Đề tài "khổ dâm" và "diễm tình" khuấy động văn đàn Indonesia

Người ta gọi đó là các tiểu thuyết diễm tình, pha trộn giữa tình dục và tôn giáo mà tác giả của chúng là những nhà văn nữ trẻ đẹp, tự do, hiện đại, đang khuấy động đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới...

 Djena Maesa Ayu là một trong những đại diện cho làn sóng mới này. Djena, 32 tuổi, là con gái của một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất và một nữ diễn viên xinh đẹp - một cặp B.B - Roger Vadim Indonesia; nhưng cô sớm rời gia đình năm 12 tuổi, lấy chồng năm 18 tuổi và có con ở tuổi 19.

Djena là đại diện mới nhất của những nhà văn nữ đã làm nên cuộc cách mạng trong nền văn học Indonesia - và cũng nổi loạn nhất: thoải mái nói về tình dục trong một xã hội Hồi giáo vẫn còn có nhiều điều không được nói đến một cách công khai. Một điểm chung giữa các nhà văn nữ này là họ đều trẻ, đẹp.

Hiện có trong khoảng 200 hay 300 nhà văn nữ đang viết thể loại sastrawangi, hay còn gọi là “văn học diễm tình” với các tác phẩm bán chạy không phải nhờ vào chất lượng mà là sự khêu gợi người đọc. Sự nổi loạn được thể hiện ở việc dùng các từ ngữ gây sốc và những chủ đề được đề cập đến trong tiểu thuyết; chẳng hạn như Dinar Rahayu, một cô gái trước công chúng vẫn che mạng nhưng lại viết về việc chuyển đổi giới tính và sự khổ dâm.

Saman, tiểu thuyết đầu tay của Ayu Utami, khi ra đời đã gây xìcăngđan lớn bởi đoạn cuối tác phẩm có một cha cố trao đổi về tình dục với một người bạn nữ qua email. Nhà thơ Medy Lokito đặt câu hỏi: “Tại sao khi những người đàn ông nói về tình dục thì nó đẹp và đầy chất thơ, còn khi phụ nữ nói đến nó thì sẽ bị coi là thô tục?”.

Richard Oh, nhà văn, nhà biên tập và chủ hệ thống nhà sách QB ở Jakarta, cho rằng: “Phần lớn những lời phê bình gay gắt đến từ những người chưa hề đọc tác phẩm nhưng gắn cho nó cái mác khiêu dâm. Trong khi với người đọc phương Tây thì những tác phẩm này dù có táo bạo nhưng chấp nhận được”.

Dewis Letari, người cùng với Djenar và Ayu là những khuôn mặt tiêu biểu của làn sóng mới, thì lại tránh nói về tình dục trong tác phẩm. Cựu ca sĩ nhạc pop này có chồng là một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng ở Indonesia.

Không nói về tình dục nhưng trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của Dewis, chị của nữ nhân vật chính theo đạo Thiên chúa đã cải đạo sau khi yêu một người Hồi giáo và trở thành một tín đồ Hồi giáo cực đoan. Đó là một chủ đề tế nhị tại Indonesia. Dewis Letari đã viết tác phẩm này sau thảm kịch Ambon, mà sự căng thẳng giữa những người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi đã gây nên gần như một cuộc nội chiến.

Gây tranh cãi hay không thì bộ ba tác phẩm Supernova của Dewis Letari, nơi khoa học viễn tưởng pha trộn với sức mạnh tinh thần - một thể loại chưa từng có nơi đây, đã phá kỷ lục về số sách bán được. Hiện nay cô cùng với Ayu Utami đang nắm kỷ lục về số sách bán được: trên 100.000 cuốn, trong khi Indonesia có đến 220 triệu dân nhưng một cuốn sách vào loại best-seller cũng chỉ đạt khoảng 8.000 bản.

Thế hệ trẻ ở Indonesia đang quan tâm đọc sách nhiều hơn bởi tác phẩm của những nhà văn nữ trẻ này dễ tiếp cận hơn. Chính những tác phẩm vừa có chất lượng vừa có tính đại chúng của họ đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt văn học của Indonesia. Họ là hiện thân của một nước Indonesia mới, hiện đại, tự do, một đất nước của sự cải cách, của phong trào dân chủ theo sau sự sụp đổ của chế độ độc tài Suharto.

Saman được xuất bản vài tuần trước ngày cáo chung của ông Suharto.

Ngay khi ra mắt, tác phẩm này đã bị giới bảo thủ phản đối nhưng lại được những nhà phê bình đánh giá cao bởi sự cách tân trong phong cách và nội dung. Nhà thơ Damono Sapardi, người đứng đầu khoa văn của Trường đại học Tổng hợp Indonesia, cho rằng Saman là tiểu thuyết quan trọng nhất từ trước đến nay ở đất nước này, bởi tác giả đã làm tiến hóa ngôn ngữ dân tộc Indonesia.

Hiện nay các giải thưởng văn học mà các nhà văn nữ nhận được cũng nhiều như những cuốn sách mà họ bán được, đến nỗi các nhà văn nam than thở rằng họ đang chịu sự phân biệt đối xử từ các nhà xuất bản. Làn sóng văn học diễm tình cho thấy sự thay đổi to lớn không chỉ nội dung mà còn về phong cách hoạt động văn học.

Tiền, tiếp thị, quảng cáo, tiếng tăm. Các nhà văn nữ biết mình đẹp và họ biết tận dụng ưu thế đó: ảnh của họ nhan nhản trên bìa tác phẩm, trên các tạp chí dành cho nam giới. Họ là khách mời danh dự, là ngôi sao của các chương trình truyền hình. Những nhà văn nữ trẻ này thường đến các hộp đêm, thích túi xách Louis Vuitton, thích mua sắm trong các cửa hàng có bày bán sách của họ bên cạnh sách tự thuật của kiều nữ tỉ phú Paris Hilton.

Theo Hải Anh
Tuổi Trẻ/Le Monde