Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Hơi bất công với Vũ Ngọc Đãng
(Dân trí) - Thừa nhận có đôi chút thiếu công bằng với Vũ Ngọc Đãng tại LHP lần thứ 17 vừa qua nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, gạt ra ngoài những chuyện công bằng hay không, "một nhân tố mới muốn được thừa nhận phải có một con đường dài".
Thưa đạo diễn Lưu Trọng Ninh, là chủ tịch hội đồng giám khảo LHP lần thứ 17 vừa kết thúc cách đây không lâu, anh nghĩ thế nào về việc có quá nhiều lời bàn tán xung quanh giải thưởng vừa qua?
Là người đã có mặt, theo dõi Liên hoan phim từ đầu đến cuối và đã từng xem Vũ điệu đam mê, tôi vẫn cho rằng phim đó không xứng để đoạt Bông sen bạc?
Có lẽ bạn nhầm. Có hai điều trong Vũ điệu đam mê mà tôi rất thích, bộ phim giương lên “ngọn cờ” rất tốt và mang tới thông điệp vượt qua số phận. Thực ra chúng tôi chỉ chủ yếu tập trung xem xét hai bộ phim là Mùi cỏ cháy và Hotboy nổi loạn, còn những phim khác thì “chia đều” chấm điểm, ai cao hơn thì được.
Tôi đố bạn tìm được một cảnh kéo cờ nào đẹp như trong Vũ điệu đam mê, giữa thủ đô Bangkok của Thái, một lũ trẻ nhuần nhuyễn và đa sắc trong một bộ phim như vậy. Và Mỹ Hạnh, tôi nghĩ không diễn viên nào “tải” được toàn bộ chuyện phim như cô ấy.
Chúng tôi không phải những người cực đoan, nếu nói về tình nghĩa tôi thậm chí còn chưa biết mặt mũi Vũ Ngọc Đãng là ai cơ. Bạn có biết khi xem xong phim Hotboy nổi loạn, 9 vị giám khảo đều đồng loạt nhất trí phim này đạt, thú vị và nghĩ rằng tuyệt đối nó là “vàng”.
Như vậy tại sao Hotboy nổi loạn chỉ đoạt giải bạc, có phải BGK e ngại đề tài nhạy cảm mà phim đề cập tới?
Họ e ngại chứ, họ e ngại là bởi họ không nghĩ rằng giải vàng LHP lại trao cho một câu chuyện về cô gái điếm và những vấn đề đồng tính. Họ e ngại nên họ đã có những sự tranh cãi khủng khiếp. Mặc dù tôi là thằng rất bản lĩnh đấy, tôi bản lĩnh lắm mới giữ được như vậy, nếu không với những sự “cọ xát” khủng khiếp của BGK như vậy thì...
Như vậy có thể nói BGK đã thiếu công bằng với Vũ Ngọc Đãng không?
Đúng! Nhưng chúng tôi đã trao rất nhiều giải cá nhân, nó như là một lời khẳng định của chúng tôi với tài năng của Vũ Ngọc Đãng. Đãng cũng giống như tôi thôi, những ngày tôi mới bước vào nghề, tôi cũng có những phim rất hay nhưng vẫn chấp nhận giải dành cho đạo diễn.
Ở đây không nói chuyện công bằng hay không công bằng, mà một nhân tố mới muốn được thừa nhận phải có một con đường dài. Mới đầu thì tất cả đạo diễn đều nghĩ “vàng” nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại thì lại muốn gạt ra, nhưng nếu làm như thế thì kinh khủng quá.
Tất nhiên mọi tác phẩm điện ảnh cũng giống như một món ăn, nó phù hợp với người này và có thể không phù hợp với người kia. Nhưng tôi phải thừa nhận thế này, một câu chuyện về “con điếm và những người đồng tính” mà làm được như vậy là tuyệt vời. Đề tài đó chúng tôi “dị ứng” lắm nhưng khi xem phim chúng tôi không thấy vậy. Chúng tôi thấy sự nhân văn sâu sắc, chúng tôi không thấy đó là chuyện tình đồng tính nữa mà chỉ thấy là con người yêu con người và khát vọng hạnh phúc sâu sắc. Không phim nào làm được hơn thế.
Bạn nói như vậy là không công bằng với Đãng, tôi đồng ý là không công bằng, nhưng tôi cũng chỉ là một trong 9 thành viên, tôi là chủ tịch nhưng tôi không có quyền quyết định toàn bộ. Nếu bạn hỏi cá nhân tôi, tôi sẽ thẳng thắn thừa nhận rằng đó là phim tôi rất thích.
Và sự khác biệt lớn nhất giữa Hotboy nổi loạn và các phim khác là gì?
Tôi có thể nói trên khía cạnh chuyên môn thế này: Phim của Đãng là hai câu chuyện khác nhau nhưng đã có thể gắn kết thành một câu chuyện hoàn chỉnh, còn các phim còn lại là một câu chuyện trở thành hai câu chuyện khác nhau. Hai câu chuyện của Đãng không liên quan tới nhau nhưng nó nằm trong một tinh thần tổng thể nên nó quyện vào nhau được. Còn những phim khác thì một câu chuyện mà khi xem lại thành hai câu chuyện không dính gì đến nhau.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử LHP mà giải thưởng cao nhất không dành cho phim về chiến tranh hoặc hậu chiến, điều đó có nghĩa là những người làm phim về đề tài chiến tranh đã có lúc nhường bước cho một đề tài mới, một cuộc sống mới.
