Đỗ Hoàng Diệu sẽ đưa con gái về Việt Nam
“Với riêng tôi, khi sinh Asa, trong cái rủi có cái may. Dù bị nguy hiểm tới mức gần như nửa thân thể đã chui vào cửa tử, nhưng cuối cùng sự sống vẫn chiến thắng”, tác giả “Bóng đè” tâm sự sau khi cho ra đời một bé gái kháu khỉnh nặng hơn 4 kg.
Chị có cảm xúc như thế nào khi trải qua kỳ sinh nở khó khăn như thế?
Cảm giác của một phụ nữ trong quá trình mang thai - sinh nở, tôi nghĩ không biết bao nhiêu người đã nói trong đời sống và cả trong văn chương, và có lẽ nhiều phần giống nhau. Vì chắc chắn không người mẹ nào trên đời này lại không đau khi đẻ và không yêu đứa con mình sinh ra.
Với riêng tôi, khi sinh Asa, trong cái rủi có cái may. Dù bị nguy hiểm tới mức gần như nửa thân thể đã chui vào cửa tử, nhưng cuối cùng sự sống vẫn chiến thắng. Hồi sinh, cuộc sống bây giờ đối với tôi thật khác lạ.
Chuyện cân nặng của Asa khiến nhiều người ngạc nhiên. Cái bụng nhỏ của tôi đã đánh lừa, ngay cả bác sĩ. Khi tôi gần sinh, ai gặp cũng nghĩ tôi chỉ mới mang thai khoảng 6 tháng. Nếu biết trước Asa to như vậy, tôi đã chọn phương cách mổ đẻ. Thế mới biết, trong cuộc sống có nhiều điều thấy vậy mà không phải vậy.
Chị đặt tên con là Asa Liễu Holcombe. Tại sao chị lại chọn cái tên này?
Alec đã đặt tên cho con, và tôi hài lòng, sau này lớn lên chắc Asa cũng không chê. Liễu là tên mẹ tôi, Holcombe là họ của Alec, còn tên Asa thì dễ nhớ, dễ đọc với người Việt Nam. Ở Mỹ, không nhiều người mang tên này, nếu có lại là đàn ông. Tôi nhớ khi nhập học vào Đại học Luật, ban quản lý ký túc xá đã xếp tôi vào phòng nam, vì nghĩ Đỗ Hoàng Diệu là con trai.
Em bé trông thế nào?
Cháu còn quá nhỏ nên không thể biết giống ai nhiều hơn. Chỉ thấy rõ đôi mắt to không phải màu đen và một khuôn miệng rộng "tan cửa nát nhà". Khi mới sinh, tóc cháu đen, nhưng bây giờ đã chuyển thành nâu, biết đâu vài tháng nữa thành vàng. Chúng tôi cầu mong cháu khoẻ, vì đẹp trước tiên phải khoẻ, phải tràn đầy sức sống.
Từ khi có em bé, một ngày bình thường của chị diễn ra như thế nào?
Bây giờ, một ngày của chúng tôi không còn “bình thường” nữa. Đôi lần, tôi lơ mơ không phân biệt được đêm hay ngày. Tất cả tuỳ thuộc vào chuyện ăn ngủ của con.
Chúng tôi tự làm mọi việc. Một vài người bạn, người thân giúp đỡ chuyện đồ ăn đã là tốt lắm rồi. Tôi không kiêng bất cứ thứ gì, và không có lấy nửa ngày “nằm ổ” theo kiểu Việt Nam. Chưa đầy tuần tuổi, Asa đã được bố đưa đi… uống cafe. Ba tuần, cháu đã đi 200 km để xem triển lãm rái cá!
Nói chung, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nếm mùi vất vả, nhưng là sự vất vả hạnh phúc.
Anh chị lên kế hoạch về Việt Nam hay sẽ định cư ở Mỹ?
Vài tháng nữa chúng tôi về Việt Nam. Tôi là người Việt Nam, làm sao xa Việt Nam được. Sẽ sống dài dài ở đó.
Sau một thời gian sang Mỹ, chị còn gặp những khó khăn gì trong cuộc sống?
Khó khăn muôn bề. Cũng may, một vài người bạn trong trường Đại học Berkeley đã nhiệt tình giúp đỡ. Nếu tôi sống lâu dài trên đất Mỹ, mãi mãi sẽ có những rào cản mà không người nhập cư nào có thể vượt qua được. Nhưng chẳng bao lâu nữa, tôi về rồi.
Thời gian này, văn chương được đặt vào vị trí nào trong đời sống thường ngày của chị?
Trước đây, tôi nói văn chương là cuộc vui, vì nó không phải mục đích tối thượng trong cuộc đời tôi, làm nhiều người dị ứng. Khi tôi cảm thấy hưng phấn, muốn viết và rảnh rang là ngồi vào bàn, thì đó là một công việc quan trọng, không làm sẽ quên lãng. Bây giờ, với tôi, văn chương vẫn thế.
Sau một thời gian lấy chồng và sinh con, tên tuổi Đỗ Hoàng Diệu đã lạnh dần. Chị có kế hoạch hâm nóng tên tuổi như thế nào?
Tên tôi đã bao giờ nóng đâu mà đang lạnh dần! Khi tôi mang thai rồi đi Mỹ, có người đồn tôi mang bệnh sắp chết, có người đồn tôi về Thanh Hoá sinh con, lại có tin tôi lên Đà Lạt ở ẩn. Nghe mà tức cười. Kế hoạch với văn chương ư? Tôi chẳng có. Cái gì đến thì sẽ diễn ra thôi.
Việc xuất bản “Rắn và tôi” đã được chuẩn bị đến đâu?
Nếu tôi nói nữa lại bảo cứ hứa hão mà mãi vẫn chưa trình làng. Nó có nguyên do, uẩn khúc của nó. Khi nào nó được khai sinh, sẽ biết ngay thôi. Chắc là sắp!
Nhân vật chính trong các tác phẩm của chị như “Tình chuột”, “Vu quy”, “Bóng đè” và “Rắn và tôi”… có bao nhiêu phần trăm “nguyên mẫu” là cái tôi - tác giả?
Có chi tiết 100%, nhưng xét toàn bộ thì 0%.
Theo Hà Linh
Vnexpress