1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Diễn viên Hồng Sơn: Sau một chặng đường lầm lỡ…

Từng là một đại gia Hà thành, thế mà khi bước sang dốc bên kia của cuộc đời, Hồng Sơn chỉ mong có được 3 mét vuông đất "cho cuộc viễn du cuối cùng"...

Từng là diễn viên điện ảnh được yêu thích trở thành một con nghiện; từng tự tử không thành, từng bị từ chối dù chỉ xin làm một chân bảo vệ... Nhưng rồi, như một kết thúc trong cổ tích, con người ấy đã hồi sinh...

 

Quyết làm lại cuộc đời ở tuổi ngũ tuần, “thằng Giỏ” trong “Ma làng” lại bắt đầu từ những ước mơ thuở 20. Giai thoại cuộc đời và ước muốn  xót xa “có được 3m2 đất” của anh, thực sự là câu chuyện có thể cảnh tỉnh rất nhiều người đang bước đi trong những cơn phù du cuộc sống.

 

Người ta bảo rằng ngày xưa anh từng là một đại gia trên đất Hà thành?

 

Cũng có thể nói như thế! Ngày đó, người ta thường bảo nghệ sỹ thì nghèo. Nhưng tôi không chật vật như nhiều nghệ sỹ khác, tôi có tới 4 ngôi nhà tiền tỷ ở phố cổ Hà Nội, rồi tôi còn mở một quán bar trên phố Nguyễn Đình Chiểu, kiếm đựơc rất nhiều tiền. Sẵn tiền, bị bạn bè rủ rê, tôi bập vào cờ bạc.

 

Thời điểm đó tôi chơi “mát trời ông địa” luôn. Nhưng cờ bạc còn có lúc thắng lúc thua, khi tôi bập vào ma tuý thì tôi thua hẳn. Vỏn vẹn trong 3 tháng trời, vì ma tuý và cờ bạc, tôi “giải quyết” sạch sẽ đống tài sản không nhỏ của mình.

 

Đấy cũng là lý do gia đình anh “tan đàn xẻ nghé”?

 

Khi tôi rơi vào nghiện ngập, vợ tôi không chịu nổi nên đã đâm đơn li dị. Trắng tay, tôi cứ lang thang khắp nơi ở cái Hà Nội này để xin tiền đi hút chích.

 

Còn bè bạn lúc ấy thì sao?

 

Tôi có rất nhiều bạn bè, trong ví tôi lúc nào cũng có một quyển sổ danh bạ ghi số điện thoại của bạn. Cứ lang thang đến đâu, tôi lại đứng gọi điện thoại cho bạn ở đấy. Mà tôi có “nguyên tắc” là chỉ xin mỗi người bạn một lần nên đến ai cũng cho.

 

Tôi cứ lê la như thế mà cũng được 5 - 6 tháng. Có điều kỳ lạ là vay ai tôi nhớ hết, hơn một trăm người cho tôi vay tiền, tôi đều không quên. Tôi còn nhớ lần vào Hà Đông nói dối là bị hỏng xe, vay vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân 200 ngàn đồng. Anh chị chắc cũng biết tôi đã rơi vào tình trạng nghiện ngập nhưng vẫn rút tiền ra cho vay, mà không có biểu hiện khinh rẻ nào. Hình ảnh đó tôi không bao giờ quên!

 

Có điều, dù túng thiếu đến đâu tôi cũng không bao giờ đi ăn cắp, ăn trộm của bạn bè và thiên hạ. Như tôi đã từng kể, có lần đến nhà người bạn định xin tiền lại đúng vào bữa tiệc sinh nhật của con họ. Khách khứa ở trong nhà còn giày dép thì để ngoài cửa. Cơn vật thuốc đang đến và cái túi lép kẹp cứ thúc giục tôi nhặt trộm một, hai đôi giày xịn. Quay ra quay vào mãi, cuối cùng tôi đút tay không vào túi quần, kiên quyết ra về.

 

Sau nhiều lần tự cai không thành, động lực nào đã khuyến khích anh có đủ quyết tâm để xin đi cai nghiện?

 

Gia sản tôi phá sạch, gia đình cũng tan nát, bạn bè xa lánh, các đoàn làm phim không ai dám mời nữa, vì tôi cứ ôm tiền cát xê trước rồi... biến mất. Khi làm phim “Người Hà Nội” là tôi đã nghiện rất nặng rồi, thỉnh thoảng cứ phải xin đạo diễn ra ngoài làm một “bi” thì mới vào quay tiếp được. Cũng qua bộ phim đấy, tôi quen thân với nhà văn Chu Lai. Anh Chu Lai rất quý tôi.

