Hoa hậu toàn quốc 2006:

Để trí tuệ tỏa sáng và nhan sắc lên ngôi...

(Dân trí) - “Bản thân quy chế thi Người đẹp có những thay đổi, thì tất yếu các người đẹp cũng khác hơn, nói cụ thể là đẹp hơn, sắc sảo và trí tuệ hơn”, ông Dương Xuân Nam, trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu toàn quốc 2006 cho biết như vậy.

Lý do nào khiến báo Tiền phong là đơn vị đầu tiên đăng cai tổ chức thi người đẹp toàn quốc, thưa ông?

 

Thật ra thì từ xa xưa các cụ nhà ta đã tổ chức thi người đẹp rồi, như thi chọn người đẹp ở hội Đền Hùng, rồi sau này có người đẹp Nam Kỳ lục tỉnh với sắc đẹp nổi tiếng của Nam Phương Hoàng hậu… Đấy là lịch sử nước mình, chứ chúng tôi không học tập, chạy theo trào lưu của ai, nước nào. Tất nhiên, khi mới bắt đầu thì chúng tôi cũng vướng phải một vài sự phản đối, nhưng sau khi ngược xuôi thuyết phục thì đâu cũng vào đó, ổn thỏa.

 

Sau thành công của lần thi đầu thì khoảng năm 1989 thi hoa hậu đã trở thành một “phong trào”, đến nỗi Bộ VH-TT phải đứng ra tổ chức cuộc họp liên ngành với hơn chục bộ ngành khác để xử lý vấn đề này. Cụ thể là giao cho báo Tiền phong soạn thảo quy chế và sau đó, Bộ VH-TT đã ban hành quy chế thi Người đẹp đầu tiên ở nước ta.

 

Quy chế thi đến nay đã có sự điều chỉnh và thay đổi, vậy tiêu chí chọn lựa Hội đồng giám khảo có thay đổi đáng kể nào?

 

Không có nhiều, bởi Hội đồng giám khảo chủ yếu vẫn là những “cây đa cây đề” trong giới nghệ thuật và khoa học xã hội, ví dụ như diễn viên điện ảnh, nhạc sỹ, tiến sỹ thẩm mỹ học, nhà nghiên cứu văn hóa… Điều không thể thiếu là bên cạnh các chức danh đó phải là những nhân cách. Sự đánh giá của các thành viên Hội đồng phải luôn khách quan, khắt khe và công bằng. 

 

Để trí tuệ tỏa sáng và nhan sắc lên ngôi... - 1

       Nhà thơ

Dương Xuân Nam.

Nhưng giữa các thành viên của Hội đồng có khi nào phát sinh mâu thuẫn quan điểm hoặc vì tình cảm cá nhân mà xảy ra sai sót?

 

Tranh luận gay gắt thì có, khác nhau về quan điểm cũng có, nhưng vì yêu ghét cá nhân hay “ông thích mà tôi không thích” để đánh trượt ai đó thì tôi khẳng định hoàn toàn là không có. Đây thuộc về vấn đề nhân cách, nên dùng tình cảm cá nhân để gây ảnh hưởng là điều không tưởng được.

 

Cá nhân ông có gặp phải sức ép nào không?

 

Có chứ. Sức ép của tôi đó là làm sao chọn được người xứng đáng với vương miện. Bởi đây là cuộc thi trực tiếp trước con mắt của hàng chục triệu người, chúng tôi chỉ chọn lựa không chuẩn một chút thôi thì sẽ xảy ra… rắc rối to.

 

Ông có nghĩ sẽ có sự thay đổi về các tiêu chí của hoa hậu bây giờ so với những năm trước, cụ thể ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 là gì vậy?

 

Bản thân quy chế thi Người đẹp có những thay đổi, thì tất yếu các người đẹp cũng khác hơn, nói cụ thể là đẹp hơn, sắc sảo và trí tuệ hơn. Các thí sinh của chúng ta phải đảm bảo hài hòa giữa mặt hình thể và tâm hồn trí tuệ.

 

Trong nội dung cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2006 này, chúng tôi sẽ tổ chức thi và trao vương miện cho 5 hoa hậu: hoa hậu thể thao, hoa hậu ảnh, hoa hậu thân thiện, hoa hậu du lịch và hoa hậu biển trước khi diễn ra đêm chung kết hoa hậu toàn quốc. Đây cũng là dịp để những trí tuệ được tỏa sáng và nhan sắc được lên ngôi. 

 

Với những trường hợp Hoa hậu sau khi đăng quang nhưng lại để xảy ra những scandal như Phan Thu Ngân, Hà Kiều Anh, thì lỗi do đâu?

 

Tôi thấy bản thân họ không gây ra điều gì tội lỗi hoặc vi phạm pháp luật nên không thể kết tội cho họ được. Họ chỉ có lỗi khi đặt tình yêu không đúng chỗ, tìm hiểu không đúng đối tượng để rồi khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc như mọi người đã biết, thì họ phải gánh lấy những tai tiếng cho cả cuộc đời. Giá như họ suy nghĩ chín chắn hơn một chút nữa thì biết đâu mọi việc sẽ khác.

 

Con người ta ai cũng có lúc gặp may mắn và có lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát. Tuy nhiên, nói gì thì nói, bản lĩnh cá nhân vẫn là quan trọng nhất, bởi chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho số phận. Tôi nói vậy vì có những Hoa hậu vẹn toàn tài trí như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga, Ngọc Khánh… Đó thật sự là những người phụ nữ đáng nể phục ngoài sắc đẹp đấy chứ?

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hương Đinh