Đinh Thị Thành Lê: “Con dã tràng” đào không biết mệt!

(Dân trí) - “Năm thứ nhất, em thi vào Nhạc viện Hà Nội bị trượt. Năm thứ hai, em vừa học trường Nghệ thuật tỉnh vừa ôn thi tiếp vào Nhạc viện nhưng… vẫn trượt. Nhiều người nhìn em với ánh mắt không thiện cảm vì người ta nghĩ em muốn trèo cao thì ngã đau, “sao mai” giải nhất dòng nhạc dân gian tâm sự.

Sự khởi đầu đầy trắc trở

 

“Nụ cười rạng rỡ như được xướng tên trong đêm chung kết hoa hậu, bạn bè tếu vui khi chúc mừng em. Chị ơi, quả thực, đêm ấy em hạnh phúc vô cùng. Em đã không kìm được nước mắt…”, Thành Lê mắt long lanh, ngân ngấn nước. Thành Lê tự ví mình như “con dã tràng” đào không biết mệt. Để toả sáng trong đêm chung kết xếp hạng giải Sao Mai năm nay, cô đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.

 

Tuổi thơ của cô gái quê Đức Thọ - Hà Tĩnh đã “bì bõm” những câu hò Hà Tĩnh, nghe bố mẹ hát Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên)…Thành Lê rất thích hát và cô thường được chọn làm quản ca ở lớp. Những ngày trung học phổ thông, cô tham gia “đấu đá” giải giọng hát hay ở huyện, tỉnh và nhận được kha khá giấy khen.

 

Thấy con gái gắn bó với ca hát lại muốn thi vào Nhạc viện, bố mẹ Thành Lê ra sức can ngăn, sợ con gái theo nghề này sẽ khổ. Nhưng Thành Lê vẫn quyết tâm theo đuổi hi vọng được học thanh nhạc bài bản. “Năm thứ nhất, em thi vào Nhạc viện Hà Nội bị trượt. Năm thứ hai, em vừa học trường Nghệ thuật tỉnh vừa ôn thi tiếp vào Nhạc viện nhưng… vẫn trượt. Nhiều người nhìn em với ánh mắt không thiện cảm vì người ta nghĩ em muốn trèo cao thì ngã đau. Năm thứ 3, em lại khăn gói ra Hà Nội thi vào Nhạc viện, em quyết lần này không đỗ thì không bao giờ… đi thi nữa”, Thành Lê bảo vậy.

 

Rồi, cô đã nhận được giấy báo thi đỗ vào trường Nhạc viện Hà Nội đúng ngày sinh nhật lần thứ 20 của mình. Cô đã hét to vì sung sướng! Cô kể rằng, những năm đầu học chuyên ngành, thang điểm của mình rất thường. Phải đến cuối năm thứ 3, điểm của Thành Lê nhảy vọt lên… 9,3. Từ đấy, cô luôn là 1 trong 3 bạn dẫn đầu của lớp.

 

Đinh Thị Thành Lê: “Con dã tràng” đào không biết mệt! - 1
 

 

Đến với giải Sao Mai năm nay, Thành Lê và người anh cùng quê Nguyễn Đăng Thuật rủ nhau về Hà Tĩnh đăng ký thi và cả hai cùng lọt vào vòng chung kết toàn quốc. Tiếc là Thành Lê leo được đến đỉnh Sao Mai còn Thuật phải dừng lại. Thành Lê nói, tham gia Sao Mai cô cũng đã phải trải qua bao trắc trở.

 

Trước khi vào Nha Trang, cô bị ốm, chỉ sợ cổ họng đau thế này làm sao có thể hát tốt? Thành Lê còn bị thí sinh khác “đổ oan tiếng xấu” khiến cô khóc gần hết nước mắt trước hôm thi xếp hạng. May mà, BTC đã có cách giải quyết đúng đắn nên cô mới vững tâm để thi tiếp. Rồi tình anh em, bạn bè bị xa cách khi “người ở, kẻ đi”… cũng khiến cô gái nặng tình không khỏi rầu lòng.

 

Thành công còn nhờ sự sáng tạo

 

Thành Lê nói mình đã 27 tuổi, không còn quá trẻ để tham gia vì hiếu động, cho vui nữa. Cô định hướng rất rõ ràng. Nếu không thành công cô cũng phải thể hiện được hết khả năng, ít nhiều phải để lại “chút gì” cho khán giả. Sự “đầu tư” của Thành Lê không chỉ tính bằng những năm tháng thi vào Nhạc viện, những năm tháng không ngừng nỗ lực để từ sinh viên sức học thường thường vươn lên Top 3 trong lớp, suốt 4 tháng gò mình trên lớp, gặp gỡ các “cây đa cây đề” trong làng nhạc Việt để học hỏi, xin lời khuyên, định hướng ca khúc tham gia giải Sao Mai mà còn “đầu tư” cả tiền của.