 

Có lần tôi đang lê bước ở bờ Hồ thì anh ấy trông thấy gọi tôi ầm lên. Tôi không vay tiền anh Chu Lai nhưng xin đi nhờ xe một đoạn. Sau sự vui mừng gặp mặt, chả biết ông có chợt nhớ ra tôi giờ đã là một thằng nghiện hay không, nhưng lúc đó ông nói lý do có việc phải đi gấp nên từ chối cho tôi đi nhờ tiếp. Qua những lần như vậy, thấm thía sự tồi tệ của mình, tôi đi thuê một phòng trọ ở Giáp Bát để tự kết liễu cuộc đời.

 

Nhưng anh đã không thành công?

 

Có lẽ là số phận. Các bạn cứ tưởng tượng rằng, người bình thường như các bạn chỉ chích một chút xíu là đã đủ chết, còn lúc đó tôi chích những hai phân thuốc. Ống xi lanh thuốc đặc như sữa.

 

Sau khi lịm đi, tôi thấy hồn mình rời bỏ thể xác đi xuống dưới cầu thang. Tôi còn nhìn thấy rõ ràng cả cô gái đứng ở quầy bar đang lúi húi làm một việc gì đó. Nhưng khi tôi vừa ra đến cửa thì có một cái bóng xô mình lại.

 

Tôi tỉnh dậy vào lúc đã nửa đêm. Cảm giác lúc đó như vừa được sinh ra một cuộc đời khác. Ở Giáp Bát về, tôi nhờ chú em đèo lên Công an phường trình diện ngay. Ông Công an hộ khẩu trước đó tìm tôi mãi không ra, giờ nửa đêm thấy tôi đến nằm chình ình ở trụ sở thì ngạc nhiên hỏi: “Mày về đây làm gì?”. Tôi bảo về để anh đưa đi cai. Đêm đó tôi tiếp tục lên cơn vật, nhưng lạ một cái là bọn nghiện ở khu phố mang thuốc đến tiếp tế nhưng tôi nhất quyết không hút. Từ khoảnh khắc tôi tự giác về đi cai đó (năm 2001), tôi như một con người khác và cố gắng giữ con người đó ở lại mãi cho đến ngày hôm nay.

 

Thời gian ở trung tâm cai nghiện đối với anh chắc cũng không dễ dàng gì?

 

Vật vã lắm! Mỗi lần lên cơn không có thuốc tôi chỉ muốn chết. Cũng may là con gái tôi rất thương tôi, nên cứ nghĩ đến nó tôi lại có thêm nghị lực để chiến thắng mình. Hình ảnh con gái cầm gói xôi đứng ở cửa UBND phường khóc trước khi tôi đi cai, cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Ma tuý đã hằn sâu vào vỏ não tôi, chính vì thế sau hơn một năm ở Trung tâm, dù đã cai nghiện thành công nhưng thỉnh thoảng trong giấc ngủ, tôi vẫn còn mơ thấy mình đi... mua thuốc.

 

Kỷ niệm làm anh nhớ nhất trong hơn 700 ngày ở trung tâm cai nghiện?

 

Ngoài những kỷ niệm vui ra cũng có những kỷ niệm làm tôi day dứt và trở thành động lực trong tôi. Cùng phòng tôi có một cậu thanh niên còn rất trẻ, khỏe như một con voi. Vậy mà sau một trận đá bóng về thì cậu ấy quỵ ngã. Đưa vào trong y tế thì phát hiện ra đã bị nhiễm HIV ở giai đoạn cuối. Cậu ấy cũng ở đội văn nghệ nên ngày nào tôi cũng vào chăm sóc, bón cho từng thìa sữa.

 

Chứng kiến 20 ngày cuối cùng của một con người đang đối diện trực tiếp với cái chết, tôi mới biết cảm giác chết dần dần nó như thế nào. Tôi quan sát rất kỹ những lúc cậu ấy tỉnh táo ngồi nhìn đâu đó ra ngoài cửa sổ, lúc cậu ấy mê chỉ gọi mẹ và cuối cùng là những khoảnh khắc thất thần dần trong đôi mắt của cậu ta. Sau đó, tôi viết một vở kịch đi dự giải và đạt giải cao nhất của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.

 

Diễn viên Hồng Sơn: Sau một chặng đường lầm lỡ… - 1
 Nghệ sĩ Hồng Sơn trong một cảnh phim gây sự chú ý với số đông khán giả màn ảnh nhỏ - "Ma làng"

 

Ra khỏi Trung tâm, mất bao lâu để anh bắt đầu lại sự nghiệp với vai diễn đầu tiên?

 

Ra trại, đến 8 tháng trời tôi ở lì trong nhà không tiếp xúc với ai. Thực sự là không dám đi đâu. Khi mình trở về là đúng mình, thì gặp ai mình cũng xấu hổ. Người ta không ngại mình thì mình cũng ngại người ta, vì trước đây tôi đã gặp và xin tiền tất cả bạn bè. Con gái tôi từ khi mới vào ĐH năm thứ nhất tiễn bố đi cai, giờ đã tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Giờ nó đang làm trợ giảng ở trường và mở thêm cửa hàng áo cưới chỗ Cửa Nam. Con gái tôi bản lĩnh hơn bố nó nhiều.

 

Thời gian đó tôi sống nhờ sự bao cấp của con gái. Tiền thuê nhà có 250 ngàn đồng. Một căn buồng 3 - 4 mét ở chợ người trên phố Bạch Đằng. Khi đó trên gác cũng có nghiện, ở dưới cũng có nghiện, xung quanh đều có nghiện nhưng tôi cũng chẳng quan tâm gì. Ở nhà mãi cũng chán, tôi lân la trở lại đoàn định xin làm một chân bảo vệ gì đấy cho đỡ buồn nhưng người ta cũng ngại nên không nhận.

 

Lúc ấy tôi tuyệt vọng quá, đang tính xin về trung tâm cai nghiện cộng tác. May sao lúc đó, đạo diễn Cường Việt, một người bạn, đã lôi tôi đi tham gia bộ phim “Miền quê thức tỉnh”. Đó cũng là sự trở lại nghề đầu tiên của tôi sau một chặng đường lầm lỡ.

 

Sự hoà nhập trở lại vào môi trường điện ảnh của anh có gặp khó khăn gì không?

 

Không có khó khăn gì. Tôi hòa nhập tự nhiên như bản năng. Hòa nhập lại với cuộc đời còn khó hơn.

 

Nghe nói, ngoài việc đi diễn ra, anh còn giúp đỡ rất nhiều người nghiện vào Trung tâm đi cai?

 

Từ khi trở về đến giờ, tôi đã đưa khoảng vài chục người vào Trung tâm cai nghiện nhưng mới thành công được 5 người.

 

Năm 2006, khi chương trình “Người xây tổ ấm” phát về tôi, có rất nhiều người đã gọi điện, tìm đến và nhờ tôi giúp đỡ cho người thân của họ. Có cả một ông Vụ trưởng cũng gọi điện đến nhờ tôi giúp cho con ông ấy một cách kín đáo nhất.

 

Hôm đến nhà, tôi thấy ông ấy nhốt thằng bé trong cũi sắt. Thằng bé thấy tôi mở cũi ra thì rất sợ hãi. Tôi bảo ông Vụ trưởng đi mua thuốc cho nó hút thoải mái cả đêm và không nhốt trong cũi nữa. Sáng hôm sau thằng bé chấp nhận đi cai. Ngồi trên xe nó hỏi: “Thầy là thầy giáo ở trại à?”. Tôi trả lời: “Không. Là chiến hữu của em”. Giờ nó đã cai nghiện thành công, vừa đi học ở nước ngoài về và đã lấy vợ.

 

Kế hoạch sắp tới của anh?

 

Cái buồn là tôi không chủ động được kế hoạch của mình. Kế hoạch của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào lịch mời của các đoàn, các đạo diễn. Giờ tôi là nghệ sỹ tự do hoàn toàn, không tham gia chính thức ở đoàn làm phim nào cả, tự do toàn tập. Tôi chỉ thèm có một cái quán nho nhỏ để lấy làm chỗ hội họp anh em uống cà phê. Tôi đang rất cố gắng để thực hiện ước mơ đó nhưng chắc là phải có sự hỗ trợ của con gái. Hồi đầu con gái tôi không cho tôi mở quán vì sợ tụ tập lại bị bạn bè xấu rủ rê nghiện lại nhưng giờ thì con tôi không còn phải lo lắng nữa.

 

Còn dự định mua nhà cửa thì... xa lắc. Tôi đang ở một mình tại một căn nhà thuê. Trước tôi có đến 4 căn nhà tiền tỉ, giờ chỉ mong có 3 mét vuông đất để chôn mình. Con gái tôi đang ở với mẹ cháu, một tuần xuống thăm bố vài lần. Mỗi tháng tôi đi đóng phim kiếm được dăm triệu cũng chỉ đủ tiền thuê nhà, chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày chứ để dành ra một khoản làm việc gì đó thì... còn lâu.

 

Tôi vẫn tin hạnh phúc là có thật. Hạnh phúc chỉ không có thật khi để nó vuột qua tầm tay mình. Tôi ăn cơm bụi 5, 7 năm rồi nhưng biết đâu tôi sẽ có một gia đình nho nhỏ trong một thời gian không xa nữa. Và lúc đó tôi sẽ chia sẻ hạnh phúc với các bạn sau.

 

Theo Gia đình & Xã Hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm