1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đạo diễn Quang Dũng: “Tôi làm phim không phải để đoạt giải”

(Dân trí) - “Tiêu chí của tôi là làm phim cho khán giả, không phải để đoạt giải, mà lại được Cánh diều bạc thế là vui rồi”, đạo diễn của “Nụ hôn thần chết” Quang Dũng thẳng thắn bày tỏ.

Trước khi lễ trao giải Cánh diều vàng 2007 diễn ra, có nhiều người dự đoán Nụ hôn thần chết của Dũng sẽ được “vàng”, nhưng cuối cùng chỉ “bạc”. Dũng có thấy thất vọng không?

 

Tôi nghĩ mỗi giải thưởng, Ban tổ chức đều có tiêu chí của họ. Tôi chưa bao giờ hy vọng, nên không thất vọng gì. Bởi mục tiêu làm phim Nụ hôn thần chết của tôi là dành cho khán giả, chứ không phải mang đi dự thi. Trước khi giải diễn ra, báo chí và dư luận có cho rằng, các hãng phim tư nhân có vẻ “tẩy chay” giải thưởng nhà nước, nên không chịu gửi phim dự thi. Nhưng không phải như vậy, nên đoàn làm phim Nụ hôn thần chết quyết định gửi phim tham gia giải Cánh diều vàng và rất bất ngờ khi đoạt giải.

 

Cùng đoạt “bạc”, nhưng Trái tim bé bỏng lại lên nhận giải trước Nụ hôn thần chết. Và trong buổi họp báo tổng kết Cánh diều vàng 2007, sáng ngày 10/3, ông Trần Luân Kim, chủ tịch hội đồng ban giám khảo có trả lời báo giới, sở dĩ có điều đó là vì Nụ hôn thần chết vẫn còn kém hơn so với Trái tim bé bỏng. Dũng có thấy phiền với câu trả lời đó của Ban tổ chức?

 

Tôi chẳng phiền gì chỉ tiếc một điều: Tại sao không trao giải Cánh diều vàng cho Trái tim bé bỏng? Tôi nghĩ, một cuộc đua, phải có người về nhất, về nhì. Như giải Oscar chẳng hạn có năm hay năm dở, nhưng người ta vẫn trao giả mà? Có thể năm nay không hay bằng năm trước nhưng nhất định phải có người về nhất trong năm.

 

Trái tim bé bỏng được điểm cao hơn Nụ hôn thần chết, tôi thấy cũng bình thường, vì trước đây các phim bán được vé, còn bị đánh giá thấp hơn. Huống hồ, tiêu chí của tôi là làm phim cho khán giả, không phải để đoạt giải, mà lại được Cánh diều bạc thế là vui rồi.

 

Dũng đã từng nói, làm phim là cho khán giả, chứ không phải đoạt giải và khán giả trẻ rất thích Nụ hôn thần chết của Dũng. Dũng có suy nghĩ gì  trước thị hiếu của khán giả hiện nay?

 

Mỗi thế hệ có cách nhìn khác. Khán giả xem phim hiện nay họ cần những gì mới hơn so với cái cũ trước đây. Mỗi phim khán  giả cần xem những gì tiến bộ hơn, khác hơn so với những phim trước họ đã xem. Nếu không tin điều đó cứ mang những phim kinh điển Việt Nam ra chiếu rạp, số lượng vé bán sẽ là câu trả lời.

 

Nhưng rõ ràng so với thời phim đen trắng, những phim Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Chị Tư Hậu… khán giả phải rồng rắn xếp hàng mua vé. Còn bây giờ trái ngược hoàn toàn khi mà càng hiện đại, càng khó kéo chân khán giả đến rạp. Liệu có phải trong phim Nụ hôn thần chết Dũng đã dùng rất nhiều kỹ xảo, có phải “ ý đồ là để hút khán giả hiện đại?

 

Đối với tôi, những ngày còn bé không hề có khái niệm phim hay, dở. Cũng không hề có khái niệm chọn phim để xem. Có phim để xem là mừng lắm rồi. Thời đó khác bây giờ không có phim Holywood, không có MTV, không có games… Cho nên, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn có một khó khăn riêng. Bây giờ làm phim cái khó lớn nhất là có quá nhiều mô hình giải trí, là sự chọn lựa cho khán giả, trong đó có điện ảnh.