 

Vòng chung kết khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Thành Lê “bắt tay” với “ngôi sao” dòng nhạc thính phòng Lê Anh Dũng để mời nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi lên tàu vào Đà Nẵng chỉ huy dàn nhạc cho phần thi của hai anh em. Vì cảm giác an toàn khi nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi chỉ huy dàn nhạc mà cô hát Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ) “vào” đến thế. Ngoài ra, Thành Lê còn tiết lộ, để chuẩn bị 7 - 8 bộ áo dài cho cuộc thi này, cô phải chi phí gần 20 triệu đồng.

 

Đinh Thị Thành Lê: “Con dã tràng” đào không biết mệt! - 2
 

 

Nhạc sĩ An Thuyên đã nói với cô là: “chất giọng con đã có rồi, cái tình con cũng có rồi, bây giờ chỉ cần hát lắng lại”. Nghe lời thầy, Thành Lê nghiền ngẫm “hồn vía” 3 ca khúc tham gia 3 vòng thi rất kỹ. Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Vỗ bến lam chiều (Trần Hoàn -Thuý Bắc), Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) được Thành Lê đầu tư rất nhiều công sức để nghiệm và sáng tạo.

 

Bài Vỗ bến lam chiều vốn được ca sĩ Anh Thơ thể hiện rất thành công. Nếu cô có hát như Anh Thơ vẫn sẽ thất bại. Muốn phần thể hiện của mình bất ngờ và hấp dẫn hơn, Thành Lê tự ý “thêm vào” ca khúc hai câu hò Hà Tĩnh rất ngọt: “À... ơi…trưa hè cánh võng đu đưa, mẹ ru con ngủ… mà say sưa giấc nồng”.

 

Thời gian tập Xa khơi, Thành Lê cũng đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và nhờ nhạc sĩ “làm mới” phần mở và phần kết ca khúc này để tạo ấn tượng. Với ca khúc Hà Tĩnh mình thương - ca khúc in đậm hình bóng NSND Thu Hiền, cô cũng nghiên cứu rất kỹ. Thành Lê tìm gặp NSND Thu Hiền để “nhờ cô chỉ cho vài chỗ”. “Trong đêm chung kết xếp hạng, “vào” câu đầu tiên, em nổi hết da gà. Tự mình thấy da diết quá, thương quá, chỉ sợ khóc sẽ không hát được. Em cảm giác đây không phải cuộc thi. Em thả hồn hát cho mọi người nghe và tưởng tượng phía dưới là gia đình mình, em đang ở nhà chứ không phải Nha Trang”, Lê tâm sự.

 

Thành Lê hát ca khúc Hà Tĩnh bằng chính chất giọng đặc trưng nằng nặng, ngọt ngào của người con Hà Tĩnh. Vì thế, cô hát những ca khúc quen thuộc mà không bị ví là giống Thu Hiền, Anh Thơ hay Tân Nhàn.

 

Người đầu tiên em nghĩ đến là mẹ”

 

Thành Lê nói thế và cô tự hào kể về mẹ của mình: “Thế là ước mơ được nhìn thấy con gái trên truyền hình của mẹ em đã trở thành hiện thực. Trước đây mẹ không muốn em theo đuổi cái nghề bị coi là “xướng danh vô loài” nhưng thấy con gái quyết tâm và cố gắng mẹ và gia đình lại hết lòng ủng hộ. Để em tham gia cuộc thi một cách trọn vẹn, gia đình đã hết lòng lo lắng cho em. Trước hôm em thi đêm xếp hạng, mẹ gọi điện hỏi con gái còn tiền tiêu không? Đêm, em đoạt giải nhất dòng nhạc dân gian, mẹ gọi điện chúc mừng và… khóc”.

 

Đinh Thị Thành Lê: “Con dã tràng” đào không biết mệt! - 3
 

 

Thành Lê kể về mẹ thật nhiều, thật nhiều. Khi đau khổ nhất, người đầu tiên Lê nghĩ tới là mẹ và khi hạnh phúc nhất, người đầu tiên Lê nghĩ đến cũng là mẹ. Nhà có 4 chị em. Hai chị gái đều đã lập gia đình và kinh doanh. Mẹ thương và chiều cô gái áp út nhất. Lên lớp 9, lớp 10, Lê cũng không phải giặt quần áo vì các chị… dành hết. Cô cũng hay tâm sự với mẹ. Dù cô có làm điều gì sai, mẹ cũng tìm cách động viên chứ không hề trách móc. Được chiều, nhưng Thành Lê không hay ỉ lại và nhõng nhẽo. Cô lại càng thương mẹ nhiều hơn. Giải thưởng này, cô “xin” làm quà để tặng mẹ!

 

Lê “thú nhận” mình là người nặng tình, không ồn ào nhưng lại rất quyết đoán và bền bỉ. Cô nói những ca khúc buồn hợp với cá tính mình hơn. Cô nghĩ tới một album về dòng nhạc dân gian để ra mắt cuối năm nay, có lẽ chỉ chọn những ca khúc sâu lắng, da diết kiểu như Hà Tĩnh mình thương!

 

Bài: Hàn Nguyệt

Ảnh: Nhật Minh