1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đỗ Hoàng Diệu: "Tại sao không được viết sâu về tình dục?"

Có thể nói, người bị búa rìu dư luận ghê gớm nhất trong năm qua không ai khác ngoài Đỗ Hoàng Diệu. Giống như Vi Thùy Linh, mọi giông gió bắt đầu từ chuyện tình dục trong văn chương...

“Con mẹ già dậy đi, có báo đánh đấy...”

Người ta khen và chê quá nhiều về “Bóng đè”, Diệu phản ứng thế nào?

Chẳng ảnh hưởng gì. Tôi vẫn cứ ăn và ngủ như thường.

Sau khi Bóng đè ra đời, có bao nhiêu bài báo tạm gọi là “đánh đập”...

Rấc tiếc là tôi lại không đếm và hầu như không đọc. Chính người bán sách cho tôi lẫn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Châu Diên có để trước mặt tôi một chồng báo “đánh đập” vào bảo: “Đọc đi! Đọc đi!”, tôi bảo: “Tại sao em lại phải đọc? Có trương ra trước mặt em cũng không bao giờ đọc cho nên đừng bao giờ đưa ra trước mặt em!”. Hôm trước, buổi sáng sớm đạo diễn Lê Hoàng phone: “Dậy đi, con mẹ già dậy đi. Có một bài đánh con mẹ già ở trên báo Công an Thành phố đấy”. Diệu hỏi lại: “Tại sao cái lão già này lại gọi điện vào giờ này để đánh thức tôi dậy nhỉ? Để yên cho tôi ngủ”. Và sau đó tôi ung dung ngủ đến tận 10h sáng, không hề bận tâm một chút nào cả.

Chị không đọc bài báo nào thật à?

Chỉ có một bài duy nhất tôi đọc là bài của Nguyễn Thanh Sơn. Tại vì, thứ nhất, Sơn là bạn của tôi, thứ hai nữa Sơn trực tiếp gửi qua e-mail cho tôi.

Nguyễn Thanh Sơn hơi độc miệng

Và thật khó khăn khi đọc một bài như thế?

Sau bài đấy, rất nhiều người nghĩ là tôi sẽ không chơi với Sơn nữa hoặc là tôi sẽ gọi điện thoại hay gửi e-mail xỉa xói Sơn. Nhưng hầu như đã không có chuyện gì xảy ra và tôi vẫn gặp Sơn bình thường. Chỉ có Sơn thì có ca cẩm với tôi rằng: “Anh viết hoàn toàn với tư cách một nhà phê bình, nhưng rất nhiều người nghĩ là giữa em và anh có chuyện gì đấy và anh thù em nên anh viết”. Nhưng tôi đã bảo Sơn: Dư luận người ta nói thì anh quan tâm làm gì.

Cách đây mấy hôm, một phóng viên hỏi: Diệu có thấy Sơn như thế là ác ý và độc miệng với Diệu không?. Chiều hôm đó, tôi tình cờ gặp Sơn liền bảo: “Anh trả lời giúp em cái câu mà phóng viên hỏi ban sáng”. Sơn nghĩ một lúc rồi nói: “Giả lời thế này này: Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Tôi mới bảo lại: “Nhưng anh với em lại không yêu nhau”. Sơn nói: "Từ từ, để anh về suy nghĩ rồi lại trả lời câu đấy cho".

Cho đến bây giờ thì sao?

Chả thấy trả lời.

Nhưng bản thân Diệu có thấy bài đấy hơi nặng?

Tôi nghĩ đúng là hơi độc miệng. Và tôi biết rằng Sơn từng bị rất nhiều nữ văn sĩ gọi điện chửi bới trước những bài báo của Sơn. Nếu như nhìn nhận tác giả chỉ qua một vài truyện ngắn thì quả là hời hợt. Tôi có nói với Sơn là nếu như anh vẫn tiếp tục cái cách phê bình đó thì không chỉ là những lời đe dọa và chửi bới trong điện thoại đâu mà sẽ là “bom” đấy – nhiều người bảo thế. Cho nên là chỗ bạn bè với nhau, tôi nói thật anh nên cẩn thận.