 

Chuyện dùng nhiều kỹ xảo trong Nụ hôn thần chết không phải ý đồ hút khán giả, câu khách mà là để hỗ trợ, phục vụ cho câu chuyện thôi.

 

Tại sao Dũng làm phim mà chỉ quan tâm đến khán giả, không quan tâm đến các giải thưởng, vì các giải thưởng là những “đánh giá” xác thực nhất cho các bộ phim?

 

Mỗi năm Điện ảnh Việt Nam đều có giải này, giải kia, nhưng không biết bao giờ Điện ảnh Việt Nam mới có khán giả. Tôi nghĩ, thời điểm này những nhà làm phim như tôi đều cần có khán giả hơn những giải thưởng.

 

Vậy là thời điểm này điều quan trọng của các nhà làm phim là kéo khán giả đến rạp cái đã, sau đó mới xét tới nghệ thuật? Dũng có nghĩ, cứ làm như vậy sẽ hướng thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ lệch sang cái gọi là tiêu cực không?

 

Tôi nghĩ một bộ phim điều quan trọng nhất là cần có khán giả xem. Holywood đã làm phim hướng đến khán giả, còn Việt Nam làm phim để nâng cao trình độ khán giả. Và thực tế, Holywood đã có khán giả và thẩm mỹ phim của họ cũng cao. Việt Nam thì khác, trước tiên phải có mặt bằng chung, nghĩa là làm phim phải thu hồi vốn cái đã, rồi giàu lên, sau đó sẽ sinh ra những phim thể nghiệm, tìm đường mới để đi.

 

Nhưng khán giả cần những phim có chất lượng về nghệ thuật lẫn nội dung. Cứ làm phim kiểu “thu hồi vốn”, họ sẽ vẫn chuyển sang xem những bộ phim Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông… Và thực tế là như vậy?

 

Tôi nghĩ những phim khán giả đang xem đều chất lượng. Nụ hôn thần chết là một phim có chất lượng: Hình ảnh, âm thanh tốt, làm khán giả cười, cảm động… Điều đó đã được khẳng định rồi, không bàn nữa. Nhưng phim chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một con én không thể làm nổi mùa xuân, nghĩa là không kéo được khán giả tới rạp? Có một con én, từ từ sẽ có vài con én nữa. Còn hơn mới có một con én mà bị nhốt mất tiêu.

 

Nhiều nguời cho rằng: “xem phim Việt Nam, khỏi cần xem hết, vẫn biết kết cục”. Dũng thấy xót xa khi nghe điều này?

 

Xót xa thì quá nhiều xót xa, nghề nào cũng xót xa. Phải làm hết sức mình cái đã, vì chẳng thế nào mà có thể nhảy một bước là lên thiên đường được.

 

Với bộ phim Nụ hôn thần chết, khi chọn ca sĩ Phương Thanh vào vai bà bói, có bao giờ Dũng nghĩ chị sẽ đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, vì đây là điều rất bất ngờ? Hay mục đích của Dũng muốn mời những ca sĩ nổi tiếng vào phim mình để đạt được tiêu chí trần trụi là tạo tò mò và “ hút vé" khán giả?

 

Nếu có giải thưởng riêng, tôi đã bầu chọn cho Phương Thanh từ vai bà bác sĩ trong Hồn Trương Ba rồi. Vai thầy bói được viết cho riêng Phương Thanh mà, nên Thanh đoạt giải rất xứng đáng, tôi không lấy làm bất ngờ đâu.

 

Thực ra khi chọn những người nổi tiếng vào phim, không phải ai nổi tiếng tôi cũng chọn, quan trọng nhất là phải biết diễn xuất. Nếu cứ chọn bừa, bộ phim chỉ tạo được cho khán giả cảm giác đây là một cuộc "trưng bày" những người đẹp mà thôi.

 

Cám ơn Dũng về buổi trò chuyện thân tình, thẳng thắn này!

 

 Lê Ngọc Dương Cầm