Diễn viên truyền hình: Thiếu, yếu!

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi: Hiện tại mức độ chuyên nghiệp của diễn viên truyền hình VN ở đâu? Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng: “Họ mới chỉ dừng lại ở mức làm tròn bổn phận với vai diễn, còn việc sáng tạo và đầu tư cho vai diễn kỹ lưỡng hơn thì chưa nhiều”.

Không ít người cho rằng, chúng ta đang bị khủng hoảng diễn viên và các diễn viên đang hành nghề vẫn chưa thực sự có nghề. Với tư cách là một đạo diễn phim truyền hình, anh nghĩ sao về điều này?

 

Tôi nghĩ thiếu thì rõ ràng là thiếu nhưng chưa đến mức khủng hoảng diễn viên. Nếu xuất phát từ nơi cung cấp lực lượng diễn viên là các trường đào tạo mà cụ thể là ĐH SK-ĐA, thì hiện nay mới chỉ đào tạo diễn viên sân khấu. Trước đây trường có đào tạo diễn viên điện ảnh nhưng bây giờ họ đã bỏ đi khâu đào tạo này mà chỉ chú trọng vào những diễn viên sân khấu với những bài học trên sàn diễn.

 

Trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, diễn viên đòi hỏi phải thể hiện được diễn xuất và giọng nói vì hiện nay các phim đã dần chuyển sang thu hình và tiếng đồng bộ. Đã đành là thiếu diễn viên nhưng những người đạt cả hai yếu tố đó lại càng thiếu hơn nữa.

 

Trong tương lai rất gần đây thôi các dự án làm phim với công nghệ cao đòi hỏi thu âm trực tiếp sẽ là thách thức rất lớn. Bằng chứng là những phim được sản xuất tại TPHCM gần đây được chiếu vào Giờ vàng khán giả đã phản ứng rất nhiều về giọng nói của diễn viên, tiếng nói rất kém, nghe rất khó chịu. Tôi có nghe thông tin về chuyện trường SK-ĐA sẽ mở lớp đào tạo diễn viên truyền hình nhưng vẫn chưa thấy thực hiện được. Ngay từ khâu đào tạo chúng ta đã thiếu một lực lượng cho phim truyền hình.

 

Diễn viên thì đã giải quyết được một phần nhưng thời gian gần đây rất nhiều phim truyền hình bị kêu ca về chất lượng, ngay cả khi đó là phim của TFS, một hãng rất mạnh dù đầu tư công nghệ mới nhưng vẫn có phim bị chỉ trích. Vậy phim truyền hình VN đang đi xuống hay đi lên?

 

Phim truyền hình VN không đi lên theo biểu đồ, lúc đi lên lúc đi xuống tùy theo phim. Sự phát triển của phim truyền hình VN không đồng đều, chúng ta vẫn đang đi theo một con đường bằng. Phim của Văn nghệ chủ nhật gần 10 năm nay mức đầu tư vẫn thế. Khi tất cả các yếu tố làm phim không được đầu tư và nâng cấp lên thì những người làm phim chỉ có thể cố gắng bằng sức lực và những gì họ có chứ không thể kích thích sự sáng tạo. Cách đây 10 năm viết kịch bản cho 1 tập phim được 3 triệu, sau 10 năm khi giá cả leo thang, chất lượng cuộc sống nâng lên thì 3 triệu không còn ý nghĩa, không thể kích thích họ sáng tạo nhiều, họ sẽ phải dành thời gian cho công việc khác.

 

Với diễn viên cũng vậy, cát-sê từ 1-1.5 triệu mà quay vật vã 5-7 ngày, có khi quay đến 4 giờ sáng thì làm sao họ đủ sức đi theo mãi được. Tiền không quyết định tất cả nhưng đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích sáng tạo, nó là thước đo sức lực lao động người ta bỏ ra.

 

Anh đã được khán giả biết đến qua những bộ phim trẻ trung và rất chịu khó đi tìm những gương mặt mới. Trong thời điểm thiếu diễn viên như hiện nay thường thì các đạo diễn sẽ phải tự casting?

 

Mỗi phim đều có những đòi hỏi riêng về diễn viên. Mỗi đạo diễn có một tiêu chí riêng để chọn diễn viên, có người quen sử dụng diễn viên chuyên nghiệp vì có diễn xuất bài bản, có những người lại đi tìm những gương mặt mới với hy vọng sẽ mang lại cho phim của phim của mình luồng gió mới.

 

Theo anh, để giải quyết được khâu diễn viên, lúc này phải bắt đầu từ đâu?

 

Trước hết chúng ta phải nâng chi phí sản xuất phim và chi phí cho đội ngũ diễn viên, thậm chí cho cả ánh sáng, phục trang... Cần nhất là chúng ta cần có một trường quay có ánh sáng chuyên nghiệp, có phòng hóa trang, có chỗ nghỉ ngơi thay vì phải ngồi nhờ một hàng nước chè bên đường. Thứ 2, khâu đào tạo cũng phải tính lại. Chúng ta cần có khâu tuyển chọn và đào tạo chuyên nghiệp hơn còn bây giờ khóa đào tạo diễn viên của VFC chỉ giới hạn trong phạm vi của Hãng phim truyền hình VN được mở ra do sự thúc ép về nhu cầu diễn viên của hãng mà thôi.

 

Lẽ ra sau đào tạo phải có chi phí để nuôi dưỡng lực lượng diễn viên đó để họ ngày càng chín chắn hơn, còn giờ chúng tôi chỉ đủ chi phí đào tạo 3 tháng sau đó chia tay, họ không được tham gia các tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp, có phim thì đi không thì ngồi chơi. Cuối cùng, chúng ta đang chủ yếu làm phim cho nhà nước và phim nhà nước rất yếu về khâu quảng cáo nên rất thiệt thòi cho các nhà làm phim, các diễn viên.

 

Xin cảm ơn anh!

 

Uyên Phương