Có hai đề tài luôn luôn hấp dẫn và có câu chuyện để nói là tình yêu và chiến tranh. Có phải nền điện ảnh của chúng ta nói quá nhiều về đề tài chiến tranh nên sức hấp dẫn của nó đã giảm bớt? Nếu mỗi năm làm một vài phim nhưng đầu tư kỹ lưỡng thì dòng phim này vẫn luôn có chỗ đứng?
Ở Việt Nam khác với tất cả các đất nước khác, chúng ta bước qua một cuộc chiến quá lâu dài nên ảnh hưởng của chiến tranh nặng nề hơn bất kỳ nước nào khác. Tôi nghĩ thật ra trên thế giới, chiến tranh và tình yêu là hai đề tài đâu, tất cả chỉ có một đề tài duy nhất, đó là vượt lên chính mình. Chiến tranh là hoàn cảnh dễ bộc lộ sự vượt lên chính mình đó nhất.
Phim Hotboy nổi loạn là phim nói về sự vượt qua chính mình cực kỳ hay. Vượt qua chính mình vẫn là đề tài chính, còn tình yêu hay chiến tranh chỉ là phương tiện mà thôi. Phim Hotboy nổi loạn và Vũ điệu đam mê đã làm được điều đó.
Anh nghĩ sao với nhận xét cho rằng nếu trao giải vàng nữ diễn viên phụ cho Phương Thanh ở vai cô gái điếm trong phim Hotboy nổi loạn thì phù hợp hơn, dù tôi biết rằng trong phim đó Phương Thanh được đề cử giải nữ diễn viên chính chứ không phải nữ diễn viên phụ?
Đúng là nếu được đề cử ở giải nữ diễn viên phụ thì Phương Thanh sẽ ẵm giải ở phim Hotboy nổi loạn chứ không phải ở phim Nụ hôn rực rỡ. Nhưng Phương Thanh ở cả hai phim đều tốt.
Ở phim Hotboy nổi loạn, Hồ Vĩnh Khoa diễn rất tốt nhưng lại đề cử ở giải diễn viên phụ, chúng tôi có tham khảo đoàn phim nhưng họ khẳng định vai của Khoa là vai phụ nên chúng tôi không làm gì được. Chứ nếu Khoa được đề cử giải nam diễn viên chính, thì Quách Ngọc Ngoan chưa chắc đã giành được giải.
Một vai diễn tốt hay không tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chúng tôi thấy ở Ngọc Ngoan những phẩm chất, chiều sâu điện ảnh. So sánh với Lương Mạnh Hải (trong đề cử - PV), tôi cho rằng Ngọc Ngoan hơn.
Vậy còn Dustin Nguyễn?
Tôi cho rằng Cánh đồng bất tận đã chọn sai diễn viên, kể cả Hải Yến. Ở phim này, Dustin Nguyễn diễn không ra một người nông dân Nam bộ, từ cách ăn nói, cử chỉ... chỉ được cái vê thuốc. Còn trong Để Mai tính, tôi lại không thấy được điều gì mới.
Có một câu hỏi mà tôi vẫn chưa thấy thoả mãn khi được trả lời trong buổi họp báo kết thúc LHP rằng liệu BGK có thể hiện sự “bối rối” khi lựa chọn quá nhiều đồng giải thưởng?
Không! Bởi vì khi đã quyết định thì chúng tôi phải theo khung điểm, không hề bối rối. Chúng tôi cứ theo khung điểm từ mấy điểm tới mấy điểm thì vàng, mấy điểm tới mấy điểm thì bạc... sau khi đã có quy chế như thế thì cứ thế mà làm. Đó chỉ là sự vô tình các phim cùng nằm trong “quãng điểm” bạc.
Một phim tôi thấy tiếc là phim Tâm hồn mẹ, đó là một phim đã khá thành công đấy chứ.
Tâm hồn mẹ khi đem ra chỉ có một đề cử mà thôi, đáng ra nó không nằm trong khung bởi ít nhất phải có 3 đề cử mới được. Nếu bạn ở Hà Nội thì bạn sẽ thấy nó không có gì mới lạ cả. Tôi cũng không thấy tâm hồn mẹ, đó là một bà mẹ hư hỏng khi cởi truồng không ra gì. Nếu ngôi nhà của mẹ trong một xóm lao động thì có lẽ câu chuyện đã khác, chứ chỉ vậy thì làm sao “bén mảng” với Đãng được. Thông điệp tâm hồn mẹ nhưng hai đứa trẻ chỉ nói bằng miệng chứ không phải bằng hình ảnh, một bộ phim với đề tài rất dễ lấy cảm xúc mà xem không cảm xúc.
Nhưng phim đã có giải ở LHP quốc tế?
Đó là chuyện bình thường, mỗi BGK có một tiêu chí riêng, đừng coi giải thưởng như là một sự khẳng định. Không có sự khẳng định nào ở đây hết.
Tổng kết lại thì anh nghĩ LHP lần thứ 17 là một LHP thành công?
Tôi nghĩ có thể chưa trọn vẹn lắm nhưng LHP 17 là một sự khởi đầu mới, chúng ta không thể mong mỏi hơn. Tất nhiên mỗi người có một ý kiến, như anh Thanh Vân (đạo diễn Thanh Vân) cho rằng đấy là “mới trong xóm, trong làng quê” nhưng đó là ý kiến cá nhân mỗi người, tôi không bàn.