Viết như thế không đáng để Diệu giận

Nhưng mà như Diệu đã trả lời trên báo rằng Sơn đã “thanh minh”: “Sơn nói những nhân vật ở Bóng đè thiếu văn hóa chứ không phải nói Diệu thiếu văn hóa”.

Đúng. Đúng. Cái tin nhắn của Sơn thế này: “Anh nói nhân vật của em không văn hóa chứ không phải là em” vẫn còn trong máy điện thoại của tôi đây. Thế nhưng mà tôi nghĩ đấy là một lời biện minh của Sơn. Nhưng tôi không giận. Sơn viết như thế không đáng để cho tôi giận.

Chị có cho rằng nhiều người cứ thấy lạ là họ đổ xô vào đánh?

Chu Minh Vũ ở báo Thanh Niên có nói với tôi: “Dân mình cứ thấy có hiện tượng là người ta đổ xô vào chửi và rất nhiều kẻ a dua”. Tôi còn biết là Nguyễn Hòa tập hợp rất nhiều các ý kiến "đánh" tôi tại một diễn đàn trong mạng là người ta chửi thoải mái. Đấy không phải là ý kiến mà là sự chửi theo nhau của một nhóm người chơi với nhau.

Một vài người cư xử rất lạ

Diệu có bao giờ định viết về những cái như là một phần tính cách người Việt là a dua, chửi theo.

Như Nguyễn Huy Thiệp viết cái kịch Mổ nhà văn rất tài nhưng có nơi nào dám in đâu. Tôi chưa có ý định viết về điều đó. Thói đố kỵ, ganh ghét, tị hiềm của người Việt mình, ông bà ta đã đúc kết từ thời xưa rồi.

Nói xấu sau lưng với “đập thẳng vào mặt" thì cái nào dễ chịu hơn?

Tôi chẳng bao giờ ghen ghét đố kỵ với ai... nhưng có một vài người lại cư xử rất “lạ”. Khi nhà văn Châu Diên viết bài khen Bóng đè, thì một nữ nhà thơ trẻ gọi điện cho ông nói là Làm sao bác lại đi khen cái của nợ đấy được?... Nhưng mà mình “hiểu”, nên im lặng là câu trả lời.

Thế Diệu thấy sao về nữ nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh?

Tôi không đọc nhiều thơ của Linh. Nhưng mà có thích, thích rất thích cái câu: “Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”.

Chẳng có gì kiệt tác đến mức phải khen cả

Trong những ý kiến  khen Diệu, có ai khen quá đáng khiến Diệu phải đỏ mặt không?

À có, một lần, nhà văn Châu Diên phát biểu trên tivi: Tôi nghĩ rằng Đỗ Hoàng Diệu cũng như là Huy Thiệp, là ... hằng số trong trời đất và đến một lúc nào đấy nó lặp lại, nó tự xuất hiện. Tức là tôi có cảm giác là bác Châu Diên nói tôi là thiên tài ấy mà. Ngay sau đó, tôi nói với bác Châu Diên: “Cháu chẳng hiểu bác nói cái hằng số là cái gì. Cháu viết xong cái truyện Bóng đè mà chẳng ai chịu in cho cháu cả, thế thì cái hằng số  đó có xuất hiện đâu mà bác cứ hằng số với chả thiên tài (cười).

Khi Diệu viết Bóng đè, có khi nào Diệu nghĩ là nó sẽ gây ồn ào như thế?

Không, vì tôi nghĩ nó chẳng có gì là suy đồi mà cũng không phản đạo đức như tất cả các... “nhà đánh Bóng đè” vẫn đang nói; nó cũng chẳng đến mức kiệt tác. Nhưng viết xong gửi cho một ông chủ bút thì ông ấy nói rằng: Cái này mà in ở trong nước thì sẽ bị phê bình tan nát trên mặt báo cho mà xem... Quả đúng vậy. 

Họ cố tình làm cái Tôi của Diệu phình đại

Đã có người nào đã từng bị “đánh đập” trên công luận gọi điện cho Diệu an ủi?

