Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi sống cuộc sống của một người đàn bà”
“Tôi không hoang mang và sẽ không bao giờ hoang mang. Cuộc sống của tôi, tôi chỉ hoang mang trong những chuyện thuộc về tình cảm, gia đình. Còn lại, phù du hết…”, Đỗ Hoàng Diệu - nữ tác giả tập truyện ngắn "Bóng đè" gây xôn xao gần đây, bộc bạch.
Nguyễn Huy Thiệp đánh giá chị là một trong hai nhà văn VN trẻ với tư duy và văn phong mới mẻ, nhiều triển vọng. Và nhiều cây bút phê bình có uy tín viết giới thiệu tập truyện ngắn Bóng Đè. Chị cho rằng, đó là sự cảm nhận của cá nhân của họ đối với tác phẩm của chị hay là những tiếng vỗ tay cổ vũ chào đón chị vào "văn trường" với một giọng - tạm gọi là riêng biệt?
Nếu bạn đã cho rằng nó một giọng nói riêng biệt thì bạn có nghĩ tất cả mọi người khi nghe đều hiểu giọng nói đó hay không? Nhất là lúc ban đầu khi mới cất lên? Nguyễn Huy Thiệp và những cây bút viết giới thiệu tập truyện của tôi, đều là những nhà văn tôi kính trọng, có người tôi xem là thần tượng của mình. Và khi viết Bóng Đè, tôi chưa gặp họ bao giờ.
Tôi chưa đọc Tác phẩm tuổi xanh được giải của chị. Nhưng với một truyện viết đã lâu như "Huyền thoại về lời hứa", khi so sánh với "Tình chuột"- truyện gây ấn tượng đầu tiên về cái tên Đỗ Hoàng Diệu, đúng là có một bước chuyển khác hẳn về thái độ sống của nhân vật. Sự mềm mại lãng mạn chuyển sang sự day dứt nhục cảm có phải là sự thay đổi về thái độ sống của cá nhân nhà văn đã có một cuộc cách tân?
Khi viết, tôi không đặt ra một khuôn phép nào cho các nhân vật của mình. Nhưng cả hai cô gái trong hai truyện ngắn mà bạn vừa nhắc đến đều yêu hết mình, chung thuỷ chờ đợi người đàn ông mình yêu và cuối cùng đều chết. Như vậy thái độ sống của nhân vật đâu đã là khác hẳn. Có chăng, cô gái trong "Tình chuột" phải sống trong một môi trường lang sói hơn mà lại có trái tim quá yếu đuối. Vì thế, cô phải cố gồng mình lên chống đỡ. Có thể, hình thức của tôi sẽ thay đổi theo thời gian, tuổi tác, môi trường, địa vị xã hội…nhưng bản năng gốc thì không. Và các nhân vật của tôi cũng vậy.
Có lần chị đã tâm sự rằng: "Nhà văn trong nước muốn viết được phải sống được, phải có cái đầu trên cổ mới có chữ phun ra tay". Một nhà văn như chị đã phải sống thế nào khi tác phẩm đến được với người đọc dè dặt như thế?
Tôi không hiểu bạn nghe được tâm sự này ở đâu? Nhưng giả dụ tôi có nói như vậy cũng không sai. Và không phải nhà văn trong nước hay ngoài nước, nhà văn Việt Nam hay nhà văn Mỹ… bất cứ nhà văn nào đang còn sống thì mới viết được chứ! Vả lại, tôi đang không sống bằng cuộc sống của một nhà văn. Tôi sống cuộc sống của một người đàn bà, một người con trong gia đình, một người phụ nữ sẽ lập gia đình nay mai, một người đang học để trở thành luật sư.
Và việc lựa chọn của chị có thể hiểu như thế này không. Chị đã viết bằng bản năng văn học và trái tim mẫn cảm của chị. Chị cảm thấy đã đến lúc có thể nói và có người hưởng ứng ngòi bút của chị? Song có một vấn đề thế này. Dù chị nói không biết và không muốn bị gọi là người đi sau Vệ Tuệ. Nhưng rõ ràng Vệ Tuệ, Miên Miên hay Cửu Đan và kể cả cô bé mới lớn Xuân Thụ của Trung Quốc đã đi đến với bạn đọc Việt Nam trước chị. Chị nói tiếng nói đàn bà giống như họ, hay là các chị - dù ở những quốc gia khác nhau nhưng cũng có cái nhìn tưong tự nhau về thân phân và sự khẳng định nữ tính hiện đại?
