1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đạo diễn Khải Hưng: "Tôi phản đối người mẫu, ca sĩ đóng phim!"

"Tôi rất dị ứng vì họ chỉ coi đóng phim là cuộc dạo chơi chứ không phải nghề chính. Cũng như không phải nhà mình mà chỉ là nhà nghỉ thì... nghỉ xong rồi đi. Chứ nếu là nhà mình thì khi sứt tường sẽ phải trát trít lại ngay", đạo diễn Khải Hưng phát biểu.

Tự anh đánh giá hai khóa đào tạo diễn viên truyền hình của VFC vừa rồi (năm 2005, 2006) thế nào?

 

Thắng lợi... vừa phải. Nhiều người cứ nghĩ trong vài ba tháng có thể đổi đời trở thành ngôi sao. Tôi cho rằng ba tháng là quá ngắn với một khóa đào tạo.

 

Vậy năm nay VFC có ý định làm nữa không?

 

Chúng tôi không phải trường đào tạo, không đủ sức để năm nào cũng làm. Nếu lúc nào cảm thấy bức bí vì thiếu diễn viên và có thời gian thì mới tuyển tiếp. Ở hai khóa trước cũng có nhiều diễn viên tốt đấy chứ, nhưng bị nhiều người lôi kéo, nhiều công việc nên sớm bị hỏng, sớm có cảm giác mình là ngôi sao. Mà đã mắc bệnh ngôi sao thì... tắt lúc nào không biết.

 

Khóa đào tạo chưa thành công, ở cả thầy lẫn trò. Nhưng vẫn cần phải làm tiếp, chỉ có điều không phải là năm nay. Sự không chuyên nghiệp chính là ở chỗ ấy. Vì không chuyên nghiệp nên không phải là năm nay. Chức năng ở đâu, kinh phí ở đâu? Các hãng phim tư nhân đào tạo ngôi sao cho họ, tôi cho đó là xu hướng đúng.

 

Chứ không phải vì khóa đào tạo trước kém hiệu quả, có quá ít diễn viên khá nên không tổ chức nữa?

 

Cũng một phần. Chỉ có khoảng 20-30 em làm được vai phụ, vai thứ; vài ba em đóng được vai chính. Việc sử dụng các em cũng thất bại ngay qua phim Phóng viên thử việc. Các em chưa thành công nên không tạo niềm tin cho mọi người. Rất vô lý là mình bỏ công đào tạo các diễn viên, nhưng đào tạo xong thì bị nơi khác vơ mất, bởi mình không thể có hợp đồng, có chế độ cho họ.

 

Phim "Phóng viên thử việc" của đạo diễn Quốc Trọng sử dụng khá nhiều "đầu ra" của lớp đào tạo diễn viên vừa rồi. Và ai cũng thấy là các diễn viên mới đóng rất cứng, góp phần làm... hỏng bộ phim?

 

Tôi cũng nghĩ thế! Tôi cho rằng thất bại của bộ phim ở hai điểm: kịch bản chưa tốt và diễn viên cũng làm chết kịch bản ấy. Trách nhiệm thuộc về đạo diễn nhưng đạo diễn cũng bó tay vì đã chọn diễn viên rồi thì phải đẩy họ lên. Cũng chỉ đẩy được mức nào đó thôi vì các em chưa được tôi luyện nhiều.

 

Đáng lẽ phải cho họ những vai phụ để quen với diễn xuất trước rồi mới giao vai chính. Có lẽ vì là thầy dạy (của lớp đào tạo diễn viên truyền hình 2006) nên đạo diễn quá tin tưởng học trò của mình. Ông ấy nhặt những người được cho là hợp vai nhưng lại quên mất rằng họ cần phải tôi luyện một thời gian nữa mới trở thành cái gì đó.

 

Một đạo diễn làm phim dở thì có bị phạt không? Hoặc làm phim tốt thì có được thưởng không?

 

Tôi phân loại chất lượng phim theo bậc 1-2-3. Bộ phim này (Phóng viên thử việc) chỉ được bậc trung bình. Nếu phim kém quá thì đã không được phát sóng.

 

Chứ không phải đã hoàn thành một bộ phim ngốn rất nhiều tiền của, thời gian, công sức của nhiều người, đã đăng ký phát sóng rồi thì dù có thấy kém cũng phải phát sóng...

 

Chúng ta phải định nghĩa thế nào là kém đã. Truyền hình là cơ quan báo chí. Phim thì cũng giống trang văn hóa - nghệ thuật của một tờ báo thôi. Thế nào là phim kém? Có chạm đến luật nào không? Không! Có chán đến mức không chiếu được không? Không! Vẫn có thể phát sóng được. Vì vậy chỉ đánh giá là phim trung bình thôi.

 

Anh thấy các diễn viên truyền hình bây giờ thế nào?

 

Họ có quá nhiều việc để làm, và không nghĩ diễn viên là nghề sinh vì nó và chết vì nó. Họ chỉ coi đó là phương tiện kiếm sống, chỉ nghĩ sẽ làm trong một giai đoạn nào đó thôi. Tình trạng này rất đáng báo động, bởi dù có là diễn viên xuất sắc thì nghề diễn cũng không mang lại cho họ thù lao thích đáng để sống đàng hoàng, phải làm nghề khác để kiếm sống.

 

Thêm nữa việc đào tạo của mình có vấn đề, quá thiếu cân bằng, chỉ thiên nhiều về lý thuyết. Sinh viên ĐH Sân khấu điện ảnh mà lại ít có điều kiện tiếp xúc với ống kính. Nghĩa là chỉ có diễn viên sân khấu thôi, làm gì có diễn viên điện ảnh. Diễn viên học đại học SK - ĐA ra chưa chắc đã bằng diễn viên được đào tạo 3 tháng mà ngày nào cũng được tiếp xúc với ống kính.

 

Nhiều diễn viên sớm bị bệnh ngôi sao, phải chăng cũng do các đạo diễn bơm quá tay...?

 

Đạo diễn luôn xỉ vả diễn viên, nhất lại là bọn trẻ và học sinh của mình thì lại càng xỉ vả nhiều. Họ mắc bệnh ngôi sao vì "được" một vài khán giả bơm vá, rồi bản thân các diễn viên đó cũng huyễn hoặc về mình. Chứ có mấy người vừa đẹp vừa giỏi thi vào khoa diễn viên của trường Sân khấu điện ảnh đâu, thậm chí... không có!

 

Thực tế điện ảnh Việt Nam không có "sao". Tham vọng tạo "sao" cho phim truyền hình có là viển vông không?

 

Đúng là hiện tại tôi chẳng thấy có ngôi sao nào, cả trong điện ảnh lẫn truyền hình. Tôi không đánh giá cao người mẫu, ca sĩ đóng phim. Tôi rất dị ứng vì họ chỉ coi đóng phim là cuộc dạo chơi chứ không phải nghề chính của mình. Cũng như không phải nhà mình mà chỉ là nhà nghỉ thì... nghỉ xong rồi đi. Chứ nếu là nhà mình thì khi sứt tường sẽ phải trát trít lại ngay.

 

Lỗi còn do các đạo diễn muốn mời họ để câu khách?

 

Đó là việc của thị trường. Tôi là người làm nghề, tôi muốn phải có diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên phải yêu điện ảnh như ngôi nhà của mình chứ không phải nhà nghỉ.

 

 Theo Vietnamnet