Chỉ có Nguyễn Việt Hà có nói với tôi hôm ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, khi mà mới có những bài đánh đấm đầu tiên: Em còn phải chịu ít nhất là 20 bài như thế. Nhưng như em cũng chưa là gì. Hồi anh viết Cơ hội của Chúa, khi anh bước vào văn phòng, người ta xì xà xì xào rồi che mặt nhìn anh, anh bị xa lánh cứ như anh không phải là đồng loại ấy.

Theo Nguyễn Hòa, đã có lần Diệu trả  lời phỏng vấn rằng: “Nhiều lúc tự chặc lưỡi một mình: Đã xa rồi, ơi Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh”. Nếu đúng thế thật thì cái Tôi của chị to quá.

Tại sao Nguyễn Hòa không trích nguyên văn cái câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn? Đại ý câu hỏi: Cô  nghĩ gì về văn chương Việt Nam? Tôi trả lời: “Thời nhỏ, tôi rất thích Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh. Những năm mà tôi học cấp III, tôi phải nhịn quà sáng để lấy tiền mua báo Văn nghệ đọc. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tôi không bỏ sót một truyện nào. Sau đó, năm 92 tôi đã đọc “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh 3 lần liền... nhưng bây giờ thì tôi không bao giờ đọc báo Văn Nghệ nữa vì có gì đâu mà đọc. Và tôi chặc lưỡi một mình: Đã xa rồi, ơi Huy Thiệp, ơi Vàng Anh, ơi Bảo Ninh". Đấy, đại ý là thế. Tôi tiếc vì không còn ai viết hay như họ nữa. Tại sao Nguyễn Hòa không trích cả cái đoạn đấy đi để thấy rằng là tôi đã từng ngưỡng mộ Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Bảo Ninh... đến như thế nào. Họ cố tình làm cho cái Tôi của tôi phình đại.

Tình dục đẹp nhưng cũng tăm tối như đời sống

Tất cả những cái sóng gió đến thì hầu hết là vì chuyện sex ở trong những truyện của Diệu. Thế thì phải đặt câu hỏi: Tình dục trong văn chương là bình thường hay không bình thường?

Tình dục, nó là một phần của đời sống. Nó đẹp như đời sống đang diễn ra. Nó nồng nàn như đời sống nhưng mặt khác nó cũng tăm tối như đời sống. Văn chương đạt đến văn chương nhất đấy là khi viết về cái phần mà ẩn sâu, giấu kín nhất trong con người. Và sex là cái ẩn giấu nhất của con người. Nó là một trong những cảm xúc lớn lao và bền bỉ nhất của con người. Thế tại sao tôi không được viết sâu về tình dục? 

Nhưng mà phải viết thế nào để không tục tĩu?

Viết như thế nào tùy vào cách nghĩ, cách nhìn của từng tác giả. Nhóm thơ Mở miệng ở trong Sài Gòn rất tự nhiên khi đề tên các bộ phận sinh dục của người nam và người nữ. Tại sao tôi không làm như thế? Đấy là cách viết của tôi. Hoặc là trường hợp chị Lê Thị Thấm Vân ở hải ngoại chẳng hạn. Trong tiểu thuyết của chị, các bộ phận sinh dục của nam và nữ trong một trang viết có thể là tục hay chị Thấm Vân viết như thế là tục cũng không có nghĩa là không tục. Tùy vào cách đọc của từng người và tùy vào bối cảnh của câu chuyện.

Viết sex đâu có gì ghê gớm

Chuyện sex vẫn được nhiều người coi là vùng cấm. Như vậy có ổn?

Có người nói: “Tôi ghê tởm chuyện đấy”, nhưng thực ra họ vẫn sống như thế hàng ngày. Thậm chí nhiều người ta còn sex hơn Tây ấy chứ. Tây đâu có karaoke ôm, bia ôm, cắt tóc gội đầu máy lạnh ôm... những người có tiền thì vào quán bar, vũ trường mong xem thoát y. Cho nên, viết về sex đâu có gì là ghê gớm.

Một câu hỏi muôn thuở: Nếu là người không trải nghiệm thì khó viết về tình dục được như Diệu?