Tôi cũng đã nghe rất nhiều người nói mình giống Vệ Tuệ. Nhưng tôi không biết họ nói tôi giống về hình dáng hay về cái gì. Về ngoại hình, Vệ Tuệ đẹp hơn tôi nhiều (tôi có xem hình của cô ấy trên mạng sau khi mọi người cứ nói tôi giống cô ấy!). Sách của Vệ Tuệ thì bán hàng triệu bản trên thế giới trong khi sách của tôi tạm gọi là bán chạy nhưng được mấy cuốn so với Vệ Tuệ? Hay là về truyện ngắn, bạn có thể chỉ ra cho tôi thấy tôi giống Vệ Tuệ ở chỗ nào không? Nếu bạn trả lời rằng giống về sự nhục cảm trong văn chương thì tôi xin nói rằng: đàn bà ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này cũng vẫn là đàn bà trừ khi họ bị đồng tính. Mà cho dù họ có đồng tính thì họ vẫn yêu đương. Chẳng nhẽ tôi lại khác họ, chẳng nhẽ nhân vật của tôi lại khác họ? Với lại, tôi không cố ý viết truyện để khẳng định nữ tính hiện đại.
Văn hoá phương Đông truyền thống quy nạp người phụ nữ vào khuôn thước và chuẩn mực. Chuẩn mực đó xét cho cùng đưa người phụ nữ đến những hạnh phúc và thước đo vẻ đẹp được công nhận. Nói ngược lại là người phụ nữ hiện đại cần phải khẳng định mình qua những lễ giáo và khuôn thước cứng nhắc. Nhưng nói xuôi đi, chị thấy rằng chuẩn mực ấy đem lại điều gì cho cá nhân chị và những phụ nữ hiện đại như chị?
Với riêng tôi, khuôn thước Công- Dung- Ngôn- Hạnh luôn là một chuẩn mực cho phụ nữ dù trong thời kỳ trước hay bây giờ và dù người phụ nữ ấy là nông dân hay trí thức. Chỉ có điều mình đạt được đến đâu là do bản thân mình. Tôi chỉ lấy ví dụ về Ngôn. Xã hội hiện đại, nam nữ bình quyền cả ở bên ngoài lẫn bên trong gia đình, phụ nữ cũng đao to búa lớn như ai. Nhưng khi nghe giọng nhỏ nhẹ dạ thưa của một cô gái, chúng ta đều mát lòng, và cũng không ai có thể nói cô gái đó không hiện đại. Hiện đại nằm ở tri thức và ý chí chứ không nằm trong bản năng của một người phụ nữ.
Dẫu sao, Bóng Đè chỉ phản ánh Đỗ Hoàng Diệu của ngày hôm nay- với những cái nhìn thực và giấc mộng du của quá khứ. Với cảm hứng bản năng thừa nhạy cảm, chị nhìn về quá khứ của mình như vậy liệu có quá gây shock đối với người vừa muốn quên quá khứ hoặc những người chưa biết về quá khứ?
Tôi rất thích cụm từ "giấc mộng du quá khứ" mà bạn dùng. Mà ngay cả y học cũng chưa có thuốc chữa mộng du. Nếu mà ai bị shock về cơn mộng du này thi người ấy có trái tim còn yếu đuối hơn cả trái tim của tôi mất rồi! Hôm trước, có độc giả hỏi tôi: chị có sợ tương lai sẽ bắn đại bác vào chị không? Tôi cười thật nhiều và trả lời: tôi bé còn hơn con kiến thì đại bác phí công mà bắn tôi, và có bắn cũng chẳng trúng. Đại bác phải nhắm những mục tiêu lớn, ít ra cũng phải bằng củ khoai nó mới bắn. Với lại, sang đến thì tương lai ấy, tôi cũng chết lâu lắm rồi…
Vào lúc này, chị đang hoang mang hay có niềm tin vào tương lai?
Tôi không hoang mang và sẽ không bao giờ hoang mang. Cuộc sống của tôi, tôi chỉ hoang mang trong những chuyện thuộc về tình cảm, gia đình. Còn lại, phù du hết… Nhưng tôi tin vào những điều tốt đẹp. Với lại, văn chương không phải và không thể là quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi. Vì thế, lời khen tiếng chê, áp lực, nếu có cũng chẳng tác động ghê gớm đến tôi như vậy.
Theo Chu Minh Vũ
Khám Phá