Đồ Rê Mí - Kho tàng âm nhạc tuổi thơ

(Dân trí) - Thời gian gần đây, người ta thường kêu ca rằng nền âm nhạc Việt Nam quá khan hiếm các bài hát thiếu nhi. Phải chăng đó là lí do mà chúng ta hay phải chứng kiến sự quằn quại của những tâm hồn non trẻ trong những cung bậc cảm xúc rất người lớn khi muốn thể hiện tài năng của mình?

Là 1 sân chơi, 1 thế giới dành cho thiếu nhi thực sự, hơn nửa chặng đường vừa qua, Đồ Rê Mí Đôi 2013 đã chứng minh cho khán giả thấy những điều không hẳn thế. Đồ Rê Mí không chỉ đưa khán giả trở về với tuổi thơ đầy vui tươi, hồn nhiên mà còn mang đến cả 1 thế giới âm nhạc trẻ thơ vừa gần gũi, thân thương, vừa mới mẻ, hiện đại và vô cùng quý báu.

 

Ngay từ vòng loại, hàng trăm thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước đã mang đến biết bao khoảnh khắc hồn nhiên, những câu nói ngây ngô, những động tác ngộ nghĩnh và giúp ban tổ chức cũng như khán giả điểm danh lại rất nhiều các ca khúc thực sự dành cho thiếu nhi từ những bài hát rất quen thuộc đến những bài hát lâu rồi chưa được nghe.

 

Vẫn trên tinh thần đó, 5 show của Vòng Ghép đôi năm nay, Ban tổ chức đã để cho chính các em được tự lựa chọn ca khúc, hướng dẫn bạn cặp đôi và cùng nhau thể hiện bằng tất cả những gì các em có nhằm mang đến cho khán giả sự gần gũi, vô tư và trẻ thơ nhất. An Nam với giọng hát ngọt ngào và tình cảm đã chọn ngay cho mình "Dịu ngọt tình yêu thương" kết đôi cùng Ngọc Nhất, "Bay lên ước mơ" hát cùng Quỳnh Giao, "Nhớ giọng hát Bác Hồ" cùng Rmah Thanh Xuân; Nhật Minh bằng sự thông minh, nhanh nhẹn, giọng hát khoẻ và sáng đã lựa chọn các ca khúc "Nụ cười thiên thần" biểu diễn cùng Quốc Thái, "Lỳ và Sáo" trình diễn cùng Quỳnh Giao, hay "Bé đi học" hát cùng Khánh Nhi… Các ca khúc dễ thương khác như "Ba em là công nhân lái xe", "Khúc hát chim sơn ca", "Cô giáo em là hoa ê ban", "Một bầy heo con", "Dắt trâu ra đồng" ... cũng được các em yêu thích và lựa chọn trình diễn. Nhờ đó, khán giả lớn tuổi đã được được ôn lại những bài hát kỷ niệm của tuổi thơ, khán giả nhỏ tuổi được tiếp cận với các bài hát có thể mới, có thể quen nhưng rất dễ nghe và dễ thuộc.
 

 

Một thực tế không thể phủ nhận là nền âm nhạc thiếu nhi Việt Nam đang ngày một bớt dần đi sự phong phú, đa dạng và mới mẻ. Nên cái mà Đồ Rê Mí làm được càng đáng quý. Riêng về âm nhạc, khi đã chọn cặp và chính thức bắt đầu cuộc chơi, mới vừa qua đêm diễn thứ 3 của vòng Chắp cánh nhưng khán giả theo dõi sẽ không khó để nhận thấy rất nhiều sự mới mẻ trong màu sắc âm nhạc mà Đồ Rê Mí Đôi 2013 đã mang đến. Sau mỗi đêm thi, người ta lại phát hiện ra những ca khúc hoặc rất mới, hoặc rất cũ, hoặc vô cùng đáng yêu để có thể dạy cho con trẻ, để cho con nghe đi nghe lại mỗi ngày. Tất cả đều rất “Đồ Rê Mí”.
 
Đồ Rê Mí - Kho tàng âm nhạc tuổi thơ


 

Nhờ có Đồ Rê Mí, những bài hát tưởng như rất xưa cũ đối với người lớn, lạ lẫm với trẻ em vì không có dịp được nghe dù có từ rất lâu như "Mặt trời bay" (Phạm Tuyên), "Em bé quê" (Phạm Duy), "Lỳ và Sáo" (Văn Chung), "Đời sống không già vì có chúng em" (Trịnh Công Sơn) ... đã sống lại trong lòng khán giả nguyên vẹn trong cảm xúc và mới mẻ trong cách thể hiện. Mỗi năm thi, dù cho có lựa chọn lại thì với cách hoà âm, dàn dựng, và cách thể hiện rất riêng của từng "ca sĩ nhí", Đồ Rê Mí vẫn mang đến cái hồn rất riêng cho từng tiết mục. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ trẻ Anh Minh - trưởng nhóm biên tập âm nhạc của chương trình Đồ Rê Mí cho biết "Thực trạng nền âm nhạc thiếu nhi đang ngày một khan hiếm các ca khúc mới là thực trạng mà ai cũng thấy. Bởi thế, việc một số ca khúc cũ nhưng hay, có nội dung ý nghĩa vẫn thường xuyên được Đồ Rê Mí lựa chọn cũng không phải là lạ. Điều này mang đến cho các con cũng như khán giả theo dõi có được sự tự tin, gần gũi và thân thuộc khi thể hiện và tiếp nhận ca khúc. Nhưng vấn đề làm sao để quen mà không nhạt, cũ mà không “lối mòn” là điều mà tôi luôn hướng đến nhằm đem đến những món ăn tinh thần mới mẻ và phong phú cho khán giả. Tôi cũng không muốn các con phải bơi trong những chiếc áo quá rộng nên việc làm mới 1 cách phù hợp cũng rất quan trọng. Chúng tôi cũng đang cố gắng phát huy nhiều hơn nữa trong sân chơi âm nhạc cho trẻ em này."  

