Đỗ Thanh Hải: “Chúng tôi đâu có mạt sát lẫn nhau?”
(Dân trí) - “Trên một số phương tiện truyền thông có đưa tin rằng trong một cuộc hội thảo tại LH truyền hình toàn quốc vừa qua, các hãng phim tư nhân và các hãng phim nhà nước tranh luận gay gắt và mạt sát lẫn nhau, điều đó là không đúng!” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết.
“Có những điều tôi thấy tiếc…!”
Vậy anh có thể cho biết hư thực xung quanh cuộc hội thảo đang gây nhiều dư luận trên báo chí giữa các hãng phim tư nhân và hãng phim nhà nước?
Cuộc hội thảo diễn ra không hề căng thẳng như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin, đó chỉ là một cuộc tranh luận thẳng thắn. Xưa nay, chúng ta vốn đã quen với những cuộc họp bàn nhàn nhạt, góp đủ ý kiến rồi ra về, bởi vậy khi có người muốn tranh luận mạnh mẽ, rõ ràng để xới lên vấn đề rất thiết thực trong xu thế xã hội hoá như cuộc hội thảo vừa qua tại Liên hoan truyền hình thì một số người hơi giật mình vì ý kiến đưa ra quá thẳng thắn.
Tôi có mặt tại cuộc hội thảo. Và theo tôi, đã đến lúc các hãng phim phải ngồi lại với nhau, bàn bạc thẳng thắn với mục đích cùng nhau nâng chất lượng phim truyền hình lên. Những vấn đề chúng tôi đưa ra là gì? Không thể để những bộ phim kém chất lượng phát sóng trên giờ vàng triền miên và việc các hãng phim tư nhân thu hút nhân lực từ các hãng phim nhà nước mà không cần trao đổi kèm theo các điều kiện, xét ở một mặt nào đó, là vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ.
Tôi lấy ví dụ, một đạo diễn vừa mới ra trường được nhận về làm tại một hãng phim nhà nước, sau năm năm làm việc, đạo diễn đó được đào tạo, được chia sẻ kinh nghiệm làm phim trong môi trường làm việc thực tế, được giao phim, được hướng dẫn làm… Tóm lại, đạo diễn đó được tạo điều kiện để “chắc” tay nghề hơn. Đúng lúc ấy, hãng phim tư nhân tìm cách đưa đạo diễn đó về làm mà không mất bất kỳ một chi phí nào về đào tạo, thậm chí đạo diễn đó còn đang hưởng lương từ hãng phim nhà nước, điều đó rõ ràng là không hợp lý!
Vấn đề đặt ra là các hãng phim nhà nước không thể bắt ai cũng suy nghĩ sẽ phải mãi gắn bó với mình nếu không có những cơ chế thoả đáng để giữ người làm được việc, và ngược lại, hãng phimn tư nhân khi lấy người cũng cần nhìn sâu hơn vấn đề, đừng “với tay hái hoa mà quên công người chăm sóc”, rồi đẩy các hãng phim nhà nước vào thế bị động, thiếu nhân lực khi họ đã và đang phải gánh cả một guồng máy sản xuất.
Vấn đề một phần cũng nằm ở vị đạo diễn kia, nếu anh ta gắn bó với hãng phim nhà nước, thì dù cho hãng phim tư nhân có bỏ ra bạc triệu cũng không thể có được (cứ tạm gọi là) nhân tài ấy. Thu nhập ở các hãng phim tư nhân bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Chẳng lẽ, bản thân đạo diễn Đỗ Thanh Hải chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra làm cho tư nhân?
Cũng có những đề nghị tôi ra làm cho tư nhân và tôi phải suy nghĩ. Thu nhập với ai cũng là điều quan trọng. Nhưng hãy đặt vào hoàn cảnh khi tôi vừa mới ra trường, có hãng phim tư nhân nào chấp nhận mạo hiểm giao phim cho các đạo diễn trẻ như tôi thử sức? Còn ở hãng phim nhà nước, tôi đã có được một môi trường tốt để bước đi những bước đầu tiên trong nghề.
Làm phim tư nhân cũng có những cái hay, cái tốt, song, cũng có những áp lực, những khó khăn khi vấn đề lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Ở đó, có thể cái “Tôi trong sáng tạo” của tôi sẽ bị hàng loạt vấn đề như phim phải luôn chứa đựng các yếu tố hút khách, lợi nhuận… đè bẹp. Chạy theo đồng tiền ai bảo là không mệt mỏi!
Tôi nghĩ khi đã lựa chọn làm việc ở đâu đều có cái hay và chưa hay, vấn đề là do mỗi người tự quyết định cái nào phù hợp với mục đích của mình và có đủ khả năng để khẳng định tài năng không thôi. Một đạo diễn chuyên làm phim kinh doanh cũng có giá trị như một đạo diễn theo xu hướng nghệ thuật, quan trọng là làm cái gì thì cần nhấn mạnh được cái đó. Tôi là đạo diễn phim truyền hình thì tôi sẽ phải chứng tỏ cho nhiều đạo diễn khác thấy làm phim truyền hình hấp dẫn được số đông khán giả không phải là chuyện dễ.
Đã bao giờ anh cảm thấy tiếc vì sự lựa chọn ấy?
Cũng có nhiều điều tôi thấy tiếc nhưng đó là lựa chọn mà đến lúc này, tôi không cảm thấy hối hận. Tôi tiếc vì mấy năm qua, thời gian dành cho Gặp nhau cuối tuần quá nhiều nên không làm được những bộ phim cho riêng mình.
Ngay cả chuyện làm Gặp nhau cuối tuần đem lại nguồn thu lớn cho Đài, diễn viên hài được các bầu sô mời biểu diễn với cát xê rất cao sau khi quen mặt qua GNCT, còn chúng tôi là đạo diễn chỉ hưởng nhuận bút theo qui định... Nhiều người nói: Tiếc thật, giá mà làm cho tư nhân thì… Nhưng nếu làm cho tư nhân, tôi cũng sẽ có những điều đáng tiếc riêng. Nên, như tôi đã nói ở trên, làm ở đâu cũng có cái hay, cái dở, nhưng nếu có tài thì ở đâu người ta cũng sống được!
Vậy là anh có tài?
Nếu tự tôi bảo tôi tài thì xem ra không thuyết phục lắm! Nhưng nhìn lại những bộ phim đã làm như Của để dành , Phía trước là bầu trời, rồi các chương trình Gặp nhau cuối năm, Táo quân… tôi tự thấy mình không hề tệ!
Anh nghĩ sao, khi có ý kiến rằng với những gì Đỗ Thanh Hải làm được với Gặp nhau cuối tuần, nếu “gã” ấy mà ra làm bầu sô thì đã “phất” to?
Với công việc hiện tại ở Đài bây giờ, tôi sống cũng ổn. Tôi cũng tham gia làm một số chương trình ở ngoài khi có thời gian. Còn phất to khi làm bầu sô thì chưa chắc. Muốn thành công thì mình phải đam mê với công việc đang làm, mà tôi lại chẳng khi nào đam mê làm bầu sô cả.
Cũng có ý kiến cho rằng, anh gắn bó với nhà Đài chẳng qua là vì thăng quan tiến chức?
Điều ấy là bình thường! Tôi không tin rằng có ai đó dốc sức cho công việc mà lại không mong muốn một điều gì cho bản thân cả! Nhưng, với nghệ sỹ chúng tôi điều quan trọng nhất vẫn là tác phẩm. Cương vị quản lý nếu người này không làm, sẽ có người khác. Nhưng với một tác phẩm khi là của tôi, nó khác với khi nằm trong tay đạo diễn khác, nghĩa là, “thương hiệu” của một bộ phim được đảm bảo bởi cái tên của người thực hiện.
“Tôi sẽ không thể làm được gì nếu không có vợ tôi!”
Được biết, anh vừa đạt HCV tại Liên hoan truyền hình với phim truyền hình một tập, Nhà có ba chị em gái. Anh sẽ nói những gì trước tiên nếu được hỏi về bộ phim này?
Đúng là nói đến phim tôi hào hứng hẳn lên! Bản thân tôi chỉ thích nói chuyện công việc. Rất lâu rồi tôi không được làm phim, cứ hứa hẹn mãi với khán giả, đây là bộ phim tôi làm để giữ lời hứa, rời tay khỏi Gặp nhau cuối tuần là tôi đi làm phim ngay. Câu chuyện phim Nhà có ba chị em gái- bên cạnh thông điệp về quan niệm hạnh phúc còn là lời cảnh báo nguy cơ rạn nứt trong mô hình gia đình truyền thống trước “cơn bão” hội nhập kinh tế. Đây là một kịch bản mà tôi rất háo hức!
Có thể hiểu, Nhà có ba chị em gái lấy đề tài về cuộc sống gia đình, xin được hỏi trong phim anh có lấy chút “chất liệu” nào từ gia đình nhỏ của anh?
Tôi nghĩ, đạo diễn nào khi bắt tay vào làm phim cũng gom nhặt những chất liệu từ cuộc sống của mình, và những người sống xung quanh. Cuộc sống thời hội nhập cuốn mỗi cá nhân vào những lo toan bận rộn, khiến những điều giản dị như bữa cơm của một gia đình cũng thiếu vắng thành viên. Gia đình nhỏ của tôi cũng có những chuyện như thế chứ, cả hai vợ chồng đều bận. Vợ chồng tôi vẫn thường phải nói chuyện với nhau một cách rõ ràng về công việc để có thể thu xếp thời gian cho gia đình. Điều quan trọng nhất để giữ một mái ấm là sự sẻ chia và thông cảm cho nhau.
Lên báo, anh có vẻ rất kiệm lời khi nói về gia đình?
Tôi không thuộc tuýp người thích nói chuyện riêng tư trên báo chí.
Dù anh kiệm lời thì ai cũng biết vợ của anh rất nhiều rồi! Thậm chí, khi đám cưới diễn ra cách đây mấy năm, người ta còn biết đến Châu Anh nhiều hơn Đỗ Thanh Hải. Ai cũng bảo, Đỗ Thanh Hải là một người đàn ông may mắn, anh nghĩ sao?
Tôi may mắn chứ! Nếu lấy một người vợ không hiểu, không chia sẻ, không vun vén cho gia đình thì đó là một sự bất hạnh, người đàn ông sẽ chẳng thể làm nên việc gì. Phía sau người đàn ông bao giờ cũng phải là một người phụ nữ, tôi sẽ chẳng thế làm được gì nếu như không có vợ tôi.
Vậy, phía sau người phụ nữ hạnh phúc sẽ là một người đàn ông như thế nào, theo anh?
Thông minh và bản lĩnh!
Anh có đủ cả hai yếu tố chứ?
Mỗi thứ đều có đủ dùng khi cần thiết
Cảm ơn anh và chúc anh hạnh phúc!
Hiền Hương