Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành: “Chỉ sợ mình không có tài”

"Chị là phụ nữ, nghề đạo diễn suốt ngày lăn lộn ngoài sân khấu không có thời gian chăm lo cho gia đình thì liệu chị có chịu được không? ", bà giáo người Nga hỏi. Phạm Thị Thành trả lời: "Tôi chỉ sợ mình không có tài, nếu tôi có khả năng về đạo diễn, tôi sẵn sàng hi sinh tất cả vì nghề nghiệp".

Với khuôn mặt trẻ hơn nhiều so với cái tuổi ở bên kia dốc cuộc đời, nụ cười tươi, ánh mắt sáng sau gọng kính to bộc lộ rất rõ phong cách Phạm Thị Thành. Bà luôn đem lại cho người đối diện cảm giác gần gũi và sự quí trọng. Vừa hoàn thành trọng trách làm tổng đạo diễn lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, bà lại lao vào đạo diễn, cho lễ hội du lịch Quốc tế Hà Nội 29/4 tới. Đối với bà, tác phẩm nghệ thuật luôn mới mẻ và tác phẩm sau bà phải làm hay hơn, mới hơn tác phẩm trước.

 

Người phụ nữ mang dòng dõi hoàng tộc

 

Cô tiểu thư lá ngọc cành vàng thôn Vĩ Dạ, Công Tôn Nữ Diệu Phẩm, được gả cho Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hoè - một người nổi tiếng tài giỏi, khí phách mà sau này được biết đến với công lớn là người viết bản thoái vị cho vua Bảo Đại. Bà Diệu Phẩm sinh được 6 người con là Phạm Khắc Lão, Phạm Khắc Hằng, Phạm Khắc Chi, Phạm Khắc Di, Phạm Kim Loan và Phạm Thị Thành.

 

NSND Phạm Thị Thành nói mẹ của bà là người am tường đàn tranh, đàn nguyệt và mê hát. Ngày tản cư về sống ở chiến khu, mấy mẹ con thường vừa làm vừa hát. Bà Thành thừa nhận rằng những lời thơ, điệu hò của mẹ đã ngấm sâu trong trái tim. Hình ảnh người phụ nữ Huế đôn hậu và tinh tế buông câu hò da diết, đắm say gieo vào lòng người những cảm xúc ám ảnh đến khó tả: Chiều chiều trước bến Vân Lâu / Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm / Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông...

 

*Phạm Thị Thành sinh năm 1941 tại Vĩ Dạ - Huế, là chắt ngoại của Tuy Lý Vương - con trai thứ 11 của vua Minh Mạng.

*Bà tham gia đoàn văn công Trung ương (nay là đoàn kịch Trung Ương) năm 1953. Năm 1971 bà học đạo diễn tại trường Đại học sân khấu Mat-xcơ-va. Năm 1988 bà được phong tặng danh hiệu NSƯT, 1998 được phong tặng danh hiệu NSND.

*Bà đã đạo diễn cho hơn 200 vở, trong đó có 16 vở được huy chương vàng và một số vở huy chương bạc. Cùng nhiều tác phẩm hoành tráng phải kể tên như: Lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội, 330 năm thành lập Khánh Hoà, 100 năm Đà Lạt, Festival Huế...

*Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành được coi là một trong tứ trụ đạo diễn của sân khấu phía Bắc, bên cạnh Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Đoàn Anh Thắng.

Phạm Thị Thành từ lúc bé đã rất thích theo các đoàn văn công biểu diễn và bộc lộ năng khiếu nghệ thuật đậm nét. Thành xin theo nghề văn công và được bà Diệu Phẩm ủng hộ...

 

Trong thời gian diễn chèo, kịch ở đoàn văn công, Phạm Thị Thành đã yêu người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi đã trải qua hai đời vợ là NSND Đào Mộng Long. Thành đang độ tuổi trăng tròn còn ông Long đã bước sang tuổi 45. Ông bà Đổng lý kịch liệt phản đối và tìm mọi cách ngăn cản. Dù bị ngăn cấm nhưng hai người vẫn gặp nhau cùng thề non hẹn biển. Khi người con gái yêu nhất là người con gái theo đuổi nghệ thuật và có cá tính nữa thì không một rào cản nào ngăn trở được.

 

Lúc đó, bà Diệu Phẩm có hiệu sách Thống nhất ở phố Tràng Thi, thấy nhiều người hỏi mua cuốn sách Hận tương giao bà tò mò giở cuốn sách ra đọc. Bà vô cùng ngạc nhiên khi tác giả cuốn sách lại là cái ông trung niên "đang lừa" con gái của bà. Bao tâm tư sầm muộn về tình cảm đôi lứa bị gia đình ngăn cấm ông trút hết vào trong cuốn Hận tương giao. Mối tình của hai nhân vật trong truyện được ông bê nguyên mẫu từ chuyện tình thực của hai người đã làm cảm động trái tim người mẹ. Bà Phẩm gật đầu cho đôi uyên ương nên vợ nên chồng...

 

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành: “Chỉ sợ mình không có tài” - 1
 Kết hôn với ... nghệ thuật

 

Có lẽ tôi phải gọi bà là người như thế bởi những tìm tòi, cống hiến và sống vì nghệ thuật của người nghệ sĩ. Sau này, khi cuộc sống gia đình không còn trọn vẹn, bà Thành dành hết thời gian cho công việc và 2 đứa con. Sáu, bảy năm trời học đạo diễn bên Nga, bà trở về Hà Nội viết dự án thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Năm 1978, Bộ Văn hoá thông tin quyết định bà Hà Nhân (lúc bấy giờ là quyền cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn) với bà đứng ra thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Thời gian làm giám đốc NHTT bà đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển của NHTT, đào tạo những lớp diễn viên tài năng như Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú, Ngọc Huyền... Khi làm Cục phó Cục nghệ thuật biểu diễn bà thực hiện dự án đào tạo nghệ nhân múa rối nước trẻ để kế cận, xin dự án của quỹ Ford đào tạo lớp ca trù trẻ...

 

Gánh trên mình hàng tá chức sắc và hội viên các hội, vừa làm đạo diễn sân khấu, tổng đạo diện các lễ hội... tôi băn khoăn không biết bà sắp xếp lượng công việc khổng lồ kia ra sao. Bà cười: "Có niềm tin, đam mê, hết lòng vì công việc thì khó đến mấy cũng có cách giải quyết".

 

Và người ta vẫn thấy người phụ nữ ấy cứ 5 giờ chiều phóng như bay trên con đường Tràng Thi với trang phục áo phông, quần soóc đến sân chơi tennis hết mình để rồi ngày hôm sau lao vào vắt kiệt các nơ ron thần kinh trong công việc.

 

Nguyễn Hằng

Ảnh Lê Anh Tuấn