọng của Doãn Dũng phải khác giọng của ông X bà Z chứ. Chị mới đọc thấy lạ là lẽ đương nhiên. Sau lần này lại thấy hết lạ thôi mà.

Ở “Không lạ”, từ một người viết khó tính với những chắt lọc mảng sống rất đời, rất sâu và tiệm cận từng khoảng thời gian, không gian: Thời chiến tranh, thời bao cấp, trở về một người viết lém lỉnh, tinh rất thực. Đọc “Không lạ”, không phải để cười xuề xoà giải trí, mà vẫn giúp người đọc chiêm nghiệm cuộc đời. Đó có phải là dụng ý của anh?
 
Chị hỏi đúng rồi đấy. Tôi luôn ý thức dòng văn bản ngầm gì chảy dưới những câu chữ, cho dù chỉ là tạp văn. Nhưng nếu không nhìn ra thông điệp mà chỉ cười hi hi cũng thành công rồi. Mục đích chính của Không lạ vẫn là giải trí cho đông đảo bạn đọc mà. Cuốn này chắc bán chạy lắm chị nhỉ (cười)
 
Có khá nhiều hình tượng ở đời thường "lội" vào “Không lạ” để làm ví dụ. Tôi thích nhất nhân vật chụp ảnh dạo bờ hồ tên Ma Sơn (Mắt gái, Không lạ), Ông bạn già (Thái Lan có gì lạ), ông bạn Nga ngố (Rau sạch)…những câu chuyện đọc thinh thích, cười rúc rích, nếu có ai đó nhận xét về cuốn tạp văn như thế, anh thấy đã đủ chưa?
 
Ai viết văn cũng muốn có người đọc. Viết bi hài mà độc giả gấp sách lại không trả cho tác giả giọt nước mắt cùng tiếng khúc khích thì hỏng rồi. Tôi là người có khiếu kể chuyện, và tôi tận dụng thế mạnh ấy trong Không lạ. Có những chuyện người trong cuộc biết rõ mười mươi, nhưng qua cách kể của tôi chính họ đọc lại cũng bật lên tiếng cười sảng khoái. Lấy được tiếng cười của độc giả trong Không lạ chẳng có gì hạnh phúc hơn.
 
Thời trang IVY moda, một thương hiệu đã đưa Doãn Dũng lên đỉnh cao của sự nghiệp thời trang
Thời trang IVY moda, một thương hiệu đã đưa Doãn Dũng lên đỉnh cao của sự nghiệp thời trang

Một ông chủ  thời trang Ivy với 600 nhân viên và hệ thống cửa hàng thời trang trải khắp đất nước, tháng nào cũng “trốn” nhân viên đi phượt biệt tích một nơi nào đó. Chừng ấy đã đủ phác hoạ Doãn Dũng chưa?

Chưa. Tôi đã ở tuổi tứ thập nhi bất hoặc, một vợ ba con với nhiều nốt thăng giáng trong đời. Chừng ấy sao phác họa được chân dung một con người. Nhưng mà thôi, chị phải để dành đất cho người khác khai thác chứ.À, mà dạo này tôi cũng ít đi phượt, vì bận quá.

Làm ông chủ IVY moda đang phát triển với tốc độ chóng mặt hiện nay, và làm một "gã nhà văn" cầm bút chầm chậm sống và trải nghiệm, hai lăng kính đó cùng tồn tại trong một con người, liệu  có vênh nhau nhiều không?

Cũng vênh nhau đấy. Hồi đầu tôi nghĩ là ổn, tôi có khả năng điều tiết được. Nhưng sau nhận ra nếu thả mình đến tận cùng những đam mê trên trang viết, kinh doanh của tôi chắc chắn ảnh hưởng và vì vậy tôi phải chọn giải pháp viết chầm chậm, tức là chỉ viết khi có thể. Thời gian chính vẫn dành cho kinh doanh thời trang.

Kinh doanh thời trang Ivy, anh luôn phải có mục tiêu phát triển, quảng bá thương hiệu để đạt đến một tầm vóc nào đó trên thương trường. Nhưng ở văn chương lại đòi hỏi ở người viết ngoài tài năng, còn phải lao động khổ sai, nghiêm túc. Nhất là Doãn Dũng, một ông chủ thành công như anh, càng phải thoát ra khỏi cái "bóng" của "đại gia cầm bút". Anh có thấy áp lực không khi chọn văn chương để thoả chí?

 Đại gia cầm bút toàn làm thơ đấy chứ, mấy ai viết văn đâu. Thơ đôi khi còn đánh lừa được bạn đọc chứ văn không lừa được đâu. Thật sự tôi chưa nhìn thấy cái bóng của đại gia nào để cần phải thoát.

 Viết văn cũng có thể là thỏa chí, cũng có thể là chia sẻ nỗi niềm trước những nỗi đau nhân nhìn thế thái. Mà tôi thì lại lắm nỗi niềm quá (cười). Không chỉ trong văn chương, mà bất cứ cái gì muốn tốt hơn đều áp lực cả, mình phải đối mặt và vượt qua mới tiến bộ được chứ.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
Địa chỉ phát hành sách:
 
Công Ty Cổ Phần Phát Hành Sách FAHASA  toàn quốc; Công Ty Cổ Phần Sách Tiền Phong : toàn quốc; Nhà Sách Trí Tuệ : 187 Giảng Võ - Hà Nội; Đông Tây Đinh Lễ - Trung Tâm Sách Hà Nội : Số 4 Đinh lễ; Công Ty TNHH một thành viên Sách Việt Nam: 44 Tràng Tiền Hà Nội. Và 100  nhà sách trên toàn quốc.
 
Nhân dịp ra sách, tác giả Doãn Dũng dành tặng cho độc giả 10 cuốn tạp văn Không lạ và 10 cuốn Bóng anh hùng có chữ ký của nhà văn Doãn Dũng. Độc giả có thể đăng ký nhận quà tặng theo email: ivyfashion@ivy.com.vn

Thiên Lam