Người ta hay nói: Văn là người. Tôi đã trả lời một độc giả ở Pháp đúng câu hỏi này: Thưa ông, văn là người ở cái chỗ này này: Khi mà nhà văn miêu tả một tác phẩm có những cảnh sex, cảnh làm tình ở trong đấy sau rồi đem về nhà văn tưởng tượng ra những cái cảnh đó để làm với người yêu hay với vợ (chồng) mình, khi đó văn là người đấy. Còn tại sao miêu tả được như thế thì là tưởng tượng, đọc sách thôi.

Nhưng mà nếu người viết đã trải nghiệm rồi thì đâu có sao, vì như chị nói, tình dục là một phần của đời sống.

Đúng, đúng. Sex là  một phần của đời sống, nó có tất cả mọi thứ như đời sống, nó đẹp, nó nồng nàn và nó cũng vô cùng  tăm tối. Nếu như ai mà thoát ra khỏi cái tăm tối, cái tiêu cực như là mua bán, trao đổi thì người ta sẽ thấy nó đẹp.

Không thích văn của Vệ Tuệ

Thậm chí có người còn có ý kiến là để nhanh nổi tiếng thì viết về sex một cách táo tợn, trắng trợn... Diệu nghĩ thế nào?

Quan điểm như thế thì hoàn toàn sai lầm. Tôi bị các nhà phê bình và độc giả phản ứng, một  phần là trong Bóng đè, tôi để chuyện sex nằm dưới bàn thờ tổ tiên theo dụng ý của câu chuyện. Nếu như mà chỉ để gây shock, giật giân, câu khách, thì tôi có thể viết về cảnh sex ở bãi biển, ở khách sạn, ở bất cứ đâu. Nhưng viết thế vì nó có ý đồ, nó được tính toán với sự ẩn dụ của Bóng đè.

Chị đã từng nói nếu ai so sánh chị với Vệ Tuệ, thì cũng là so sánh vô thưởng vô phạt. Tại sao vậy?

Tại vì thế này, cái sự so sánh ấy chưa xuất hiện ở bất kỳ một bài báo hay bài phê bình nào cả mà nó chỉ là chuyện bàn trà, quán nước. Tôi thì tôi nghĩ mình chẳng có gì giống Vệ Tuệ và cả Vệ Tuệ cũng chẳng có gì giống mình cả. Truyện của Vệ Tuệ là chuyện của lớp thanh niên đang sống thác loạn, điên cuồng... còn tôi thì nhìn về quá  khứ để nói về hiện tại. Tôi đã đọc nhưng mà tôi không thích văn của Vệ Tuệ ở chỗ cô ấy đã can đảm nói lên sự thật, cô ấy rất dũng cảm và tự tin.

Ngày mai chẳng biết thế nào mà lần

Người đàn ông mà Diệu đã nửa kín nửa hở là “cũng được đấy” sinh năm 1962, giờ thế nào?

Từ xưa đến nay, tôi không có một mối tình nào cùng trang lứa. Tôi có vài ba mối tình thì đều là với những người đàn ông lớn hơn, từng trải hơn. Tôi đã quen người này 5-6 năm rồi và đã có rất nhiều sóng gió đã xảy ra, rất nhiều lần đã chia tay nhưng lại quay lại.

Trong văn thì mạnh mẽ, quyết liệt nhưng ngoài đời Diệu là người như thế nào, kể cả về mặt tính cách?

Tôi nghĩ là rất nhiều người sau khi đọc truyện của tôi cứ tưởng tượng ra là sẽ gặp một cô rất là ghê gớm, lý luận kinh lắm, nói năng kinh lắm, lại còn làm luật sư nữa... nhưng  họ chưng lửng khi gặp tôi và bảo là cái đứa này nó hiền quá, nó lành quá. Thậm chí tôi thấy mình hơi yếu đuối quá. Nhiều người nói chắc là khóc nhiều quá nên mắt đẹp!.

Năm 2006 Diệu có dự định gì lớn?

Tôi có một câu cửa miệng là “Ngày mai chẳng biết thế  nào mà  lần”.

 Theo Đàn Ông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm