1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Điện ảnh Việt Nam: Tư nhân hoá, liệu có thành công?

(Dân trí) - Không thể phủ nhận sự ra đời hàng loạt của các hãng phim tư nhân trong thời gian qua đã đem đến cho nền điện ảnh nước ta một hơi thở mới. Tuy nhiên việc các hãng phim tư nhân này có tồn tại và phát triển được hay không thì còn phải đợi.

Có lẽ chưa bao giờ điện ảnh tư nhân ở nước ta lại phát triển mạnh như bây giờ. Chỉ hai năm sau khi bộ Văn hoá Thông tin cho phép tư nhân làm phim đã có tới gần 30 hãng phim tư nhân ra đời. Đây quả thực là sự bùng nổ về số lượng so với nền điện ảnh vốn vẫn còn khiêm tốn như nước ta. Có người thì cho đây là tín hiệu vui, nhưng cũng có ý kiến trái ngược và thực tế hoạt động trong thời gian qua vẫn chưa đủ làm người xem yên tâm về một cuộc "đổ bộ" thành công của các hãng phim tư nhân.

 

Cái tên Thiên Ngân, Phước Sang được nhiều người nhắc đến trong thời gian qua, bởi đây là hai hãng phim tư nhân hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên lĩnh vực hoạt động được đánh giá cao không phải là sản xuất phim mà là nhập phim. Những bộ phim được hai hãng này nhập về thường bán cháy vé tại các rạp chiếu bóng ở những thành phố lớn. Thực tế hiện nay, các hãng phim tư nhân của nước ta vẫn đang ở thế chờ đợi, hoạt động cầm chừng.

 

Trong lĩnh vực sản xuất phim, mặc dù các hãng phim tư nhân đã có những bước chuyển mình khá mạnh, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với yêu cầu khắt khe của người xem. Hai bộ phim được coi là bước đột phá của dòng phim thị trường nước ta là Gái nhảyLọ lem hè phố thì lại do hãng phim nhà nước sản xuất.

 

Tất nhiên không thể phủ nhận sự cố gắng của các hãng phim tư nhân, một số hãng đã chủ động hợp đồng sản xuất phim cho các đài truyền hình như hãng Lasta đang trình chiếu bộ phim do hãng sản xuất Vòng xoáy tình yêu vào “giờ vàng” trên Đài Truyền hình TPHCM, hay hãng HK Film đang có tham vọng lớn với bộ phim truyền hình dài tập Tuổi 20 của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng.

 

Bên cạnh đó, một số hãng phim tư nhân đã không ngần ngại đầu tư tiền tỷ cho một bộ phim, như trường hợp phim kinh dị Khách sạn không đèn của đạo diễn trẻ Bá Vũ. Trong bộ phim này, nhà sản xuất chịu chơi tới mức định thuê cả diễn viên Hàn Quốc sắm một vai. Đây là sự đầu tư rất đáng khích lệ của nhà sản xuất mặc dù hiệu quả của sự đầu tư đó ra sao thì còn phải chờ.

 

Một trong những lý do khiến hầu hết các hãng phim tư nhân ở Việt Nam sau khi thành lập vẫn hoạt động không mấy hiệu quả là việc định hướng thị hiếu người xem. Khán giả nước ta vốn đã quen với dòng phim hành động của Mỹ, tâm lý của Hàn Quốc và kiếm hiệp của Trung Quốc, bây giờ quay lại với phim trong nước thì không khỏi thất vọng.

 

Mới đây hãng phim BHD đã chuyển bộ phim 39 độ yêu từ phim truyền hình dài tập sang phim nhựa một tập phát hành tại các rạp. Việc "cắt cúp" một cách sơ sài này đã khiến bộ phim trở nên kém chất lượng cả về hình ảnh, âm thanh và nội dung.

 

Kịch bản cũng được coi là yếu tố khiến các nhà làm phim tư nhân đau đầu. Thực tế trong thời gian qua, các bộ phim do các nhà làm phim tư nhân sản xuất như Những cô gái chân dài, Nữ tướng cướp đều không đạt được thành công như mong muốn vì kịch bản vẫn na ná như phim nước ngoài đang trình chiếu đầy rẫy trên màn ảnh truyền hình.

 

Tuy nhiên theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh thì ta không thiếu kịch bản hay, nhưng từ kịch bản hay đến phim hay thì vẫn còn nhiều rào cản. Trong dòng phim thị trường các nhà làm phim nước ngoài đã biết tự làm mới bộ phim của mình bằng kỹ xảo, bằng những tình tiết mà phải có sự hỗ trợ tối đa của các thiết bị kỹ thuật mới có thể thành công. Ở nước ta, hầu như rất ít hãng phim tiếp cận được với những công nghệ mới ấy. Chính vì thế dù nhà sản xuất đã rất cố gắng nhưng phim vẫn có vẻ gượng gạo. Các pha đuổi bắt, chia tay... vẫn khiến người xem thấy không hài lòng ở những góc quay đơn giản. 

 

Đối với các hãng phim tư nhân việc làm sao để thu hút được càng nhiều người xem càng tốt là một yếu tố sống còn. Để có thể thu hút được người xem, các hãng phim buộc phải đi vào những thể loại mang tính giải trí cao, đây là điều rất khó bởi thể loại phim này ở nước ta chưa phát triển, các nhà làm phim tư nhân thực sự không nhiều kinh nghiệm về chúng. Hơn nữa phim giải trí nếu làm không khéo rất dễ phản tác dụng, gây nên sự chán nản đối với người xem.

 

           

Thanh Phong