 

Không chỉ làm sống dậy những bài hát xưa đầy mới mẻ, Đồ Rê Mí còn rât có công “khai phá” và giới thiệu các bài hát mới toanh mà vô cùng dễ thương như "Nhà của ta" (Nguyễn Vĩnh Tiến) hay "Bé làm bánh Gato"(Nguyễn Lê Tâm) được các cặp đôi thể hiện trong show Hát bè vừa rồi... Nếu như không có Đồ Rê Mí thì có lẽ sẽ rất lâu nữa hoặc cũng có thể là khó có dịp khán giả biết đến những bài hát đáng yêu và ngộ nghĩnh như thế này. Vì theo tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, "Nhà của ta" là ca khúc anh viết dành riêng cho những "công chúa, hoàng tử " trong gia đình có những cái tên rất dễ thương: Bống, Nhím, Cua. Ấy thế mà một ngày đẹp trời, Bống, Nhím, Cua nhà anh Vĩnh Tiến lên hết sân khấu Đồ Rê Mí tung tăng vui đùa trong giọng hát véo von, nhí nhảnh của Hương Thảo và Quốc Thái. Bài hát tưởng riêng mà lại hoá chung này đã được rất nhiều khán giả yêu thích dù có vẻ như ai cũng mới lần đầu tiên được nghe. "Bé làm bánh Gato" cũng là 1 trong sê-ri những bài hát "Bé làm..." của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm và cũng lần đầu tiên xuất hiện trên sân chơi Đồ Rê Mí dưới sự thể hiện của Ngọc Nhất và Nhật Minh. Vì thế, có thể chắc chắn 1 điều rằng, từ giờ trở đi khi nhắc đến "Nhà của ta" hay "Bé làm bánh Gato", khán giả không thể không nhớ đến 4 gương mặt đáng yêu của Đồ Rê Mí đã trình bày hai ca khúc này.
 

 

Vừa là nơi lưu giữ những bài hát thiếu nhi truyền thống, là nơi phát hiện những ca khúc mới mẻ  và hơn thế, nhằm nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc nhí 1 cách đầy đủ, trọn vẹn và phong phú, yếu tố hiện đại cũng là 1 yếu tố mà chương trình Đồ Rê Mí không thể bỏ qua. Tuy nhiên, hiện đại trong nét truyền thống, học hỏi có sáng tạo và luôn đặt yếu tố giữ gìn văn hoá Việt Nam lên hàng đầu, đặc biệt là đối với thế hệ măng non của đất nước, nắm bắt được điều này, Giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh- 1 trong 3 thành viên BGK theo suốt chương trình từ nhiều năm nay, với tâm huyết, lòng yêu trẻ và tình yêu âm nhạc của mình, chị đã đóng góp tâm sức phổ lời Việt rất nhiều các bài bài nước ngoài có giai điệu đáng yêu như "Ariang" - Thanh Trúc (2010), "La Bamba" - Tuyết Nhi (2011), "Toreado" - Trí Dũng (2011) hay "Doremi Song" – Khánh Ngọc, Quỳnh Giao (2013) ... Giám khảo Châu Anh cho biết "Việc phổ lời Việt các ca khúc thiếu nhi nước ngoài giúp tôi có thể đưa đến cho các con những bài học cuộc sống thông qua lời bài hát, ca từ phù hợp và ý nghĩa sẽ giúp các con tự tin khi biểu diễn trên sân khấu vì hiểu được những gì mình đang trình bày". Quả thực, bằng cách này hay cách khác, Đồ Rê Mí luôn biết nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ thông qua những điều phù hợp và ý nghĩa.Và cũng chỉ có ở sân chơi Đồ Rê Mí, thiếu nhi Việt Nam mới có dịp và dễ dàng tiếp cận được những ca khúc nước ngoài dễ thương như thế này.
 
Đồ Rê Mí - Kho tàng âm nhạc tuổi thơ

 

Sẽ còn tiếp tục những điều thú vị, bất ngờ ở chặng đường còn lại của Đồ Rê Mí Đôi 2013, với tất cả các ca khúc nghiễm nhiên được "cộp mác" Đồ Rê Mí trong lòng khán giả như đã kể trên, xét về sắc màu âm nhạc nhí, tính đến thời điểm này, Đồ Rê Mí dường như không có bất cứ đối thủ cạnh tranh nào.

 

 
LL